.

Quang Phùng: Nhà nhiếp ảnh của... đường phố

.

Nhà nhiếp ảnh nổi tiếng Quang Phùng cho rằng, mỗi bức ảnh là khoảnh khắc có thật của cuộc sống. Ông cố gắng chụp ảnh theo cách của mình và cảm thấy ngại mỗi khi được báo chí hay đâu đó gọi là “nghệ sĩ nhiếp ảnh”. Năm nay, ông bước qua tuổi 80.

Bức ảnh trích từ bộ ảnh đường phố mang tên Gánh hàng rong của Quang Phùng. (Ảnh Nguyễn Bảo Anh chụp lại)
Bức ảnh trích từ bộ ảnh đường phố mang tên Gánh hàng rong của Quang Phùng. (Ảnh Nguyễn Bảo Anh chụp lại)

1.
Chúng tôi bất ngờ ghé thăm Quang Phùng. Không câu nệ khách quen hay khách lần đầu đến thăm, ông lấy trong tủ ra từng bộ ảnh đã được kẹp vào những chiếc hộp khác nhau. Những bức ảnh phóng với kích thước 20x30cm được ông nâng niu, giữ gìn cẩn thận. Vừa nói, vừa đều tay dở các bức ảnh, Quang Phùng say sưa giới thiệu về những bộ ảnh tâm huyết của mình. Đó là mấy trăm bức Gánh hàng rong, mấy trăm bức Cây cầu và những cuộc sống ven sông, rồi rất nhiều bức trong Hà Nội băm sáu phố phường... Những bức ảnh mà ông phải dầm mưa đến nỗi về ốm cả tuần, hay đứng giữa đường bị xe lao sầm sập như chèn vào người, bị té nước lên ướt hết quần áo, bị dọa tiêm kim vào người, bị choảng cả gạch... Những bức ảnh mà ông bảo có thể nhiều năm sau nữa con cháu chúng ta sẽ rất cần đến.

Mỗi nhân vật của Quang Phùng dù chỉ xuất hiện trong một vài bức ảnh, nhưng cuộc đời, số phận của họ là cả câu chuyện mà mỗi khi cầm một bức ảnh lên, ông có thể kể tường tận về tên tuổi, quê quán và hoàn cảnh mỗi người. Rồi ông theo sát từng bước chân, tìm hiểu từng hướng di chuyển, nhớ thói quen về giờ giấc, địa điểm họ thường trú chân… Vì vậy, ông có thể chờ họ tại một điểm mà ông biết chắc rằng, khi ấy họ sẽ lọt vào khuôn hình của ông một cách chân thực, sống động và đúng như điều ông chờ đợi. Quang Phùng chưa ngày nào phải gánh hàng rong đi bán, nhưng cuộc đời ông cũng gắn với quang gánh, thúng mủng; bàn chân ông cũng đi từng ấy bước mà những gánh hàng rong phải trải suốt một ngày lặn lội mưu sinh ở Hà Nội.

2.
Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng hiện ở căn phòng nhỏ nằm lọt giữa khuôn viên một ngôi biệt thự cũ trong xóm Hạ Hồi, chỉ vài chục bước chân là có thể ra phố Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản luôn tấp nập. Căn phòng vừa là chỗ làm việc, tiếp khách và bảo quản, lưu trữ những tấm phim, ảnh, cũng chính là chỗ ông có thể ngả lưng mỗi khi thấm mệt. Đó là nơi người vợ hiền suốt một đời tần tảo gắng gượng chèo chống con thuyền gia đình với đồng lương của một nghệ sĩ kéo đàn violon trong dàn nhạc giao hưởng thính phòng để ông mặc sức với niềm đam mê nhiếp ảnh. Vậy mà có những lúc con nghiện và cả người bán ma túy biết được chỗ ở của ông - người dám chụp ảnh họ trong lúc họ “phê thuốc” hoặc đang hành nghề - đã bắn tin đe dọa đến tận nhà…

Còn với Quang Phùng, để tránh được sự trả thù của các con nghiện ngay khi đang tác nghiệp thì ông bảo, đó là cả một hành trình dài của sự “tu luyện” mới có được những kỹ năng ấy. Ngoài các kiến thức về nhiếp ảnh, ông còn phải nghiên cứu cả tâm lý, xã hội học, các kỹ năng của phóng viên chiến trường mới không bị xe kẹp, người nghiện chọc kim vào người... Ông thường đùa mình là “nhanh như con cáo, hiền như thầy tu” để mỗi lần giơ máy lên là “ăn” ngay và không thiếu tự tin. Ông nói rằng, công việc của người cầm máy ảnh là ngoài sự “thạo nghề”, cái cần nhất là có mặt đúng lúc cộng với sự
nhạy cảm…

3.
Nếu chỉ xem những bộ ảnh đậm chất báo chí của Quang Phùng mà chưa biết và chưa gặp ông, chắc chắn nhiều người tin đó là sản phẩm của một tay máy trẻ, xông xáo và bất chấp hiểm nguy. Nhưng hóa ra đó là của Quang Phùng - năm nay ở tuổi 80. Những bộ ảnh đầy tính phát hiện và dấn thân ấy đã khiến “ông già” này trở thành người chụp ảnh báo chí có tiếng ở Hà Nội.

Gánh hàng rong. (Ảnh Nguyễn Bảo Anh chụp lại)
Gánh hàng rong                                                                                                (Ảnh Nguyễn Bảo Anh chụp lại)

Để kể được một câu chuyện bằng ảnh, Quang Phùng quan niệm, người ta phải “tu luyện”. Với ông, cốt lõi của nhiếp ảnh phải là sự thật. Nhưng cuộc sống thì phong phú, thậm chí lộn xộn, chọn cái gì, lấy cái gì, nhấn cái gì, bỏ cái gì sao cho người xem bắt trúng, rung động đúng với ý đồ của mình thì lại phụ thuộc vào kỹ thuật - kỹ thuật chứ không phải nghệ thuật... Ông gọi những bức ảnh của mình là bức ảnh, chùm ảnh chứ không gọi là tác phẩm. Và theo ông, thì bản thân mình chẳng có một tác phẩm nghệ thuật nào. Ông cố gắng chụp ảnh theo cách của mình và cảm thấy ngại mỗi khi được báo chí hay đâu đó gọi là “nghệ sĩ nhiếp ảnh”.

Tôi hỏi, vậy thì ông thích người đời gọi mình là gì? Cười rung chòm râu bạc, Quang Phùng bảo, đơn giản nhất, cứ gọi tôi là “Quang Phùng”, hoặc cùng lắm là “nhà nhiếp ảnh Quang Phùng”.

Quang Phùng sinh tại Hà Nội năm 1932, bắt đầu cầm máy ảnh khi mới 23 tuổi (năm 1955). Năm 1970, Quang Phùng về làm việc tại Bộ Ngoại giao.
Năm 1990, bức ảnh Tóc mây của Quang Phùng đoạt giải nhất ảnh nghệ thuật toàn quốc. Nhưng ngay sau đó, ông nhận ra rằng cốt lõi của nhiếp ảnh không hẳn là như vậy. Và ông dường như đã từ bỏ dòng ảnh “nghệ thuật vị nghệ thuật” để tập trung vào dòng ảnh phản ánh hiện thực cuộc sống.

Quang Phùng tâm sự: “Nhiều người thích thần thánh hóa nhiếp ảnh, coi mỗi bức ảnh là một tác phẩm, với tôi mỗi bức ảnh là một khoảnh khắc có thực ngoài cuộc sống. Nói như vậy không có nghĩa tôi phê phán, chỉ trích ai, nhưng tôi quan niệm nghệ sĩ là phải sáng tạo, phải đưa được cái chủ quan của mình vào tác phẩm. Trong khi đó, tôi chỉ có mặt “đúng thời điểm” ở hiện trường, phán đoán, phân tích và ghi lại hình ảnh một cách chân thực nhất, trung thành với hiện thực đến nỗi không bao giờ thêm bớt, dù chỉ là một hạt bụi”.

Sau trận xuất huyết não vào năm ngoái, sức khỏe đã không còn dư dả để Quang Phùng đeo bám đề tài dài hơi và nhiều nguy hiểm. Giờ đây, ông như có ý thu xếp lại những gì mình đã dồn nén gửi gắm vào ảnh. Khi có khách đến thăm, ông lại mê mải chuyện trò, mê mải kể những câu chuyện ảnh với đau đáu nỗi niềm. Như thể một ngày nào đó, Quang Phùng không còn kể được nữa thì những bộ ảnh sẽ được những người khác kể lại, kể tiếp một hành trình chụp ảnh đường phố của ông…

NGUYỄN BẢO ANH

;
.
.
.
.
.