.

Chuyện sách 2012

.

Mặc dù năm 2012 kinh tế khó khăn, nhưng thị trường xuất bản vẫn ghi nhận sự nỗ lực vượt khó của nhiều đơn vị xuất bản Nhà nước lẫn tư nhân. Những câu chuyện dưới đây không phải là cuộc tổng kết, bình chọn mà đơn giản chỉ là góc nhìn về lĩnh vực xuất bản, như một gợi ý để chúng ta tiếp tục mạn đàm bên chén trà những ngày cuối năm.

Ấn bản đặc biệt Võ Nguyên Giáp - Người yêu nước - Người thầy - Người lính. (Ảnh do NXB Trẻ cung cấp)
Ấn bản đặc biệt Võ Nguyên Giáp - Người yêu nước - Người thầy - Người lính. (Ảnh do NXB Trẻ cung cấp)

Những bản sách rất đặc biệt

Thị trường xuất bản năm 2012 chứng kiến “cuộc đua” của các đơn vị xuất bản khi chủ ý cho ra mắt những bản sách rất đặc biệt, đáng kể nhất là 2 bản sách của NXB Trẻ.

Cuốn thứ nhất có tựa đề Võ Nguyên Giáp - Người yêu nước - Người thầy - Người lính, ra mắt tháng 3-2012. Sách chỉ được in 107 cuốn, trên những chất liệu truyền thống của Việt Nam như giấy dó Hà Nội, sơn mài Bình Dương và túi lụa Hà Nam. Nội dung sách nói về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng từ lúc ông còn thơ bé cho đến lúc gặp Bác Hồ và chuẩn bị cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945. Được biết, ấn bản đặc biệt nhất mang số 107 đã được NXB Trẻ trao tặng gia đình Đại tướng, một cuốn nộp lưu chiểu Cục Xuất bản, còn 105 bản được đánh số từ 001 - 105 với giá bìa 2,2 triệu đồng.

Cuốn thứ hai là Võ Văn Kiệt - Người yêu nước chân thành. Ra mắt dịp kỷ niệm 90 năm Ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23-11-1922 - 23-11-2012), sách chỉ được in 90 bản có đánh số. Cuốn sách dày 94 trang, in thủ công trên 2 loại giấy dó và giấy can. Công việc may gáy sách cũng được làm bằng tay theo lối xưa. Sách được đặt trong hộp sơn mài Bình Dương, ngoài cùng là túi lụa Hà Nam in hình cờ Tổ quốc được may ở Hội An, giá bán 3 triệu đồng.

Nhà văn mở... tiệm sách

Người ta vẫn thường nói nhà văn thì nghèo. Thế mà năm 2012 đầy khó khăn nhưng trong giới xuất bản râm ran lời đồn: nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhận tỷ đồng nhuận bút.

Số là ngoài xuất bản sách mới Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, thì bộ sách Kính vạn hoa (NXB Kim Đồng) và Chuyện xứ Lang Biang (NXB Trẻ) và một số đầu sách khác như Người Quảng đi ăn mì Quảng… của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đều được tái bản với hình thức mới. Lần này, bộ sách Kính vạn hoa in ấn với 2 định dạng để bạn đọc thích sưu tầm có thể chọn lựa; bộ mỏng (54 tập), bộ dày (9 tập)… Bộ sách dày hơn 7.000 trang lại được một lần 6.000 cuốn/tập nên số nhuận bút về tay tác giả gần cả tỷ đồng cũng dễ hiểu.

Nhưng năm 2012 còn đánh một dấu mốc: nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mở… tiệm sách Kính Vạn Hoa tại thành phố Hồ Chí Minh. Đến “không gian sách” này, độc giả có thể mua sách, gặp gỡ xin chữ ký nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, mua các bản phim VCD, DVD phim Kính vạn hoa, đồng thời đây cũng là nơi duy nhất bày bán các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh đã được dịch sang tiếng nước ngoài như: Mắt biếc (bản tiếng Nhật), Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (bản tiếng Thái Lan)... Ðặc biệt, tiệm sách có trưng bày các tác phẩm “ngày xửa ngày xưa” của Nguyễn Nhật Ánh như: Cú phạt đền, Bí mật của một võ sĩ…

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng sách.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng sách.

“Gái quê” của Hàn Mặc Tử... tái xuất

Nhà thơ Hàn Mặc Tử qua đời khi chưa đầy 40 tuổi nhưng thi đàn Việt Nam không thể thiếu tên ông.

Trong số các thi phẩm Hàn Mặc Tử để lại có tập Gái quê rất nổi tiếng. Song, số phận của Gái quê cũng vô cùng long đong. Theo ghi chép cũ, Gái quê được xuất bản năm 1936, hoàn tất in tại nhà in Tân Dân (Hà Nội) ngày 23-10. Sách gồm 48 trang khổ 12,5x19,4cm với 34 bài thơ, tác giả tự phát hành.

Kể từ ngày Hàn Mặc Tử mất đến nay, tập Gái quê vẫn được in lại, nhưng do không tìm được bản in năm 1936 nên sử dụng theo bản chép tay của nhà thơ Chế Lan Viên. Và việc tìm kiếm tập thơ Gái quê, bản in đầu tiên ở nhà in Tân Dân, vẫn tiếp tục.

May mắn thay từ Orléans (Pháp), nhà phê bình văn học Đặng Tiến đã được bà Hoàng Thị Quỳnh Hoa (ở Maryland, Mỹ) trao lại một bản sao tập thơ trong tư liệu của bà Hoàng Thị Kim Cúc (Huế). Bản sao này được đánh máy lại vào năm 1969 từ một bản đánh máy khác của nhà thơ Phan Văn Dật ở Huế. Tập thơ tìm được này có 34 bài.

Lần này, Gái quê được Phương Nam Book in lại một cách trọn vẹn, là cách để kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử. Ấn bản năm 2012 còn có một số bài viết khảo cứu, ghi chép của các tác giả trong nước và nước ngoài với những câu chuyện, kỷ niệm liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp thơ văn của Hàn Mặc Tử.

Xuất hiện “tiểu thuyết toán hiệp”

Năm 2012 dường như đánh dấu sự xuất hiện một thể loại mới: tiểu thuyết toán hiệp. Tác giả của cuốn sách không phải là nhà văn nổi tiếng mà là của GS Ngô Bảo Châu và blogger Nguyễn Phương Văn (blog 5xu).

Cuốn “tiểu thuyết toán hiệp” có tựa đề Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình, dày 170 trang, với nhiều minh họa của họa sĩ trẻ Thái Mỹ Phương (NXB Thế giới và Nhã Nam, tháng 3-2012). Cuốn sách ngay lần đầu tiên đã được in 10.000 bản trên giấy đẹp, 4 màu, lại còn có riêng 100 bản in trên giấy

conqueror, với “chữ ký tươi” của các tác giả.

Khi cuốn sách phát hành nhân một hội sách tại thành phố Hồ Chí Minh, các bạn trẻ đã xếp hàng mong sở hữu cuốn sách (giá bìa 56.000 đồng).

Nhà thơ Vũ Quần Phương nhận xét: “Tôi đọc cuốn sách của hai tác giả trẻ mà đôi lúc lại cảm giác như đọc thi thoại của các bậc thâm niên”. Còn theo nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Cuốn sách giản dị đến mức ai đọc cũng được, kể cả những người không biết gì về Toán như tôi. Và rồi qua cuộc dạo chơi trong xứ sở những con số tàng hình, ta cũng dần hiểu được phần nào vẻ đẹp kỳ diệu của Toán học”.

Con làm tuyển tập cho cha vẫn... nhầm

Nhà thơ Quang Dũng đã đi xa 24 năm, nhưng đầu năm nay, NXB Hội Nhà văn và Công ty sách Nhã Nam cho ra mắt tuyển tập Mắt người Sơn Tây của ông. Tập sách dày dặn, lại in kèm nhiều tranh màu do chính thi sĩ của “Tây Tiến” vẽ quả là một ấn phẩm đáng quý.

Nhưng hơn 3 tháng sau khi phát hành, khi nhiều tờ báo nhiệt tình giới thiệu Mắt người Sơn Tây, thì trên trang web cá nhân của một nhà thơ đăng ý kiến của nhà văn Hoàng Minh Tường rằng, bài Mưa rừng trong Mắt người Sơn Tây của nhà thơ Hoàng Yến chứ không phải của Quang Dũng.

Tin đó thật sự gây “choáng” cho nhiều người. Bởi lẽ, sách do NXB Hội Nhà văn - đơn vị uy tín trong giới cầm bút, Công ty sách Nhã Nam cũng là “anh tài” đường hoàng kinh doanh thơ giữa lúc người người quay lưng với thơ. Nguyên nhân khác là sách do bà Bùi Phương Thảo - con gái út nhà thơ Quang Dũng - tuyển chọn thì tưởng như “an toàn”.

Ngay sau khi đưa tin trên mạng, Công ty sách Nhã Nam và bà Thảo đã có thư xin lỗi.

NGUYÊN THANH

;
.
.
.
.
.