Xã Hòa Phong đã trở thành đơn vị dẫn đầu huyện Hòa Vang về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Công viên nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Phong được đầu tư xây dựng mới khang trang, sạch đẹp. |
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đến nay các hoạt động văn hóa trên địa bàn xã Hòa Phong đã có sức lan tỏa sâu rộng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống xã hội, thu hút đông đảo nhân dân trên địa bàn xã tham gia, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy kinh tế ngày càng phát triển.
Những tháng gần đây, sáng chủ nhật hằng tuần, đoàn viên, thanh niên thôn Túy Loan Đông đều chăm sóc, dọn vệ sinh và dâng hương tại Bia di tích lịch sử Bến Suối (Túy Loan) - nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của xã Hòa Phong. Đây là một trong những công trình tiêu biểu mà xã Hòa Phong vận động con cháu tại địa phương đóng góp xây dựng với kinh phí hơn 100 triệu đồng. Anh Tôn Thất Quỳnh Bảo, Bí thư Chi đoàn thôn cho biết: “Nhờ lãnh đạo xã Hòa Phong thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nên các thế hệ hôm nay có cơ hội hiểu biết nhiều hơn về lịch sử địa phương, đồng thời thể hiện sự tri ân đối với những hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước”.
Công trình Bia di tích lịch sử Bến Suối chỉ là một trong những công trình tiêu biểu mới nhất của xã Hòa Phong trong năm 2012. Bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho biết, trên địa bàn xã có 13 di tích lịch sử văn hóa, đến nay đã có 2 di tích (đình làng Bồ Bản và đình làng Túy Loan) được công nhận di tích cấp quốc gia; 3 di tích (đình làng Dương Lâm, Cẩm Toại và Trường tiểu học An Phước) được công nhận là di tích cấp thành phố.
Những năm qua, xã Hòa Phong luôn đặc biệt quan tâm đầu tư nâng cấp, tôn tạo các di sản trên địa bàn. Đến nay, đã có 4 đình làng được Nhà nước đầu tư nâng cấp, tôn tạo khang trang với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng. Năm 2010, huyện đã đầu tư xây dựng nhà bia tại Miếu Ông Ích Đường với kinh phí gần 300 triệu đồng. Cũng trong năm 2010, thành phố và huyện Hòa Vang đã đầu tư hơn 6 tỷ đồng để quy tập, cất bốc và di dời 918 ngôi mộ ở nghĩa trang liệt sĩ cũ (thường xuyên ngập úng) về Công viên nghĩa trang mới tại Gò Cốc ở vị trí cao ráo, cảnh quan thiên nhiên đẹp. Đặc biệt, tại công viên nghĩa trang này, hằng năm xã thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động như lễ dâng hương, cúng tế, cầu siêu, các hoạt động nghệ thuật và trồng hoa, cây cảnh…
Các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể khác cũng đã được xã chú trọng duy trì như: làng nghề mì Quảng, bánh tráng Túy Loan; các sản vật như bánh gói, bánh tét, bánh ít… là những đặc sản truyền thống của những làng cổ có hàng trăm năm tuổi tại địa phương cũng được duy trì bày bán tại các chợ của địa phương, đồng thời dâng cúng tổ tiên vào các dịp lễ hội. Phong trào văn hóa - văn nghệ, nhất là dân ca bài chòi đã được địa phương khôi phục và đưa vào dạy ở các trường tiểu học và THCS. Xã đã xây dựng và duy trì tốt đội văn nghệ quần chúng và CLB Bài chòi để phục vụ nhân dân vào các dịp lễ hội. Đặc biệt, trong 15 năm qua, các đình làng trên địa bàn xã thường xuyên tổ chức các lễ hội truyền thống như lễ hội các đình làng: Túy Loan, Bồ Bản, Dương Lâm, Cẩm Toại... Qua đó, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương được duy trì và phát triển, đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Theo bà Phan Thị Thu Hồng, kết quả trên nhờ địa phương chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về công tác xây dựng và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc; đa dạng hóa các hoạt động văn hóa-xã hội, thể dục-thể thao gắn với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
Bài và ảnh: VĂN NỞ