Thời gian gần đây, trên địa bàn Đà Nẵng, những ông đồ cho chữ xuất hiện ngày càng nhiều, lặng lẽ mang niềm vui cho mọi người, góp phần đưa nét văn hóa xưa từng bước trở lại “trên phố đông người qua”.
Sự trở lại của các “ông đồ” trên phố góp phần tạo nên nét văn hóa bên bờ sông Hàn. |
Khi nói đến thư pháp, người ta thường nghĩ đến việc viết chữ Hán bằng kiểu cách đặc biệt với bút lông, mực mài và giấy dó. Thư pháp đang ngày càng được giới trẻ quan tâm. Thuở xưa, vào mỗi dịp xuân về, người dân thường đến gặp thầy đồ để “xin chữ” về treo trong nhà như một bức tranh, với nội dung là lời chúc tụng hay giáo dục nhân cách sống…
Tại Đà Nẵng, vài năm trở lại đây, vào ban đêm, chúng ta dễ dàng bắt gặp những “ông đồ” trẻ ngồi dọc khuôn viên đường Bạch Đằng để phục vụ du khách và những người yêu thích thư pháp. Nguyễn Văn Huân, sinh viên năm cuối Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng cho biết, lúc đầu Huân thường ngồi cho chữ ở các cổng trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố. Hơn 2 năm trở lại đây, Huân ngồi ở bờ sông Hàn. Nghề này giúp Huân rèn luyện khả năng viết thư pháp và kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Đến nay, số lượng “ông đồ” trẻ tăng lên rất nhiều, trung bình mỗi đêm có từ 8-10 sinh viên, chia thành nhiều nhóm để phục vụ du khách. Đa số các “ông đồ” chủ yếu là những họa sĩ trẻ, sinh viên các trường: ĐH Kiến trúc, ĐH Bách khoa, Trường Văn hóa - Nghệ thuật…
Không chỉ có những “ông đồ” trên phố đêm Bạch Đằng, thời gian gần đây, tại các hội chợ, triển lãm hay các ngày lễ, Tết, những “ông đồ” cho chữ xuất hiện ngày càng nhiều. Thư pháp gia Văn Chi, Chi hội trưởng Chi hội Thư pháp thuộc Hội Nghệ thuật Hoa viên Đà Nẵng cho biết, nghệ thuật thư pháp hiện được thể hiện rất phong phú trên mọi chất liệu như giấy, đá cuội, gỗ… Người ta thường trang trí thư pháp ở phòng khách hoặc nơi học tập, làm việc. Ngoài việc thư pháp được trang trí cho đẹp còn là câu đối, danh ngôn, chúc tụng nên được treo để lấy hên.
Ông Chi cho biết, so với gần 10 năm trước, giới trẻ đang dần dần yêu thích thư pháp. Ngoại trừ một số bậc cao niên, hiện rất ít người đọc và viết được chữ Hán, nên lối viết thư pháp bằng chữ Hán được thay thế dần bởi thư pháp Việt. Theo quan điểm nhiều người, chữ Việt vẫn đẹp như chữ Hán. Thư pháp Việt phổ biến nhất là tải qua mạng điện thoại, trên đá cuội (đá viên dùng để chằn giấy nơi bàn làm việc, học tập) hoặc trên tập giấy…
Ở Đà Nẵng, việc viết và trưng bày thư pháp còn được đưa vào các lễ hội truyền thống hằng năm và sản phẩm thư pháp cũng có mặt ở nhiều nhà sách lớn, nhỏ trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà thư pháp tại Đà Nẵng, giới trẻ hiện nay chỉ có thể thưởng thức loại hình nghệ thuật này mà rất ít người học được nên rất khó tìm ra người thừa kế. Bởi lẽ, người viết phải am hiểu chữ Hán, biết nguyên tắc viết và điều quan trọng là phải trải qua khổ luyện.
Bài và ảnh: VĨNH KHANG