.
Tạp bút

Nhớ mùa ruốc

.

Đang mơ màng trong giấc ngủ, má kêu chị em tôi dậy sớm phơi ruốc. Tôi giật mình tỉnh giấc, hỏi má: “Mùa ruốc năm ni đến rồi hả má? Sắp tới mùa đông rồi má hè?”. Má cười: “Lại thèm món thịt ba chỉ kho ruốc à? Trưa về má nấu cho. Dậy kêu mấy đứa ra phơi ruốc cho má kẻo trễ”.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa ruốc, tranh thủ những ngày còn nắng, nhà tôi phơi một bao ruốc khô thật to, cái để dành ăn những ngày đông, cái để biếu bà con hàng xóm.

Tôi gọi mấy thằng em dậy chở ruốc ra sát triền núi phơi. Chỗ đó có con đường bê-tông trải dài và vắng người qua lại. Đứa gánh gồng, đứa mang rổ rá, còn thằng út kẹp tấm lưới vào nách đi lững thững như ông cụ, trông chẳng khác nào dân biển vừa trở về sau chuyến ra khơi.

Giao việc xong, má tranh thủ bán cá kẻo trưa buổi chợ. Còn chị em tôi “bày binh bố trận” để phơi ruốc. Những con ruốc màu hồng óng ánh trong ánh nắng mai, mằn mặn chất dân dã của biển đưa tôi về với những ngày ấu thơ. Mười mấy năm xa rồi, vậy mà tôi vẫn nhớ như in...

Đông năm nào cũng vậy, cứ mùa ruốc về, tôi lại nhớ đến ngoại tôi. Nỗi nhớ cồn cào, quay quắt, hình ảnh ngoại cứ hiện rõ mồn một trong tâm trí tôi. Nhớ cái áo bà ba màu tím của ngoại, nhớ cái quạt nan của ngoại, nhớ cái cơi đựng trầu của ngoại. Mỗi mùa qua đi là một nỗi nhớ, là một kỷ niệm. Và cứ hễ đến mùa con ruốc về, tôi lại nhớ đến hũ mắm ruốc ngoại chưng, lại thèm món thịt ba chỉ kho ruốc đến cháy lòng.

Cứ vào mùa ruốc, má tôi đi chợ thật sớm để chọn rổ ruốc tươi rồi đem cậy ngoại làm mắm. Mấy lần tôi nói má làm mắm ruốc nhưng má nói chịu. Má bảo, mắm ruốc chỉ có ngoại muối mới ngon thôi. Ngoại có tay làm mắm, mắm chín đều, thơm ngon và không tanh. Làm mắm thoạt nhìn đơn giản nhưng là cả nghệ thuật. Nó phù hợp với đặc tính chịu thương chịu khó, khéo tay và cần mẫn.

“Con Hai à? Coi ra sân đảo mắm cho ngoại nghe con. Ngoại đang dở tay nấu nồi cơm”. Nghe tiếng ngoại gọi trong chái bếp, tôi “dạ” ran, bỏ cuộc chơi với mấy đứa bạn, ra phía ngoài sân coi vạt mắm ruốc ngoại muối ra sao. Mấy đứa bạn cũng chạy theo, vừa đến nơi, chúng đã lấy tay bịt mũi: “Hôi quá mày!”. Kệ mấy đứa bạn nhăn nhó, tôi lấy cây sào nhỏ đảo vạt mắm ruốc cho thật đều tay. Mùi mắm bốc lên thơm phưng phức, tan chảy trong ánh nắng vàng. Chắt nước cơm cho cạn và nhỏ lửa, ngoại chạy vội ra sân đảo mắm với tôi. Dáng ngoại gầy trong cái bóng của nắng, chiếc nón trắng không che nổi những giọt mồ hôi ướt đầm lưng áo. Tuy là món ăn đơn giản nhưng ngoại nói làm mắm cầu kỳ và phức tạp. Mắm ngon không những phải có mùi thơm nhẹ, vị vừa phải, không quá mặn mà còn phải có màu đỏ au hấp dẫn. Ngoại tôi thường ví von mùa đông mà không có mắm ruốc giống như con gái ở thời mà không có duyên vậy. Nghe ngoại nói, tôi tủm tỉm, công nhận ngoại ví von hay ghê!

Nhớ mùa đông lạnh cắt da cắt thịt, hũ mắm ruốc của ngoại đã theo chị em chúng tôi qua những ngày đói. Cái ngọt từ thịt ruốc, cái mặn mòi của biển cùng với bát cơm trắng nóng trong những ngày mưa dầm sao ăn mãi vẫn thấy thèm. Bữa ăn chỉ có cơm trắng với mắm ruốc thôi mà chẳng mấy chốc nồi cơm hết sạch từ bao giờ. Buông đũa còn thấy tiếc, tôi cốc nhẹ trên đầu thằng em: “Sao mày ăn nhanh thế?”. Thằng em cười lém lỉnh: “Ăn chậm thua thiệt ráng chịu à!”. Nhìn lại trong nồi, còn miếng cơm cháy, tôi vo tròn thành nắm quẹt đĩa mắm ruốc cho tới khi cái đĩa sạch nhẵn mới chịu thôi.

Tôi mê nhất món mắm ruốc chưng thịt ba chỉ ngoại nấu. Chút thịt ba chỉ xắt hột lựu nhỏ để trên bếp liu riu cho tới khi phần mỡ tan chảy, ngoại bỏ sả bằm nhuyễn cùng hành khô vào cho tới khi sả và hành tỏa mùi thơm nhức mũi. Chén mắm ruốc được pha sẵn trong nước lạnh trút vào, thêm chút đường, bột ngọt cho mắm bớt đi vị mặn. Nồi mắm ruốc để trên lửa nhỏ liu riu cho thịt thấm gia vị, nước pha ruốc cạn đi và cũng làm chín mắm. Lúc này ai đi ngang nhà cũng phải dừng lại, hít hà vị thơm mắm ruốc đang lan tỏa.

Nhà ngoại ở sát triền sông, có dạo ông ngoại đang chèo ghe giữa dòng đã nghe mùi ruốc ngoại kho thơm lựng cả mặt sông. Về đến nhà chưa kịp bỏ cây dầm, ông nói vọng vào trong bếp: “Nghe bà kho mắm ruốc, tôi chèo về không kịp nghỉ tay”. Ngoại cười hiền từ mắng ông ngoại sao khéo nịnh. Ngồi trong chái bếp nhìn ngoại kho ruốc, bụng tôi kêu lên từng cơn đói cồn cào, cứ luôn miệng hỏi: “Xong chưa ngoại?”. Chờ mắm nguội, tôi lấy tay quẹt vào nồi mắm rồi đưa lên miệng nghe cái vị mặn ngọt tan dần trong lưỡi. “Ngon quá, ngoại ơi!”. Tôi chợt nhận ra rằng, ngoại đem cái ấm của ngày nắng ủ vào trong từng hủ mắm khiến mùi mắm thơm ngon đến lạ.

Một ngày đầu đông, khi những cơn mưa dầm dề thấm đất, ngoại tôi đổ bệnh. Mùa đông năm đó, chị em chúng tôi không được ăn mắm ruốc ngoại chưng, thèm món thịt ba chỉ kho ruốc đến chịu không được. Biết thế, má tôi ra chợ chọn mua hũ mắm ruốc thật ngon về kho nhưng tôi vẫn thấy thiếu cái vị quen thuộc, thiếu bàn tay ngoại muối mắm, thiếu giọt mồ hôi đảo mắm giữa trưa gay gắt của ngoại, thiếu cả tiếng ngoại cười lúc kho thịt ba chỉ trong chái bếp. Mắm mua ngoài chợ sao ngon bằng mắm ngoại chưng. Mắm của ngoại vừa mặn vừa ngọt, vừa nồng vừa thơm, có cái dịu của mưa, có cái giòn của nắng. Ngoại chưng mắm bằng cả tình thương, bằng cả tấm lòng bao dung sưởi ấm những ngày đông lạnh giá. Chị em chúng tôi mong sao ngoại mau hết bệnh, ngoại vui, ngoại cười, ngoại lại kho mắm ruốc cho chúng tôi ăn. Nhưng mùa đông năm đó, cái rét lạnh thấu xương, ngoại đau nặng rồi mất...

“Chị Hai, đưa rổ ruốc em phơi nốt cho”. Tiếng thằng em cắt ngang dòng ký ức của tôi. Xa rồi mùa ruốc năm xưa, xa rồi cái chái bếp của ngoại, lại thương lại nhớ... Nhớ lắm nồi thịt ba chỉ kho mắm ruốc của ngoại... Nhớ lắm dáng em tôi phơi ruốc trong những ngày nắng... Nhớ lắm bao ruốc khô má gói ghém cẩn thận gửi về quê nội... Bao cái nhớ dồn dập, ùa về, để rồi mỗi khi đông đến thiếu mắm ruốc là thiếu đi cái vị quê mằn mặn đã thấm vào trong huyết quản của tôi suốt từ thuở ấu thơ cho đến bây giờ. Nhớ lời ngoại vừa kho ruốc trong chái bếp vừa dạy tôi: “Đừng chê mắm ruốc tanh hôi/ Có mắm có ruốc mới rồi bữa ăn”.

Mắm ruốc... Mộc mạc hồn quê!

HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.