.

Dưới đám mây m­àu cánh vạc

.

Mặt trời ở tận trên cao, cao lắm. Nhưng làm nền cho nó là một màu xanh trong vắt. Lưng chừng lại là những đám mây màu cánh vạc trông thiệt ngộ nghĩnh và đáng yêu biết nhường bao. Và chính những đám mây đó tạo nên một sắc thái độc đáo để cho cái không gian bao la, tưởng chừng như ngút ngàn lại trở nên gần gũi và thân thiện với con người. Nó như cái cầu nối cho một sự cách biệt mà ta tưởng là vô hình, xa lạ nhưng kỳ thực rất giản dị, rất gần gũi như cuộc sống thường ngày của con người vậy.

Cầu Rồng hoàn thành sẽ rút ngắn khoảng cách từ trung tâm thành phố đến với biển. 	Ảnh: MINH TRÍ
Cầu Rồng hoàn thành sẽ rút ngắn khoảng cách từ trung tâm thành phố đến với biển. Ảnh: MINH TRÍ

Nhưng ở dưới này, mặt đất, lại là một màu xanh của biển, một màu trắng phau của bãi cát kéo dài từ bán đảo Sơn Trà chạy tít tắp về phía Hội An xa lắc. Đây là bãi biển được cho là rất hiếm của Việt Nam, vì nó không chỉ có chiều dài lý tưởng, mà nằm ở vị thế vô cùng thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt, đường hàng không để du khách trong nước và ngoài nước đến tham quan, du lịch, thưởng thức những món ăn hải sản đa dạng và hòa mình vào biển nước trong xanh đến vô cùng trong những ngày hè cháy bỏng, những ngày xuân ấm áp và cả những ngày thu se se lạnh.

Tôi nhớ hơn hai mươi năm về trước, trong lần đi tắm biển cùng với ông Phạm Tâm Long, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), từ Hà Nội vào Đà Nẵng công tác, tại bãi biển Mỹ Khê. Khi đó bãi biển này còn rất sơ khai, chỉ có một khu vực nhỏ của T20 vốn là nơi nghỉ của quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam để lại, còn phía xa xa ở cả hướng Bắc và hướng Nam là rừng dương liễu ngút ngàn mà người dân trồng để chắn cát trong mùa mưa bão. Xen vào đó là những dải xương rồng mọc lên từ sự khô cằn của vùng đất cát chỗ cao chỗ thấp. Chính sự hoang sơ đó cũng làm nên ấn tượng cho biết bao người. Không giữ nổi cảm xúc của mình, ông Phạm Tâm Long đã thốt lên với tôi những ngôn từ đẹp đẽ nhất. Khi cả ông và tôi bồng bềnh trên hai chiếc phao giữa mặt nước biển mênh mông, ông kể cho tôi nghe về những bãi biển mà ông từng đến ở các nước Á-Âu, nhưng với ông thì chưa nơi nào làm cho ông có cảm xúc và thích thú như ở đây. Ông bảo đó là tài sản quý hiếm của xứ Đà thành này đó chú mầy à. Lúc đó tôi cũng chỉ biết vậy!

Thế mà bây chừ, đến với Đà Nẵng, với biển Đà Nẵng, nhất là trong những ngày hè nóng bỏng, bạn bè gần xa thật khó mà hình dung ra sự đổi thay đến ngỡ ngàng do bàn tay kỳ diệu của con người tạo dựng nên. Có thể nói, bãi biển Đà Nẵng bắt đầu từ Nam Ô chạy dài theo đường Nguyễn Tất Thành đến chân cầu Thuận Phước được hoàn thiện sau khi tuyến đường ven biển này đưa vào sử dụng là để dành cho cư dân Thanh Khê, Liên Chiểu và du khách lưu trú ngay tại các khu vực này dạo mát, tắm biển. Trong đó phải kể đến khu tắm biển Xuân Thiều, rất đẹp, rất nên thơ, nó đập ngay vào mắt du khách đi tuyến đường bộ từ phía Bắc vào, vừa qua hầm đường bộ Hải Vân hay từ trên đèo Hải Vân đi xuống đã nhìn thấy ngay phong cảnh hữu tình. Biển rộng mênh mông và phía xa là cảng Tiên Sa, tàu bè tấp nập vào ra thật kỳ vĩ biết bao.

Còn một bãi biễn nữa lại bắt đầu từ cửa khẩu biên phòng ở Cảng Tiên Sa chạy dọc quanh bán đảo Sơn Trà đổ xuống Thọ Quang ở phía đông để rồi chạy dọc theo đường Hoàng Sa-Trường Sa đi qua hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn đến giáp với Điện Ngọc của Quảng Nam, là một bãi  biển được mệnh danh là đẹp nhất Việt Nam và cũng lưu danh trong làng du lịch quốc tế.

Đây là bãi biển kết hợp với nhiều yếu tố cả  đất trời, núi rừng và vùng đô thị ven biển tạo nên. Để có được một bãi biển như vậy, nhân dân và chính quyền thành phố đã nỗ lực không ngừng suốt mấy chục năm qua để cải tạo, xây dựng nên. Hàng chục ngàn hộ dân sống dọc ven biển từ bao đời nay đã phải hy sinh để di dời đến nơi khác, nhường đất cho việc mở đường, xây dựng các bãi tắm, các khu dịch vụ-du lịch. Bởi vậy, đến nay dọc bãi biển này có mấy chục khách sạn nổi tiếng với hàng ngàn phòng lưu trú. Những bãi tắm cũng được quy hoạch cụ thể và đặc biệt được quản lý chặt chẽ nhằm bảo vệ an toàn cho du khách khi tắm biển, cũng như giữ gìn sạch sẽ ở mức cao nhất.

Du khách có thể từ trung tâm thành phố vượt qua sông Hàn bằng một trong những cây cầu Thuận Phước, Sông Hàn, Nguyễn Văn Trỗi, Tiên Sơn và sắp tới đây là cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý... với đoạn đường chỉ vài kilômét là đến ngay với biển để tận hưởng cái nắng, cái gió của trời, cái ầm ào của sóng và cái hương vị mặn mà từ lòng biển dâng cho. Đây là sự ban phúc của thiên nhiên, là lợi thế hiếm có của một trong những thành phố bên bờ Biển Đông chạy dọc theo dải đất miền Trung này.

Bởi vậy, hằng năm, khi bước vào mùa du lịch cao điểm từ tháng 5 đến tháng 9, bãi biển Đà Nẵng ngày nào cũng đông đầy du khách tắm cả buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều và thậm chí cả buổi tối nữa. Cùng với các khách sạn, thì các dịch vụ ăn uống, nhất là các món hải sản, luôn luôn tấp nập khách vào ra. Giá ở các nhà hàng cao cấp có đắt hơn, nhưng các quán bình dân, món ăn ngon không kém, thậm chí còn rất tươi, vừa với túi tiền của khách, có sức hấp dẫn rất lớn cho những ai thích tìm hiểu, khám phá trong mỗi chuyến đi xa.

Để phục vụ cho nhu cầu của khách trong dịp này, các tuyến vận chuyển đường sắt, đường bộ và đường không đưa đầy du khách từ các tỉnh phía Bắc, phía Nam tới Đà Nẵng. Có những chuyến bay đến Đà Nẵng chỉ chở có vài chục gia đình là đủ khách, mà phần lớn là trẻ em được bố mẹ cho đi trong dịp nghỉ hè. Ngoài ra, các du khách nước ngoài đến Đà Nẵng cũng ngày một đông lên như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan, châu Âu... Sắp tới đây, khi vào mùa đông sẽ có hàng chục chuyến bay đưa du khách Nga tới Đà Nẵng.

Để giữ chân du khách lưu trú dài ngày, Đà Nẵng cũng đã có nhiều hình thức, như tổ chức Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế, thi dù bay quốc tế, lễ hội hóa trang, thi nấu các món ăn; mở rộng các tuyến du lịch vành đai như Bà Nà-suối Mơ, Ngũ Hành Sơn, bơi lặn, đua thuyền; hoặc xa hơn là tuyến Hội An, Mỹ Sơn, kinh thành Huế... Mỗi nơi có những sắc thái riêng biệt, nhưng tựu trung là làm cho du khách thực sự thoải mái khi sáng đi tắm biển, rồi đi du lịch các tuyến vành đai, chiều về lại hòa mình vào lòng biển, xong lại thưởng thức các món ăn hải sản và tận hưởng khoảng trời đêm trong lành có thêm hương vị mằn mặn tỏa lên từ biển. Nhất là những đêm không trăng đầy vì sao lấp lánh trên trời và có cả những đám mây màu cánh vạc bay lơ lửng trên đầu, còn ngoài biển xa xa là hàng ngàn ánh đèn của ngư dân đánh cá hòa quyện với nhau để tạo nên một khung cảnh thật huyền ảo và nên thơ biết nhường bao.

Có lẽ vậy nên bây chừ Đà Nẵng đã trở thành điểm đến hấp dẫn và thú vị cho biết bao người. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2012, Đà Nẵng đã đón hơn 2 triệu lượt du khách, trở thành một mũi nhọn của nền kinh tế, góp phần đáng kể cho nguồn thu của thành phố, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động. Kết quả đó làm ngạc nhiên cho nhiều người vì trước đó không lâu, ít ai nghĩ tới Đà Nẵng sẽ đạt được mục tiêu đó. Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thành phố Hải Phòng trong cuộc họp báo tại Đà Nẵng mới đây để quảng bá cho Năm du lịch đồng bằng sông Hồng 2013 đã bày tỏ sự ấn tượng mạnh mẽ về thành phố Đà Nẵng hướng đến mục tiêu đưa ngành dịch vụ du lịch lên vị trí hàng đầu.

Đúng thế, chính quyền và người dân Đà Nẵng rất khát khao và mong ước cho điều đó sớm trở thành hiện thực. Bởi vậy, Đà Nẵng luôn nỗ lực xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng ý thức cộng đồng, xây dựng nếp sống văn minh đô thị để luôn là hình ảnh đẹp cho hôm nay và mãi mãi về sau. Nó cũng giống như những đám mây màu cánh vạc hiện lên giữa bầu trời trong xanh bao giờ cũng là hình tượng đẹp, tạo nên những cảm xúc mạnh mẽ cho con người khi hòa mình vào với thiên nhiên.

Du khách có thể từ trung tâm thành phố vượt qua sông Hàn bằng một trong những cây cầu Thuận Phước, Sông Hàn, Nguyễn Văn Trỗi, Tiên Sơn và sắp tới đây là cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý... với đoạn đường chỉ vài kilômét là đến ngay với biển để tận hưởng cái nắng, cái gió của trời, cái ầm ào của sóng và cái hương vị mặn mà từ lòng biển dâng cho. Đây là sự ban phúc của thiên nhiên, là lợi thế hiếm có của một trong những thành phố bên bờ Biển Đông chạy dọc theo dải đất miền Trung này.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.