.

Có một dòng sông trôi ngang ly cà phê

.

Chỉ mới có gần đây, nhưng con đường đẹp ven sông Hàn ở Đà Nẵng đã trở thành một đoạn đường nhiều quán cà phê đặc biệt lôi cuốn. Những The World tựa như hiên pháo đài cổ, Green Plaza, Sun River là cà phê trên tòa tháp, những Karty trắng nõn, Highlands, Café Segafredo lần lượt ra đời và dẫn khách lên những độ cao ở tầng thứ 12, tầng thứ 7, hay ngồi sát ngay vỉa hè để cùng ngắm một dòng sông.

Đoạn đường này đẹp nhất thành phố. Con sông khúc này cũng đẹp nhất, nên mặc định các quán cà phê đều sang trọng bậc nhất. Mỗi lần đi ngang qua con đường này tôi đều nghĩ thế, và cố căng tai lắng nghe trong gió, căng mắt nhìn để xem thành phố đã biến đổi thế nào trên con đường của cà phê.

Những thương hiệu cà phê của thế giới đã đến đây. Café Segafredo thuộc sở hữu của Công ty Luxury Mall, được mở khắp thế giới, nhưng ở Việt Nam chỉ có ba quán, trong đó một quán nằm trên đường Bạch Đằng ở TP. Đà Nẵng.

Cái háo hức thị dân khiến bước chân tôi như bị hút về những thứ mới mẻ của mùi Cappuchino pha từ Espresso và nhiều sữa theo phong cách Ý, giá 5 ngàn đồng (2,35USD), và bánh mì nướng giòn phết bơ phảng phất khắp khu trung tâm thương mại. Quán kiểu này vắng khách và kén khách.

Chẳng bước vào cũng có thể nghĩ ra cảnh một cô gái ngồi một mình bên hương vị lạ, cô thả vào cốc rượu vài hạt cà phê, nhấp một ngụm nhỏ, cảm nhận hương vị ngai ngái của hương cây anis, chậm rãi nhai một hột cà phê rang, cảm giác dễ chịu.

Trong góc quán có cái hình chụp cảnh uống cà phê ngoài trời ở Ý, cô người mẫu trông thật lãng mạn. Nhưng lãng mạn hơn nếu nhìn qua lớp kính trong veo, sẽ thấy cả một dòng sông sáng loáng màu nước đang trôi ngang qua cửa sổ.

Thỉnh thoảng lại có một chiếc tàu đánh cá lừng lững đi qua. Cảm giác về dòng sông từ độ cao này thật tuyệt, có lẽ là đẹp nhất trong các quán cùng nằm trên một con đường. Và cũng nhờ chiếc tàu đánh cá ấy mới biết là mình vẫn đang ở miền Trung chứ không phải ở Singapore.

Đà Nẵng vẫn là Đà Nẵng, không phải là Singapore khi đi ngang qua đoạn đường đẹp nhất, bởi dù cố lột xác thành đô thị hàng hiệu, nó vẫn có những cái riêng giúp người ta nhận biết.

Cuối con đường, nơi khởi nguồn quán cà phê đầu tiên là Cà phê Bảo tàng Chăm, nơi mà dù uống cà phê nóng, thơm, đặc đúng kiểu người Bắc thì ly cà phê vẫn phảng phất mùi xa ngái thấm đẫm các bức tường cưu mang hàng nghìn pho tượng Chăm lạnh lẽo, im lìm gần đó.

Pha loãng vào ly cà phê thời thượng của Highlands là thứ mùi chợ, thoảng mục và nồng nồng của đặc sản biển. Cái chợ gần bên đã ướp mùi hương Highlands lẫn với một thứ mùi thoảng lên từ gánh sả tươi của một bà má mới chạy từ ngoại ô vào muộn phiên chợ sáng, mùi của một xe xích lô chở cá chạy ngang pha thêm chút mùi lá chuối tươi của bánh ú, thứ bánh chỉ xuất hiện buổi sáng sớm, bán cho người nghèo chuyên đi chợ vào lúc 5 - 6 giờ. Uống cà phê Highlands mà vẫn biết rõ đó là Highlands ở Đà Nẵng là vì thế.

Con đường cà phê đắt đỏ này, phải làm quen với nó thôi dù giá cả "không được dễ chịu". Đưa khách đến đây mà không ra cà phê sông Hàn thì cứ như có lỗi với bạn, không chịu chiêu đãi bạn cả một dòng sông tinh tươm trong nắng sớm.

Nhìn dòng sông trôi ngang ly cà phê, cứ nhớ cái mùi thơm gắt gỏng ám nguyên con phố nhỏ, nơi ấy có cái xưởng pha chế cà phê bột. Người Đà Nẵng vẫn cứ trung thành với thứ cà phê bột chốn ngã tư ấy.

Họ kháng cự lại những thương hiệu lấp loáng, dẫu tiếc nguyên một dòng sông kia, nhưng rồi bước chân vẫn cứ đưa đẩy người ta tìm vào con ngõ nhỏ, ghế nhựa thấp để được hít hà trọn vẹn thứ hương quen thuộc, mùi hương cà phê của thị dân ở một thành phố nhỏ.

Doanh nhân Sài Gòn

;
.
.
.
.
.