.

Nặng tình “đờn ca tài tử”

.

Đầu năm nay, Bộ VH-TT&DL có quyết định công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể (đợt 1). Theo đó, đờn ca tài tử Nam bộ là một trong 33 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

Suốt nhiều năm qua, Bộ VH-TT&DL phối hợp với các tỉnh, thành phố phía Nam có đờn ca tài tử tổ chức các liên hoan đờn ca cùng nhiều hội thảo, tọa đàm về việc bảo tồn và phát huy những giá trị của loại hình này trong cuộc sống hiện nay. Chính phủ cũng đã chính thức đồng ý cho tỉnh Bạc Liêu thời gian đến tổ chức Fesival đờn ca tài tử lần thứ nhất năm 2013.

Một buổi sinh hoạt giao lưu của CLB Đờn ca tài tử Châu Đốc.  					Ảnh: T.T.S
Một buổi sinh hoạt giao lưu của CLB Đờn ca tài tử Châu Đốc. Ảnh: T.T.S

Đờn ca tài tử trong “Không gian văn hóa Nam bộ”

Các nhà nghiên cứu cho rằng, nhạc quan của triều Nguyễn theo phong trào Cần Vương vào Nam đã đem theo truyền thống ca Huế. Họ dừng chân ở Quảng Nam, từ đó tiếng đờn, giọng ca xứ Huế mang thêm chút hương vị xứ Quảng. Nhưng khi vào miền Nam, tiếng đờn miền Trung thay đổi rất nhiều, thậm chí một số bài bản tuy mang cùng tên nhưng nét nhạc đã khác xa. Bản chất phóng khoáng của con người và nếp sống tại miền Nam khiến các bài bản không còn y khuôn bản gốc. Người đờn, người ca không muốn giữ nguyên như thầy dạy mà luôn có đôi nét thêm thắt, thay đổi, tô điểm, đưa một chút “ta” hòa vào trong, khiến những bài bản đậm đà hơn. Mặt khác, do lòng luôn thương nhớ cội nguồn nên các điệu, các hơi của đờn ca tài tử đều phảng phất nỗi buồn và được người mộ điệu ưa thích.

Về ý nghĩa của chữ “đờn ca tài tử”, lâu nay nhiều người thường cho rằng, chữ “tài tử” có nghĩa là không chuyên nghiệp, không phải nhà nghề. Nhưng theo GS Trần Văn Khê, thật ra ý nghĩa chữ “tài tử” ở đây là “người có tài” như trong câu “dập dìu tài tử giai nhân” (Truyện Kiều - Nguyễn Du). Ngoài ra, “tài tử” còn chỉ việc không lấy đó làm nghề, không dùng tiếng đờn, giọng hát làm kế sinh nhai mà chỉ để giải trí, để gửi gắm tâm sự riêng, hay cùng bạn đồng điệu hòa đờn cho người mộ điệu thưởng thức. GS Trần Văn Khê tiết lộ: “Do rất “nặng tình” với đờn ca tài tử, nên như nhiều người yêu âm nhạc khác tại miền Nam - từ lâu tôi ước mong bộ môn này được đứng vào hàng ngũ các di sản phi vật thể của nhân loại. Tuy nhiên, đến nay điều này vẫn chưa thể thực hiện được vì nhiều lý do. Trước tiên, tuy cho rằng đờn ca tài tử đã ra đời từ thế kỷ XIX hoặc trước đó, nhưng thực tế chúng ta chưa có nhiều sử liệu hay hiện vật chứng minh chính xác và cụ thể. Ngoài ra, về mặt ngôn ngữ âm nhạc, thang âm, điệu thức, tiết tấu, bộ môn này tuy có một số nét đặc thù nhưng chưa có được bề sâu nghệ thuật đặc sắc như yêu cầu đặt ra. Hơn nữa, tuy không còn thông dụng như xưa nhưng đờn ca tài tử vẫn chưa đứng trước nguy cơ tàn lụi, khá nhiều địa phương trên cả nước đều có thành lập các CLB, cũng như các liên hoan ca nhạc tài tử vẫn liên tục được tổ chức”.

Dù vậy, GS Trần Văn Khê cũng nói rằng, nếu xếp đờn ca tài tử vào một “Không gian văn hóa Nam bộ”, bao gồm cả nhạc lễ (xuất xứ từ nhạc lễ cung đình giản dị hóa thành dàn nhạc ngũ âm), hát ru, các điệu hò, điệu lý và cả những trò chơi dân gian phong phú, tất cả được xem là di sản đáng quý của cha ông để lại từ thời kỳ đầu khai hoang lập nghiệp ở miền Nam, thì hồ sơ này sẽ có thêm bề dày lịch sử và chiều sâu của nghệ thuật, nhiều khả năng được UNESCO đồng ý xét công nhận giá trị. Từ đó có thể kích thích giới trẻ trong nước tìm đến với bộ môn đờn ca tài tử truyền thống, nắm được tinh hoa trong nghệ thuật cổ truyền và sáng tạo những nhạc phẩm mới để làm di sản âm nhạc tài tử phong phú hơn xưa.

Đào, kép giữa đời thường

Lần đầu tiên về Châu Đốc dự buổi giao lưu với CLB Đờn ca tài tử thuộc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Châu Đốc, chúng tôi mới có dịp thấy được ý nghĩa và không gian hào sảng của sân chơi độc đáo này giữa đời thường. Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài - nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật An Giang - cho biết, CLB Đờn ca tài tử Châu Đốc là một trong những CLB mạnh của đồng bằng sông Cửu Long, có đến vài chục người. Tuy nhiên, góp mặt trong buổi giao lưu, tôi nhận ra có ba cây đờn hòa chung (tam tấu), gồm đờn tranh, đờn kìm và đờn cò, hai đào chánh và một kép chánh.

Những  bài  ca “đờn ca tài tử” luôn gợi phong cảnh hữu tình, gần gũi với thiên nhiên, bởi cuộc chơi không chỉ diễn ra ở các lễ hội đình đám, mà nhiều khi phiêu bồng giữa cảnh trời trăng mây nước. Hãy nghe một câu hò huê tình nhẹ nhàng có ý trêu chọc buông lơi: “Hò ơi!... Gió đưa con buồn ngủ lên bờ, Mùng ai có trống (xin) cho ngủ nhờ một đêm!...”. Giọng hát ngân nga tưởng chừng hòa quyện vào làn gió lan tỏa mãi trên mặt sông đầy.

Ngoài những câu hát như vậy,  chương trình giao lưu còn gây ấn tượng đậm đà với bài hát Tình anh bán chiếu rất quen thuộc của soạn giả Viễn Châu (nhiều người thường biết với giọng ca Út Trà Ôn): “Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm/ Công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu/ Chiếu này tôi chẳng bán đâu/ Tìm cô không gặp, tôi gối đầu mỗi đêm...”.

Hầu hết các nghệ nhân của CLB đều có những bài ca vọng cổ nằm lòng, bài ruột sẽ được trào dâng, thậm chí có bài nội dung không dính dáng gì với hoàn cảnh thực tại ca “chay” (không có đệm đờn) vẫn phóng khoáng, lời ca có sức truyền cảm lạ lùng. Thậm chí, nhà thơ Trịnh Bửu Hoài cũng tham gia giao lưu qua vai “kép” với giọng ca rất mùi mẫn. Thúy - một trong hai cô đào nói với tôi: “Năm này tháng nọ cũng vẫn lặp lại những bài bản cũ này thôi. Lâu lâu mới có lời ca mới. Thế mà người đờn lẫn người nghe vẫn không ai thấy chán, trái lại họ như bị ghiền, không có không được. Nhiều nam, nữ thanh niên sáng dạ nghe riết thuộc lời, thuộc giọng, được vào ca, được truyền nghề, gần đây có CLB lại thu hút thêm nhiều người... Ông Trượng - Tiên Bửu, Bùi Kiệm - Nguyệt Nga, Lan - Điệp, Tôn Tẫn giả điên... là những bài vỡ lòng, mỗi người đến với đờn ca tài tử đều biết. Chỉ là cái thú chơi coi vậy mà tập tành rất dữ, phải thường xuyên rèn luyện tiếng đờn, lời ca cho thêm trau chuốt ngọt ngào”.

Một lần ghé về miền Tây, được nghe đờn ca tài tử, chúng tôi càng nhận ra đây là môn nghệ thuật đầy ma lực, sức hấp dẫn, làm say mê lòng người, ai biết qua rồi khó lòng bỏ được, bởi nó là bản sắc văn hóa độc đáo của miền Tây Nam Bộ, văn hóa Việt Nam. Nếu mỗi địa phương nơi đây khéo tìm ra những cách thức kết hợp bảo tồn loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử với du lịch chặt chẽ hơn nữa thì hiệu quả  không chỉ dừng lại với “miệt vườn sông nước Cửu Long”, mà còn phát triển xa hơn, đầy bền vững.

TRẦN TRUNG SÁNG

;
.
.
.
.
.