.

Gìn giữ tinh hoa Việt

.

Chi hội Di sản văn hóa sông Hàn (thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam) chính thức ra mắt vào năm 2010. Sau 2 năm hoạt động, chi hội đã trở thành một sân chơi bổ ích, lành mạnh, góp phần bảo tồn, gìn giữ cổ vật và các di sản văn hóa của dân tộc.

Ông Nguyễn Đình Bằng, Chi hội trưởng Chi hội Di sản văn hóa sông Hàn giới thiệu về bộ sưu tập của mình.
Ông Nguyễn Đình Bằng, Chi hội trưởng Chi hội Di sản văn hóa sông Hàn giới thiệu về bộ sưu tập của mình.

Mới đây, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình ông Nguyễn Đình Bằng, Chi hội trưởng Chi hội Di sản văn hóa sông Hàn. Trong căn biệt thự rộng gần 300m2, phần lớn diện tích được ông dành để trưng bày các bộ sưu tập cổ vật. Ông còn dành riêng một ngăn trang trọng để trưng bày phiên bản trống đồng Đông Sơn. Đây là phiên bản cổ vật quý trị giá mấy trăm triệu đồng mà ông đã bỏ ra rất nhiều công sức để trở thành là người duy nhất của Đà Nẵng sở hữu được. Ông Bằng còn trưng bày rất nhiều bộ sưu tập giá trị với những hiện vật cổ có niên đại từ thời đại Chămpa, Lý - Trần - Lê đến thời Nguyễn, được sắp xếp gọn gàng, thứ tự như một bảo tàng riêng cho mình.

Chi hội Di sản văn hóa sông Hàn hiện có 10 hội viên với thành phần đa dạng, già có, trẻ có; có nhiều người đã nghỉ hưu, có người đang là kỹ sư, bác sĩ, doanh nhân và cũng có người hành nghề tự do. Hai năm qua, tuy không có những hoạt động bề nổi rầm rộ, nhưng các thành viên của chi hội đã âm thầm tích lũy và lưu giữ hàng ngàn cổ vật có giá trị, tạo nên bức tranh sinh động cho các bộ sưu tập cổ vật hiện nay ở Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Đình Bằng cho biết, có người đến với chi hội khi đã thành danh trong giới chơi đồ cổ, nhưng cũng có nhiều người chỉ mới bước đi những bước chập chững. Hành trang cổ vật mà họ mang đến với hội cũng không ai giống ai. Tùy vào khả năng kinh tế, thời gian sưu tầm, sự am hiểu về cổ vật mà các bộ sưu tập cũng đa dạng không kém. Có những người sở hữu những bộ sưu tập lớn, đồ sộ đến mức có thể mở vài cuộc triển lãm, nhưng cũng có người chỉ sở hữu số cổ vật đếm trên đầu ngón tay. Nhưng họ đến với chi hội không nề hà số lượng cổ vật nhiều hay ít, sự hiểu biết về cổ vật sâu sắc hay nông cạn mà vì lòng đam mê nghiên cứu, sưu tầm cổ vật và bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc.

Ngoài việc sưu tầm, nghiên cứu cổ vật, các hội viên Chi hội Di sản văn hóa Sông Hàn còn nhiệt tình giúp đỡ, hỗ trợ kinh nghiệm và kiến thức cho những người đam mê nghiên cứu, muốn tìm hiểu về cổ vật. Bên cạnh đó, chi hội phối hợp với Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức triển lãm, trưng bày cổ vật, giới thiệu đến công chúng những di sản văn hóa dân tộc. “Mong ước lớn nhất của các hội viên Chi hội Di sản văn hóa sông Hàn là làm sao để có ngôi nhà chung (một bảo tàng cổ vật) nhằm thỏa sức trưng bày, giới thiệu các bộ sưu tập cổ vật, tạo điểm đến để giao lưu, trao đổi và nghiên cứu về cổ vật, đồng thời thu hút du khách đến với thành phố Đà Nẵng”, ông Bằng tâm sự.

Với những gì các hội viên Chi hội Di sản văn hóa sông Hàn đã và đang làm, những người đam mê cổ vật Đà Nẵng giữ vai trò kết nối sợi dây văn hóa giữa xưa và nay, giữa quá khứ và hiện tại, qua đó giúp cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau có thể hiểu được những gì người xưa để lại.

Bài và ảnh: VĂN NỞ

;
.
.
.
.
.