.

Trăng nghìn năm còn đó, mây nghìn năm bay đi...

Vĩnh biệt nhà thơ Nguyễn Quân

Đời người rồi cũng đến khi phải từ bỏ tất cả để về bên kia thế giới. Quy luật sinh-tử cứ thế tuần hoàn theo thời gian và không có bất cứ một đặc ân nào đối với mỗi người trong chúng ta. Mùa đông này trở đi, Đà Nẵng sẽ hoàn toàn vắng bóng Nguyễn Quân - Nhà thơ một đời gắn bó với từng con chữ như chính hơi thở, như ý niệm sống và khát khao với sự nghiệp văn chương kham khó mà ông đã chọn.

Bạn văn Đà Nẵng có mặt gần như đông đủ. Tôi lặng yên. Các đồng nghiệp lặng yên. Nguyễn Quân nằm đó, chắc cũng đang lặng yên đi ngược lại cuộc đời mình. Người vợ tảo tần bao năm chăm sóc, nâng giấc cho ông từng bữa ăn đạm bạc đến những đêm trắng lòng thức bên giường bệnh ông, đã không còn nước mắt để khóc chồng - bà lặng yên trong chính mình bằng sự mất mát quá lớn. Nhưng bà hạnh phúc vì chồng mình đã dành trọn tình yêu thương, khi ông sớm nhận ra và cảm ơn bằng những câu thơ tận đáy lòng: “Mẹ sinh ra em dường như dành cho anh - Như bù đắp một phần người đơn lẽ - Như thấu hiểu…- Vạn lần anh ơn mẹ! …Đường anh đi không nhớ hết thác ghềnh – Và cay đắng…Em làm cho ngọt lại” (Nếu chẳng có em)

Ký ức hiện về, một buổi sáng mùa đông năm 2006, nhà thơ Nguyễn Quân đạp xe đạp xuống phố, tặng tôi tập thơ Những câu thơ mất ngủ và cũng để báo tin vui rằng tập thơ này vừa được nhận Tặng thưởng của Liên hiệp Hội VHNT toàn quốc năm 2006. Dáng người nhỏ gầy, cặp mắt tinh anh, ông ngồi lặng yên kể về niềm vui bất tận của một người thơ say đắm với dòng thơ trữ tình. Và hơn hết, đó là một tấm lòng trung trinh trọn vẹn – ông nói rằng, đây là phần thưởng lớn nhất mà ông đã không dám tin – hay phải chăng đó là chút tri ân lòng người với cuộc đời với bao nỗi truân chuyên, đa mang và nặng nợ như Nguyễn Quân? Rồi cũng từ những tâm giao của những tâm hồn đồng điệu, ông đã lục tìm lại những tập thơ cũ của ông để dành tặng tôi, và nhắn nhủ “Cháu đọc cho vui. Cuộc đời này còn lại gì nếu những người viết như chúng ta không đọc tác phẩm của nhau. Đừng câu nệ bất cứ điều gì cả, cháu còn trẻ và phải yêu cuộc sống này hết mình, để thắp lửa cho niềm tin”. Đó là những tập thơ: Đau đáu khoảng trời xanh; Nợ và duyên; Vầng trăng khuyết; Ngọn đèn tắt; Người về phố cũ; Tiếng hát dòng sông; Những câu thơ mất ngủ; Bến quê…

Thi thoảng ông có thơ in trên báo Văn nghệ, Văn nghệ trẻ, tôi lại mua hộ ông vài tờ và mang lên tặng ông. Có hôm ông bảo, chú có đặt Văn nghệ trẻ rồi. Già rồi nhưng vẫn thích đọc trẻ để cho tâm hồn nó tươi mới. Rồi ông cười hiền, lâu lâu có thơ in là hạnh phúc lắm. Mình cứ để cho tác phẩm của mình ra đời, cho tác phẩm cọ xát với hiện thực. May thì thành công! Không may thì thành nhân. Và ông đã đúng!
Đà Nẵng không phải là quê ruột của ông. Nhưng ông đã dành trọn tấm chân tình của mình để sống cùng Đà Nẵng. Đôi khi người thơ cứ gào lên trong thầm lặng, để buộc mình phải viết ra những câu thơ gan ruột và thật như một lời tâm sự: “Cầu sông Hàn nối hai phía đông tây - Như bàn tay nắm bàn tay siết chặt - Tôi đọc được niềm vui trong từng khóe mắt- Nụ hôn đầu mọng đỏ cháy bờ môi…”

Đôi khi tôi ngạc nhiên vì sao ở tuổi ông, lại ngồi yên lặng nhìn dòng đời bộn bề trôi đi mà không hề lay động. Không ồn ào. Không gân guốc. Ông sống một đời thanh đạm, đôi khi thương đến xót xa. Thơ ông mộc mạc đến nỗi, khi đọc lên, người ta cứ ngỡ ông đang nói với chính mình, chứ không phải là sáng tác. Nhưng chính niềm dịu êm đó, lại là chất keo đính lên tâm hồn người đọc, những bạn văn khi nhắc đến thơ ông: “ Mỗi dòng sông tự hát khúc riêng mình - Từng con sóng cũng riêng nốt nhạc - Mơ về biển, sóng dòng sông khao khát - Ghềnh thác nông sâu nên lời ngắn câu dài...”

Một cuộc đời vừa khép lại như giấc mơ trưa đau đáu những cánh cò. 79 tuổi, ông đã nếm trải đủ mọi cung bậc buồn vui cuộc đời. Một đời thơ vừa khép lại, cầu mong sao hồn thơ ấy bình yên như ông từng viết: “Trăng nghìn năm còn đó-mây nghìn năm bay đi” (Bến nước sông Ngân).

Đà Nẵng, 17-12-2012

NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO

;
.
.
.
.
.