.

Bảo tồn di sản: Khôi phục cách của cha ông?

.

Những ngôi đền, đình, chùa ở các làng quê tồn tại hàng trăm, hàng ngàn năm mà vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Liệu có phải đó là vì chúng được xây dựng bằng những chất liệu có tuổi thọ cao chừng ấy, chúng là những vật liệu mà ngày nay chúng ta không thể có, hay còn vì những nguyên nhân khác?

Lễ thả bồ câu cầu quốc thái dân an tại đình làng Trung Nghĩa. 						   Ảnh: VĂN NỞ
Lễ thả bồ câu cầu quốc thái dân an tại đình làng Trung Nghĩa. Ảnh: VĂN NỞ

Những công trình do dân và vì dân đích thực

Ở bài viết này, chúng tôi muốn đề cập một thực tế, đó là công tác bảo trì, tôn tạo và xây dựng thêm ở các ngôi đình, chùa làng vẫn liên tục diễn ra trong nhiều thế hệ, kéo dài hàng trăm cho đến vài trăm năm. Điều đó có nghĩa, những di sản văn hóa vật thể không “tự nhiên” mà trường tồn theo năm tháng nếu không có sự can thiệp mang tính chăm chút, bảo dưỡng của những chủ nhân văn hóa, những người dân trong làng đã xây dựng và duy trì sự tồn tại của công trình.

Khi nói như vậy, cần trở lại bối cảnh thời đại ra đời những công trình văn hóa như đền, đình, chùa làng. Việc xây dựng và duy trì hoạt động cho các công trình này rõ ràng không thể là công việc của một cá nhân. Đó là sự chung sức, chung của cả một cộng đồng làng xã. Chúng ta vẫn nói, văn hóa Việt chính là văn hóa làng, bởi làng là đơn vị hành chính có tính tự trị rất lớn trong quá trình giữ nước của đất nước. Mỗi làng lại có hương ước quy định riêng thể chế sinh hoạt của cư dân sống trong cái làng ấy. Và việc xây dựng, tu bổ các công trình công cộng như đền, đình, chùa làng cũng là một phần tất yếu trong các quy định mà bản hương ước làng đưa ra. Chẳng hạn, việc xây dựng các công trình đền, đình, chùa làng đều bắt nguồn từ việc huy động đóng góp tài chính của toàn thể nhân dân trong làng. Sau đó, việc duy trì, sửa chữa, tôn tạo công trình lại có một khoản ngân sách riêng lấy từ tiền hoa lợi thu được trên một phần đất mà làng cắt riêng cho công việc đó. Và như thế, trong suốt hàng trăm, hàng ngàn năm qua, đình/đền/chùa làng đã được xây dựng, bảo trì và tôn tạo bền vững theo cách này. Người Việt xưa chắc không bao giờ nghĩ tới chuyện, sẽ có lúc họ cần phải làm giấy phép để xin được tu bổ, bảo dưỡng công trình công cộng như đình làng, vì đó là yêu cầu tất yếu và vô cùng giản dị, giản dị như chuyện đói thì ăn, mà khát thì uống vậy.

Có thể ứng dụng vào hiện tại?

Chúng ta vẫn nói, văn hóa Việt chính là văn hóa làng, bởi làng là đơn vị hành chính có tính tự trị rất lớn trong quá trình giữ nước của đất nước. Mỗi làng lại có hương ước quy định riêng thể chế sinh hoạt của cư dân sống trong cái làng ấy. Và việc xây dựng, tu bổ các công trình công cộng như đền, đình, chùa làng cũng là một phần tất yếu trong các quy định mà bản hương ước làng đưa ra.

Vậy thì chúng ta có thể ứng dụng cơ chế xây dựng và bảo vệ, tu bổ, tôn tạo chùa, đình làng theo nếp cũ đó trong đời sống hiện nay không? Chúng tôi cho rằng, hoàn toàn có thể. Nhưng dĩ nhiên, cần phải nghiên cứu các cách thức phù hợp để sao cho kiến trúc ấy vẫn phải là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của mọi người dân xung quanh. Tại sao chúng ta không thể đưa thư viện vào đình làng? Tại sao không thể tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng tại đình làng, điều mà lâu nay lại cứ phải chuyển sang các nhà văn hóa để cho có vẻ là hiện đại và “phố thị”? Tại sao không để đình làng là nơi tổ chức các buổi hội hè giao lưu giữa trai gái trong làng, giữa làng nọ với làng kia?…

Có quá nhiều ý tưởng cần phải suy nghĩ khi muốn mô hình đình làng xưa được tái sinh sống động trong đời sống hiện đại hôm nay mà vẫn có thể bảo lưu các giá trị tín ngưỡng, tâm linh, các giá trị văn hóa phi vật thể trong một giá trị văn hóa vật thể là ngôi đình/đền/chùa làng. Cái chúng ta muốn bảo tồn không phải là cái “xác” của ngôi đền, đình làng. Điều mà mỗi chúng ta nhớ về khi xa quê chính là những tập tục văn hóa, những buổi sinh hoạt tín ngưỡng mà ta được dự phần với tư cách người trong cuộc.

Nói tóm lại, bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể chính là nỗ lực để giữ lại những giá trị văn hóa phi vật thể có liên quan tới công trình văn hóa vật thể đó. Giữ lại một công trình kiến trúc cổ của làng chính là giữ lại những sinh hoạt, những thói quen, tập tục có gắn liền với không gian văn hóa làng của mỗi người Việt.

Người Việt là một sinh vật tín ngưỡng. Có ai đó đã từng khẳng định như vậy như để đặc biệt nhấn mạnh nhu cầu tín ngưỡng của người Việt dù ở bất cứ đâu. Và như thế, dù cư trú tại làng hay không còn sống tại làng nữa thì nhu cầu được trở về với những không gian văn hóa làng như đền/đình/chùa làng vẫn không hề nhỏ. Điều đó cho thấy, việc khôi phục và bảo tồn các công trình văn hóa công cộng ở làng xã là điều rất cần thiết nếu chúng ta muốn gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, những nền tảng giá trị thiết yếu trong tổng thể văn hóa toàn dân tộc. Tuy nhiên, muốn áp dụng cơ chế quản lý của quá khứ trong việc xây dựng, bảo tồn và duy trì hoạt động của các công trình công cộng vào đời sống hiện tại, cũng cần nhớ tới quy cách bầu cử dân chủ của chính quyền làng xã xưa. Để ngôi đình thật sự là của mỗi người, nhất thiết phải làm thế nào để mỗi người có cơ hội được tham gia đóng góp chính sức lực của họ vào việc xây dựng, bảo tồn và giữ gìn nó. Muốn như thế, cần phải có một hội đồng nhân sự chuyên đảm đương việc trông nom, săn sóc ngôi đền/đình làng như chúng ta đã từng có trong quá khứ. Và muốn hội đồng này làm việc hiệu quả, khâu lựa chọn nhân sự phải do nhân dân bỏ phiếu bầu ra một cách dân chủ. Dân có quyền bầu và dân có quyền bãi nếu không đạt yêu cầu của họ. Nhà nước không thể cử người ở đâu đó về để đảm trách một công việc mà họ không dễ nắm bắt nếu không phải là người sở tại. Và theo đó, câu chuyện quản lý và bảo tồn di tích kiến trúc cổ sẽ còn khá nhiều việc phải bàn nếu đi theo hướng này.

DƯƠNG KIM THOA

;
.
.
.
.
.