.

Tình sử Huyền Trân: Tình đem lại mà cân

.

Năm 1302, Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông nhân ghé chơi ở đất Chiêm Thành, hứa gã Huyền Trân công chúa cho vua Chiêm là Chế Mân. Sử sách chép các văn nhân trong nước đã mượn chuyện vua Hán gả con gái cho Ô Tôn - Chúa Hung Nô để làm thơ châm biếm. Ngay trong nội bộ quan lại nhà Trần cũng lời ra lời vào. Câu hát dân gian Tiếc thay cây quế giữa rừng/ Để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo cũng xuất phát từ sự kiện này. Vì thế, dùng dằng mãi 4 năm sau (năm 1306), cuộc hôn nhân mới được tổ chức.

Cảnh trong vở Huyền Trân Công chúa do Nhà hát tuồng Việt Nam biểu diễn tại Đà Nẵng tháng 1-2010.  										Ảnh: TÚ PHƯƠNG
Cảnh trong vở Huyền Trân Công chúa do Nhà hát tuồng Việt Nam biểu diễn tại Đà Nẵng tháng 1-2010. Ảnh: TÚ PHƯƠNG

Nhưng cũng có quan điểm nhìn nhận chuyện này theo cách khác. Việc hôn sự kéo dài do vua quan Chiêm Thành đắn đo trong việc dâng 2 châu Ô, Lý làm sính lễ. Dù giải thích ở góc độ nào thì cốt lõi của vấn đề vẫn chính là Hải Vân thuộc vùng đất Ô, Lý.

Đèo Hải Vân là điểm quan yếu trong bản đồ quân sự, có ý nghĩa chiến lược rất lớn mà lịch sử từng chứng minh trong suốt những cuộc can qua. Ai nắm được Hải Vân là làm chủ được vùng đất kỳ tú này. Từ thời nhà Trần trở về trước, quân Chiêm thường xuyên quấy phá nước ta. Hải Vân quan vừa là nơi phòng thủ chắn chắc mỗi khi lui binh, vừa làm bàn đạp cho những cuộc tiến công. Ngược lại, quân binh các triều vua Đại Việt đã rất khó khăn mới vượt qua ranh giới Hải Vân, phần lớn những cuộc tiến công vào đất Chiêm đều lấy đường thủy làm chính. Hải Vân đóng vị trí quan trọng như vậy nên Chúa Tiên Nguyễn Hoàng gọi là “đất dụng võ của người anh hùng, là yết hầu miền Thuận Quảng”. Còn Dương Văn An, tác giả Ô châu Cận lục, đánh giá là “bền vững như chiếc khóa vàng, chính là nơi đầu não...”.

Và lịch sử sau đó đã có những bước đi dài vô tiền khoáng hậu. Hơn 150 năm sau (năm 1471), vua Lê Thánh Tôn đánh một trận tổng lực tiến vào tận núi Thạch Bi (Phú Yên). Khi vua thắng trận trở về, đêm ngủ lại trên đỉnh đèo, nhìn về phương Nam mà cảm khái với trăng sáng Đồng Long dưới chân núi (Vịnh Đà Nẵng bây giờ) để ngâm vội bài thơ Hải Vân hải môn lữ thứ... Cũng chính nhờ vượt qua được thiên hạ đệ nhất hùng quan mà sau gần một thế kỷ, các chúa Nguyễn đã mở mang bờ cõi đến mũi Cà Mau...

Hải Vân với 2 châu Ô, Lý có ý nghĩa quan trọng trên con đường Nam tiến như vậy nhưng người con gái phải hy sinh niềm riêng để nước non ngàn dặm ra đi, cái tình chi... thì chính sử ghi lại cũng quá sơ sài. Hình như cái ý thức hệ phong kiến đã không cho những người chép sử thời đó đánh giá đúng sự hy sinh của công chúa Huyền Trân khác với nhìn nhận của dân gian: Vì lợi cho dân/ Tình đem lại mà cân/ Đắng cay muôn phần…

Địa giới 2 châu Ô, Lý về phía Nam kéo dài đến bên bờ Nam sông Thu Bồn. Cảm thương nỗi lòng đau đớn chia lìa giữa muôn trùng vạn dặm của Huyền Trân sau khi Ô, Lý thuộc về nước ta, dân gian cũng thấu hiểu tâm sự của người phụ nữ cay đắng ngoái trông mây trắng quê nhà: Chiều chiều mây phủ Hải Vân/ Chim kêu ghềnh đá gẫm thân lại buồn; hay Tới đây sông nước lạ lùng/ Con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kiêng… Đây có thể là tâm sự của những người vợ xa chồng, những phụ nữ xa quê nhưng người đời sau vẫn cho đó là tiếng lòng khắc khoải buồn đau của nàng công chúa Huyền Trân vì nước non ngàn dặm ra đi, đủ thấy rằng dân gian hiểu thấu được sự hy sinh ấy với đầy đủ ý nghĩa cao cả như thế nào.

Hơn 700 năm sau, tôi về một ngôi làng ở ngã ba Sòng, cách Đông Hà khoảng 6km để thăm lại nhà thờ tự Công chúa Huyền Trân bên sông Thạch Hãn. Nhà thờ này đã được công nhận là Di tích văn hóa quốc gia. Giữa khói hương trầm mặc mới thấy rằng dân gian bao giờ cũng nghĩ về Huyền Trân với bao thương cảm. Họ luôn bình đẳng, rạch ròi với quá khứ. Trong tâm thức của người xưa, Huyền Trân luôn được coi là bậc tiền hiền có công khai khẩn đất đai. Làng quê vẫn còn nghèo, nhưng những ngày lễ lạt, cúng tế khói hương vẫn đủ ấm tấm lòng.

Giữa đôi bờ Thạch Hãn, truyền miệng từ bao đời là những câu chuyện về Huyền Trân. Khi hay tin Chế Mân mất (tập tục của người Chiêm thì khi vua chết, hoàng hậu, các quý phi, cung tần đều phải hỏa táng theo vua), vua Trần sai quan Hành khiển Trần Khắc Chung vào đất Chiêm lấy cớ đưa Công chúa Huyền Trân về nước. Khắc Chung và Huyền Trân đã lênh đênh nhiều ngày trên biển. Dân gian kể lại rằng, trước khi trở lại kinh sư, thuyền của hai người đã ghé lại bờ Thạch Hãn để nghỉ ngơi tiếp thêm lương thực... Tương truyền là dân làng đã tắm gội cho công chúa bằng nước bồ kết, nấu nước chè tươi và nhiều món ăn thấm đẫm hương quê để dâng tặng công chúa. Những câu chuyện không hề thấy trong cổ lục, có lẽ cũng chỉ là huyền sử. Chuyện hư thực không quan trọng nhưng huyền sử nào mà không sinh ra từ lòng kính trọng và sự ngưỡng mộ...

Đứng trước nhà thờ Huyền Trân khói hương, bằng cái nhìn tâm cảm, tôi vẫn tin rằng sự kiện công chúa Huyền Trân dừng lại bên bờ sông này là có thật vì không phải ngẫu nhiên một ngôi cổ tự được dựng xây từ rất lâu lại tồn tại một cách thành kính giữa ngàn lau hẳn phải gắn liền với một thực tại. Lịch sử chắc phải được lý giải bởi hiện thực.

700 năm, biền bãi tre trúc của đôi bờ vẫn biếc xanh như thuở ấy, mưa bụi bay đầy trời tháng chạp thấp thoáng bóng ai ngồi ướt đẫm tóc xanh. Trong mơ màng tôi nhận ra từ những câu chuyện cổ, nỗi lòng dân gian man mác thấm đẫm nghĩa tình trên khói sóng trường giang.

H.S.B

;
.
.
.
.
.