(Nhân chuyện nhà thơ Vương Trọng dịch lại tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc của tác gia Đặng Trần Côn)
Tôi nhớ có lần nhà thơ Vương Trọng chia sẻ về trải nghiệm khi ông là giám khảo chấm thi cho lớp bồi dưỡng viết văn của Hội Nhà văn Việt Nam. Lúc ông yêu cầu vài thí sinh đọc lại những câu trong Truyện Kiều hay Chinh phụ ngâm hoặc Cung oán ngâm khúc, các em đã trả lời không thuộc. Nhà thơ bảo lúc đó ông hơi thất vọng. Bởi lẽ, nếu coi đại đa số quần chúng là những người thưởng thức văn chương, thì có lẽ, những em đăng ký tham dự kỳ thi tuyển vào lớp viết văn chính là những em được coi là có năng khiếu văn chương hơn cả. Ấy vậy mà các em đó còn không thích, không thuộc, thì liệu sẽ còn bao nhiêu người sẽ yêu, sẽ thuộc văn chương cổ điển?
Nhà thơ Vương Trọng |
Ngẫm về điều đó, tất nhiên trước tiên nhà thơ thầm trách các em đã thờ ơ với vốn cổ của cha ông, nhưng mặt khác, ông nghĩ nhiều hơn về những căn nguyên của thái độ thờ ơ đó. Liệu có phải lớp trẻ bây giờ không còn mặn mà với những giá trị văn hóa của một thời đã qua, hay còn bởi những rào cản nào khác, ngăn không cho họ tiếp cận gần gặn hơn, để từ đó hiểu và yêu hơn những giá trị văn học cổ điển. Và từ góc độ lý giải của mình, nhà thơ Vương Trọng truy nguyên tới vấn đề văn bản, ngôn ngữ tác phẩm. Theo ông, có lẽ, một nguyên nhân rất đáng kể trong việc dẫn tới thực trạng bạn đọc hôm nay và có thể sẽ là mai sau không mặn mà với các giá trị văn học của cha ông chính là rào cản về ngôn ngữ và điển tích, điển cố. Không phải bạn đọc nào hôm nay cũng tích lũy cho mình đủ một vốn tri thức dày dặn về văn hóa cổ như kho tàng chữ Hán, chữ Nôm, vốn hiểu biết tường tận về các câu chuyện đã thành điển, thành ước lệ trong khuôn thức tư duy của người xưa. Từ suy nghĩ đó, cộng với ý thức coi việc dịch như là một cách để học lại cổ nhân, nhà thơ Vương Trọng đã quyết định làm lại một lần nữa công việc chuyển dịch tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc.
Cũng giống như nhà thơ Đỗ Hoàng (Tạp chí Nhà văn) đã rất dũng cảm khi chọn việc đương đầu với thách thức dịch lại Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân khi đã có một Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều) của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du sừng sững đứng đó, nhà thơ Vương Trọng đã dám chấp nhận mọi sự so sánh khi đưa ra dịch phẩm mới của mình, bởi đã quá lâu rồi nhiều người chỉ biết tới một bản dịch Chinh phụ ngâm ở thể song thất lục bát của bà Đoàn Thị Điểm (hay Phan Huy Ích?). Việc nhà thơ xứ Nghệ chọn dịch lại Chinh phụ ngâm đã gây ấn tượng đầy cảm phục trong lòng những người vốn yêu mến ông bấy lâu nay. Rõ ràng, thái độ dũng cảm đó nảy nở từ ý muốn giữ gìn và truyền đạt tốt hơn những giá trị tinh thần quý giá của cha ông tới các lớp con cháu sau này.
Ai cũng biết, vào thời của Đặng Trần Côn, sau khi tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc ra đời, đã có tới 11 bản dịch tác phẩm này. Và trong số đó, không ít người cũng đã lựa chọn thể thơ lục bát, thể thơ truyền thống của dân tộc để chuyển ngữ. Vậy là về mặt thể thơ, nhà thơ Vương Trọng không sáng tạo trong lựa chọn của ông. Tất nhiên, với một người chịu đọc và chịu học như ông, việc học hỏi, đúc rút kinh nghiệm từ các bản dịch khác của Chinh phụ ngâm khúc trước đó là điều tất yếu. Nhưng chắc chắn, trong quá trình dịch lại tác phẩm, ông đã thể hiện nỗ lực hết mức có thể để không bị chi phối một cách vô thức bởi những gì vốn quá quen thuộc trong bản dịch tồn tại suốt vài trăm năm nay của bà Đoàn. Còn nhớ có lần ông nói, thuở nhỏ, ông đã từng đọc thuộc lòng những câu thơ chữ Hán trong tác phẩm Chinh phụ ngâm, nhưng thuộc đó mà đâu có hiểu gì. Chỉ mãi sau này, khi đã lớn, đã trưởng thành và có dịp tích lũy nhiều hơn, ông mới thực sự hiểu những điều trước nay mình chỉ mới tiếp cận được về mặt thanh âm, vỏ chữ mà thôi. Ngay cả sau này, có những câu ông đinh ninh mình đã hiểu đúng, hiểu sâu về mặt ý nghĩa, nhưng chỉ tới khi bắt tay vào dịch lại, ông mới lại vỡ vạc thêm được nhiều điều.
Chọn thể thơ lục bát để chuyển ngữ Chinh phụ ngâm khúc, rõ ràng nhà thơ Vương Trọng đã khai thác ngay đúng cái vỉa mạch vốn liếng thực sự phong phú và đa dạng của mình. Ông có một thói quen rèn luyện thể thơ này rất đặc biệt. Trong cuộc sống hằng ngày, khi có bất cứ việc gì cần phải nhắc nhở con cháu, ông đều đặt thành lục bát cho dễ nhớ. Viết tới đây, tôi chợt nhớ trong một bài tiểu luận, nhà nghiên cứu Phan Quý Bích cho rằng, thực ra, trong ý nghĩa ban đầu, “thơ” có nghĩa là “giữ lại”, tức cũng nhằm chỉ tới phương diện hỗ trợ trí nhớ của những câu nói có vần có điệu. Nhà thơ Vương Trọng đã rèn luyện thể thơ này một cách tự nhiên nhưng cũng đầy ý thức. Cộng thêm với những cách khai triển vần, đối ý, đối tứ trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, cho tới giờ, ông có thể khẳng định, chỉ cần có ý thôi, việc viết thành những câu thơ lục bát đối với ông không có gì khó nhọc. Và cùng với quá trình lao động nghệ thuật bền bỉ, những tinh hoa văn chương xưa cứ tự nhiên thấm thía trong tác phẩm của nhà thơ Vương Trọng. Đứng trước mộ cụ Nguyễn Du, trong ông vang lên những câu lục bát đầy tâm trạng nhưng cũng thật đối, thật chỉnh về vần, về ý: “Ngẩng trời cao, cúi đất dày – Run run tay nắm bàn tay của mình”. Mãi sau này, khi ngẫm ngợi lại, nhà thơ xứ Nghệ bảo, mình đã học được Nguyễn Du từ những câu lục trong 3.254 câu Kiều, nhưng tôi đồ rằng, ngay lúc viết câu thơ đó, ông sẽ không bao giờ nghĩ rằng, đó là mình học cụ Nguyễn mà viết nên. Thế mới biết, ai bảo làm thơ chỉ cốt ở tài năng thiên phú, thơ là một lao động khổ sai chẳng kém phu phen, và nếu không luyện tập, không trau chuốt, người làm thơ thật khó đạt tới trình độ diễn đạt thành công cả về nội dung và hình thức. Mà xét đến cùng, nếu người nghệ sĩ có gì đó khác chăng với đại đa số quần chúng thưởng thức văn học, thì chính là ở khả năng biết diễn đạt, biết truyền tải một cách thành công cảm xúc cá nhân của mình tới người đọc, tới những đối tượng bên ngoài mình.
Một số bìa Chinh phụ ngâm khúc. |
Nếu bảo rằng, rào cản lớn nhất với nhà thơ Vương Trọng khi dịch Chinh phụ ngâm khúc là việc chuyển tải ngôn từ Hán, thì cái rào cản nhọc nhằn chẳng kém gì, thậm chí còn cực khổ hơn nhiều, là việc diễn giải những điển tích, điển cố. Đã từng trải qua những khó khăn chẳng khác gì người đọc ở thuở ban đầu khi gặp các trang sách cổ mà phần chú thích có thể dài gấp mấy lần chính văn, nhà thơ Vương Trọng tự đặt cho mình nhiệm vụ, phải làm thế nào để điển tích không trở thành gánh nặng quá lớn với người đọc hiện đại, nhất là giới trẻ. Và khi nghĩ về nó, ông lại ngẫm về cái cách đại thi hào dân tộc Nguyễn Du đã từng vận dụng trong Truyện Kiều. Những câu thơ như “Trước sau nào thấy bóng người – Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”, hay “Ngay khi chắp cánh liền cành – Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên”, v.v… trong kiệt tác của thi sĩ làng Tiên Điền như mách bảo với nhà thơ Vương Trọng rằng, có một cách khác nữa để người ta vẫn có thể hiểu được phần nào ý nghĩa điển tích mà không nhất thiết phải đọc tất cả nội dung diễn giảng. Đó chính là khả năng tạo dựng bối cảnh ngữ nghĩa cho điển tích, từ đó, độc giả có thể nắm bắt nội dung và ý nghĩa của điển tích khi đọc các câu chữ xung quanh. Vậy là ông bắt tay vào áp dụng với đa số những điển tích xuất hiện trong Chinh phụ ngâm khúc của tác gia Đặng Trần Côn. Ta có thể thấy rõ điều đó qua những câu như: “Đoạt thành dâng Chúa - ý chàng - Muốn đem lưỡi kiếm chém ngang giặc này”, “Lòng chàng chiến trận dõi trông - Buông ly rượu tiễn, gươm vung múa rền - Chỉ hang hổ, giáo vung lên - Trông như Giới Tử bắt liền Lâu Lan - Như Mã Viện ở khe Man - Áo chàng ráng đỏ theo làn gió bay”, v.v… Rõ ràng, người đọc có thể không biết Giới Tử, Lâu Lan hay Mã Viện, khe Man, nhưng với cách diễn giảng điển tích theo lối này, chắc chắn, phần đông người đọc hiểu tác giả đang muốn miêu tả khí thế dũng mạnh và sự hăng hái của người chinh phu trong buổi đầu ra trận qua những động từ như “chỉ”, “vung”, “bắt liền”. Sự hăng hái đó được ví như một ông Giới Tử nào đó khi bắt Lâu Lan, hay như Mã Viện lúc ở khe Man vậy. Còn tất nhiên rồi, nếu ai muốn biết kỹ hơn những chuyện này, họ không còn lựa chọn nào khác là phải tìm đọc lại những điển tích có liên quan tới các nhân vật ấy. Vì ở đây, nhà thơ chỉ cốt giải quyết được phần nào những khúc mắc có thể khiến người đọc ngừng ngay lại khi gặp rào cản đầu tiên về kiến thức nền.
Những người yêu thích lục bát, thể thơ truyền thống của dân tộc, đều hiểu rất rõ sự khó nhọc trong khi làm thể thơ này chính là khả năng nối kết và duy trì vần trong một bài lục bát dài. Ai đó có thể khẳng định mình không bị lặp vần trong một bài thơ lục bát chừng đôi chục câu, nhưng chắc chắn, lời khẳng định đó sẽ không thể mạnh mẽ nữa khi số câu lên tới con số hàng trăm. Với nhà thơ Vương Trọng, việc chỉnh trang để không xảy ra sự lặp vần cũng là mục đích được đề ra. Và trong vấn đề này, ông phải thừa nhận một khó khăn thực tế. Ấy là khi làm thơ, mình được hoàn toàn diễn đạt theo ý mình. Nên gặp khi bí vần, mình có thể chuyển ý để đạt được cái thuận trong việc chuyển ý, khớp vần. Nhưng khi dịch thì lại khác. Ý là ý của người ta, còn mình chỉ có nhiệm vụ làm thế nào diễn đạt ý ấy sao cho nhuần nhuyễn và tường minh nhất, trọn vẹn nhất. Thế nên đôi lúc, việc xử lý những chữ, những câu sao cho vừa giữ đúng ý nguyên tác, vừa thỏa mãn các yêu cầu khắt khe về vần điệu, thể thức cũng làm ông thực sự đau đầu. Và tuy hồi đầu, theo như ông nói, để cố gắng truyền tải những sự lặp đầy chủ ý nhằm tạo tính nhạc trong thể thơ nhạc phủ của nguyên tác, ông đã cố gắng giữ lại cách lặp ở một số câu thơ. Nhưng sau đó, ông sợ rằng độc giả sẽ không hiểu đó là sự lặp đầy ý thức của ông mà quy rằng ông bí vần chăng. Vậy nên, sau vài lần chỉnh sửa, nhà thơ Vương Trọng quyết định bỏ tất cả những chỗ lặp đó và tìm những cách diễn đạt tương ứng thay thế.
Với việc dịch lại Chinh phụ ngâm, nhà thơ xứ Nghệ còn muốn bày tỏ thêm một quan niệm của ông về các tác phẩm văn chương dịch. Dịch là công việc của nhiều thế hệ, nhiều tác giả, không nên coi bản dịch nào là duy nhất đúng và cũng không nên coi việc dịch là nhất thành bất biến. Mỗi bản dịch, ngoài yêu cầu của công việc chuyển ngữ, còn mang trong mình dấu ấn sâu sắc của cảm xúc, tư duy, của vốn ngôn ngữ, văn hóa riêng biệt của người dịch. Và như thế, khi có nhiều bản dịch thành công của cùng một tác phẩm, người đọc sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận và thưởng ngoạn hơn với những thành tựu văn chương đích thực trong nước và thế giới.
DƯƠNG KIM THOA