.

Trẻ đồng rừng

.

Lên Sa Pa lần đầu, bạn tôi bảo thú vị nhất là những đứa trẻ bắp chân trần xúng xính váy áo dân tộc, chân đi đôi dép nhựa, hay đôi ủng màu xanh cứng gần như đá nhưng có thể nói được cả tiếng Anh, tiếng Pháp, thậm chí lõm bõm tiếng Đức, tiếng Ý.

Nhưng ghét nhất cũng lại là đám trẻ ở phố Cầu Mây và quanh nhà thờ. Chúng cứ nhũng nhẵng bám theo để đòi khách mua cho cái vòng, cái túi thổ cẩm… Thậm chí, có đứa có vẻ “láu cá” hơn, sẵn sàng tặng bạn những sợi chỉ màu sắc sặc sỡ, buộc ngay vào tay bạn. Hỏi, thì cô bé bảo rằng: “Em thích chị, em mới tặng chị sợi chỉ may mắn mà”. Nhưng chỉ đi vài bước chân, là mấy đứa trẻ khác, thậm chí chính cô bé vừa buộc chỉ vào tay bạn, sẽ bám theo đòi bạn phải mua cho em món đồ gì đó. Cứ như thế, bạn hay bất kỳ một du khách nào khó có thể thoát khỏi…

Khuôn mặt lấm láp ở Sa Pa.  Ảnh: H.T.PHỐ
Khuôn mặt lấm láp ở Sa Pa. Ảnh: H.T.PHỐ

Còn tôi, ngay từ ngày đầu đặt chân tới Sa Pa cách đây hơn chục năm, những đứa trẻ bám theo mẹ bán thổ cẩm đã khiến tôi chú ý. Tôi đã dừng lại để chụp ảnh các em khá nhiều. Những đứa trẻ hồi đó giờ đã trở thành các bà mẹ trẻ; và có thể những Pan, Dung, Mẩy… hôm nay là con gái của đám trẻ tôi chụp ảnh hồi nào. Có một câu chuyện không còn mới, vì nó diễn ra từ cách đây vài ba năm. Đó là chuyện về những đứa trẻ lai, với mái tóc màu hạt dẻ, nước da trắng bóc nhưng vẫn đeo gùi, chân quấn xà cạp… Đó là “tác phẩm” của một xứ sở du lịch cởi mở, không có khoảng cách giữa du khách phương Tây với cư dân bản địa. Và đám trẻ hay cả những người già phản ứng khá dữ dội khi thấy khách giơ máy ảnh lên chụp cũng không còn là chuyện mới. “Mày muốn chụp ảnh thì mày phải cho tao tiền chứ. Tao không lấy kẹo đâu”, đám trẻ đã nhất quyết khước từ những chiếc kẹo, quyết liệt che tay che ô bất kể người khách là tây hay ta. Cuộc sống ở xứ sương mù đã làm biến đổi tâm tính của đám trẻ ở chốn lãng mạn này. Sự thực dụng đã len lỏi vào đời sống, thống trị suy nghĩ thơ dại ấy.

Tôi đã ngồi với anh Hùng - chủ quán rượu ở góc phố Cầu Mây. Anh lên Sa Pa từ những năm 1980. Khi đó, Sa Pa là “miền đất lành” để anh neo lại sau nhiều kế hoạch ra đi bất thành. Sa Pa khi Hùng đến vẫn còn hoang dại lắm, con người vẫn thân thiện lắm, nhưng anh đã nhận ra được sự phát triển mạnh mẽ của một di sản do “con mắt xanh” của người Pháp phát hiện. Và anh đã đầu tư vào những quán rượu, quán ăn dành cho thực khách phương Tây với những cái tên đầy gợi cảm.

Phố núi đêm càng khuya mưa càng trĩu nặng. Trong câu chuyện bên chiếc lò sưởi đốt bằng những viên than củi, Hùng quả quyết bảo rằng, chính du khách Tây đã làm hư đi những đứa trẻ vốn chân chất thật thà. Họ đã biến chúng thành đám trẻ thực dụng, và quyết liệt với… tiền.

Bây giờ, muốn tránh được điều đó và thậm chí sẽ được niềm nở đón tiếp như những người khách quý, bạn phải đi bộ vài ngày vào những bản người heo hút. Nơi đó, sự hồn nhiên của đám trẻ vẫn còn nguyên vẹn. Nơi đó, bạn có thể ngồi bên bếp trò chuyện với những người đàn ông, đàn bà Mông luôn luôn hồn hậu, chân tình.

Không đủ sức lội bộ cả mấy ngày đường, chúng tôi đã đi bộ chừng dăm cây số. San Sả Hồ, Xín Chải thấp thoáng những cây đào, cây mận, những luống rau cải trổ hoa vàng. Và bắt gặp đám trẻ đang chơi trò chơi trên đường. Đồ chơi của các em giản dị lắm, đó là chiếc xe được chế từ những thân cây, hay những con quay đẽo ra từ khúc gỗ. Còn những đứa trẻ chừng 3 tuổi, mũi dãi dòng dòng, mặc rét mướt mưa phùn vẫn chỉ được khoác tấm áo mỏng (không quần) chơi với đất và quanh những con lợn bản. Thấy khách tới, đám trẻ có đứa chạy đi nấp sau vạt rau đẫm sương, vì sợ. Chúng sợ điều gì, tôi không biết. Chỉ khi chia cho chúng những gói kẹo mang theo, bọn trẻ mới lấp ló chen chúc nhau, đứng phía trước bao giờ cũng là những cậu trai dạn dĩ. Chúng tôi đã hỏi chuyện các em, nhưng rất ít bé nói được tiếng Kinh. Cuộc sống của cư dân bản địa còn nghèo, cái nghèo chìm trong vẻ đẹp của thiên nhiên hoang lạnh. Và đi suốt mấy ngày, hiếm lắm mới gặp được nụ cười của trẻ thơ ở vùng cao này. Ngay cả khi xem lại hơn 1.000 tấm ảnh chụp trẻ em trên những nẻo đường Tây Bắc tôi đã đi, chỉ thấy những ánh nhìn u uẩn; chỉ thấy những khuôn mặt lấm láp, những đôi chân trần, những tấm áo cáu bẩn… Nhưng mừng là đứa trẻ nào cũng bầu bĩnh, đôi chân căng tròn, và thấp thoáng ngôi trường học vẫn khang trang. Nó sẽ là cơ sở cho một lối đi mới ở đám trẻ miền rừng đang lớn.

Hy vọng lắm là vậy!

HOÀNG THU PHỐ

;
.
.
.
.
.