Tính đến nay đã qua 16 lần giỗ của nhà văn hóa, học giả, nhà sưu tập đồ cổ nổi tiếng Vương Hồng Sển (9-12-1996 – 9-12-2012), nhưng những di sản của cụ bao gồm ngôi nhà (Vân đường phủ) cùng bộ sưu tập đồ cổ (849 cổ vật khác nhau) để lại hiến tặng Nhà nước với hy vọng thành lập một bảo tàng mang tên cụ vẫn chưa được tiếp nhận và bảo quản đúng mức.
Vương Hồng Sển qua nét vẽ Tạ Tỵ (Bìa tạp chí Xưa và Nay - số đặc biệt về Vương Hồng Sển). |
Tuy nhiên, về những di cảo của cụ Vương Hồng Sển, điều may mắn là Tạp bút năm Nhâm Thân đã được tìm thấy trong thư phòng tại Vân đường phủ cùng những giấy tờ tư liệu và cả những cuốn nhật ký của cụ. Đó là những trang viết ghi lại dưới dạng nhật ký kèm theo hồi ức, song cũng là những lời tâm huyết cuối cùng được cụ Vương gửi lại hậu sinh. Tập di cảo này được NXB Trẻ ấn hành vào năm 2003.
Vẫn bằng giọng văn dung dị, mộc mạc, đầy sức cuốn hút và toát lên cái tinh thần Viễn Đông Bác Cổ: nói có sách, mách có chứng, những bài viết trong tập di cảo của cụ Vương nhắc đến mọi chuyện thăng trầm dâu bể của đời người từ lúc bé thơ cho đến ngoài tuổi 90, mang hoài vọng ngợi ca bản sắc văn hóa độc đáo Việt Nam... Những tựa đề Nhận xét của một tên già 90 tuổi, 90 tuổi nói về chùa... tạo cảm giác như đùa cợt, nhưng những gì cụ ghi chép, bàn luận đều hết sức nghiêm túc, hệ thống cho người đọc nguồn tài liệu bổ ích về thời cuộc đất nước suốt thế kỷ XX, đồng thời kèm theo những lời trần tình, nhắn nhủ rất mực thiết tha.
Bàn về chuyện ngày Xuân, ngày Tết, cụ Vương có các bài viết: Năm con khỉ nói chuyện con mèo, Năm con khỉ nói chuyện con khỉ, Ba ngày xuân nên tiết kiệm... Ngày xuân, luận về chuyện già, trẻ có đoạn cụ viết: “Ông vua sang tột bực rồi cũng có ngày từ giã cõi đời, anh nghèo xơ xác, không tiền uống thuốc nhưng vẫn chết bất đắc kỳ tử như hạng lắm tiền. Tôi quan niệm không nên quá tham, hãy để cho người trẻ thay thế, già nên rút lui mới là sáng suốt, lấy con mắt coi đời mới là người hiểu việc”.
Bàn về chuyện đồ cổ, vốn là sở trường đặc biệt của học giả họ Vương thì có các bài: Về phương pháp chơi đồ cổ, Khánh Xuân - Đồ sứ cổ của chúa Trịnh Sâm, Luận về nghiên mực Tức mặc hầu, Luận chơi về cái tô sứ lớn, Luận chơi về bộ chén trà Tùng Hạc... Phần này rất đáng chú ý với những người sưu tập đồ cổ: “Một chút lời chót như trối trăn. Đây là tôi không giấu nghề nữa vì không sống mãi chật đất đâu, tôi có viết bốn năm bộ, trong số đó có tập dày nhan đề Đâu là thú vui? Đâu là nghệ thuật?, trong đó tôi giải nghĩa “không ai quét sạch lá rừng, dù cho ai đó có tài bão gió, gió đừng rung cây”, và tôi tỉ hứng như vậy, tôi khuyên ta là Việt Nam thì tốt hơn đừng quăng tiền mua đồ Tàu, đồ Pháp”.
Thủ bút học giả Vương Hồng Sển. |
Cụ Vương cũng nêu rõ: “Những đồ “gia bảo”, “quốc bảo” rất có giá trị như: tô, dĩa, chén Mai Hạc với câu Nôm “Nghêu ngao vui thú yên hà, Mai là bạn cũ, Hạc là người xưa”; hoặc tô nhỏ hiệu chữ Nhựt, bốn câu “Hai gã bạn tri âm, vui thay một khúc cầm, non cao cùng nước biếc, rắng ít để ai ngâm”; hoặc tô của Đặng Huy Trứ đặt làm có 8 câu 5 chữ “Một thức nước in trời/ đò ai chiếc lá khơi...”, hoặc dĩa trà đề hiệu “Nhị sĩ nhập Đào nguyên” (có lẽ đời Tây Sơn)...”.
Ngoài Vân phủ đường - ngôi nhà xưa phong cách Nam bộ đầu thế kỷ XIX, mọi đồ vật xung quanh của cụ Vương Hồng Sển thường luôn có nguồn gốc thuần Việt. Chẳng hạn, bình mực bằng thủy tinh chưng trên bàn gốc của Bảo Đại. Giường cụ nằm nghỉ lưng buổi trưa, gọi là Quý Phi sàng, với cái ghế nhỏ đặt bên cạnh, gốc của một ca nữ hồi thế kỷ XIX ngồi đánh đàn tỳ bà cho chủ nghe. Đồ sành sứ cụ thích nhất là bộ Khánh Xuân, Nội phủ thời vua Lê chúa Trịnh...
Bài viết Nói riêng chuyện với cháu Dũng là câu chuyện kể của cụ Vương với người cháu về ký ức Sài Gòn. Bên cạnh sự phát triển, đi lên đời của đô thị phồn hoa, cụ cũng bộc lộ lo lắng: “Tỷ như ngày nay, hát bội đã lu mờ, hát cải lương cũng đến chiều xuống dốc, vì vật gì, cái gì cũng có một thời mà thôi. Văn minh tiến bộ cho lắm, nay Âu Mỹ bày ra video, ti-vi e rằng sẽ làm chết mất hai lối hát Việt này”. Cụ còn nói thêm: “Nếu bác còn sống một đôi năm nữa và nếu nghề viết lách còn đủ nuôi sống bác đây thì bác sẽ dọn lại gốc tích hát cải lương”.
Theo nhà văn Sơn Nam, sinh thời cụ Vương Hồng Sển không thích điện thoại bởi e mất thời gian. Thỉnh thoảng cụ hát vài câu Tứ Đại Oán hoặc một tiếng trong tuồng San Hậu. Cụ chưa ra Hà Nội và chưa thấy sành, gốm Việt Nam mà sau này ta gặp khi trục vớt tàu buồm ở Hội An, Côn Đảo.
Cụ mặc cảm về người cha (cụ mang 3 dòng máu Việt, Hoa, Khmer). Có lẽ trong di cảo cuối cùng của Vương Hồng Sển, cụ như cố gắng đua với thời gian, lan man bàn luận những điều mà hầu hết những người cùng thời không còn sống hoặc đã quên. Và trên hết, cụ khẳng định niềm tự hào về cái đẹp nghệ thuật dân tộc.
Một số tác phẩm tiêu biểu của học giả Vương Hồng Sển: Sài Gòn năm xưa (in lần đầu 1960), Thú chơi sách (1960), Hồi ký 50 năm mê hát (1968), Phong lưu cũ mới (1970), Chuyện cười cổ nhân (1971), Hiếu cổ đặc san (gồm 9 cuốn về đồ sứ men lam Huế, 1970-1972, nhưng chỉ in được 6 cuốn), Hơn nửa đời hư (1992), Sài Gòn tạp pín lù (1992), Nửa đời còn lại (1996), Tự vị tiếng Việt miền Nam (1994). |
TRẦN TRUNG SÁNG