.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú: “Hoang tâm” chạm đến... chiến tranh

.

Từng ra mắt nhiều tập truyện ngắn và tiểu thuyết nhưng đến Hoang tâm - cuốn tiểu thuyết thứ 6, nhà văn quân đội Nguyễn Đình Tú mới đề cập chiến tranh một cách trực diện - cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam.

“Đến lúc này tôi mới đủ tự tin để chạm đến đề tài lớn như chiến tranh”, Nguyễn Đình Tú tâm sự về “đứa con tinh thần” ra mắt tại Hà Nội ngày 10-4.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú hiện là Trưởng ban Văn xuôi của Tạp chí Văn nghệ quân đội, Phó ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam.
Nhà văn Nguyễn Đình Tú hiện là Trưởng ban Văn xuôi của Tạp chí Văn nghệ quân đội, Phó ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam.

Hoang tâm - lạ và quen

Tiếp theo thành công của Phiên bản, Nháp, Kín, nhất là khi vừa mới bán hợp đồng tác quyền chuyển thể tiểu thuyết Phiên bản cho đạo diễn Cường Ngô làm phim điện ảnh, nhiều người nghĩ Hoang tâm sẽ đi theo đề tài cũ, đậm đặc sex, bạo lực, nơi tình - tiền - tù - tội cuốn con người vào vòng xoáy. Nhưng với cuốn tiểu thuyết mới về đề tài chiến tranh này, người đọc sẽ cảm nhận được cả sự lạ lẫn quen hòa trộn.

Lạ, đương nhiên ở đề tài chiến tranh biên giới Tây Nam, dù nhà văn quân đội này gần 20 năm mặc áo lính. Lạ nữa ở chỗ một buổi ra mắt sách không theo lối thông thường, đó là cuộc trình diễn những trích đoạn trong tiểu thuyết với sự “bày binh bố trận”. Giữa sân khấu là chiếc bàn tam giác, nhà biên kịch, nhà thơ Phan Huyền Thư đóng vai trò dẫn chương trình. Trên nền nhạc violin của nghệ sĩ Đoàn Phương Thảo, xung quanh là sách và hoa, Phan Huyền Thư và Nguyễn Đình Tú “đối đáp” với nhau. Bên cạnh đó, những đoạn đậm chất phồn thực của tiểu thuyết cũng được “tỉa” và trình diễn như trailer đầy ấn tượng của một tác phẩm điện ảnh.

Quen, bởi vẫn bằng những thủ pháp nghệ thuật đặc trưng, đó là sự kỳ ảo với những thông điệp được “mã hóa” trong những hình ảnh, biểu tượng khiến người đọc phải dụng công đào sâu tìm hiểu sau những con chữ, là những tuyến truyện riêng biệt hoàn toàn và có thể đọc một cách độc lập. Vì vậy, với Hoang tâm, người đọc sẽ nhận thấy lối viết về chiến tranh khác lạ với rất nhiều tác phẩm văn học về đề tài này trước đó. Nguyễn Đình Tú cho biết: “Tôi muốn chọn một cuộc chiến vừa có tính đặc thù, lại vừa có tính khái quát để “mượn” nó nói những điều cần nói. Người lính vệ quốc được khắc họa trong văn học nhiều rồi, tôi muốn hướng đến hình ảnh những người lính viễn chinh. Hơn nữa, chiến trường K gần với thời tôi sống hơn, rất nhiều nguyên mẫu có thể dễ dàng gặp ngoài đời, và cảm hứng trong tôi được thắp lên bởi chính những dư chấn từ cuộc chiến có cái tên rất giống với một sự mã hóa này - K”.

Tiểu thuyết Hoang tâm dày 344 trang, do Công ty sách Phương Đông và NXB Hội Nhà văn ấn hành.
Tiểu thuyết Hoang tâm dày 344 trang, do Công ty sách Phương Đông và NXB Hội Nhà văn ấn hành.

“Nỗi buồn chiến tranh”

Nhà văn Nguyễn Đình Tú sinh năm 1974, hẳn nhiên anh không thể tham gia cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Trả lời thắc mắc của nhiều người cho rằng, người trẻ, lại chưa trải qua chiến tranh thì không viết được về chiến tranh, anh khẳng định: “Trước khi viết tiểu thuyết đầu tiên, tôi cũng rất ngại về cái gọi là “vốn sống”. Nhưng hiểu vốn sống là những trải nghiệm thực tế thì quả thật những người trẻ sẽ không dám cầm bút. Muốn có “vốn sống” trên trang viết, cần có khả năng tái tạo đời sống theo cách riêng của mình. Khả năng đó là gì? Đó là điều mà “ông trời” chỉ ban phát riêng cho nhà văn mà thôi”.

Theo Nguyễn Đình Tú, người trẻ khi viết về chiến tranh, ngoài cái gọi là vốn sống, tài năng hay tâm huyết, thách thức lớn nhất họ phải vượt qua chính là rào cản tâm lý “có viết được hay không cái mà ta chưa trải qua”. Nhà văn Triệu Xuân từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội dự buổi ra mắt sách cho biết, những đoạn viết về chiến tranh trong Hoang tâm chỉ là những ký sự nghe người ta kể và được khéo léo chép lại mà thôi. Song, ông nhận định: “Nguyễn Đình Tú mượn chiến tranh như cái mắc áo để treo vào đó thông điệp của mình gửi bạn đọc… Đó là nhân tính, tình người, khát khao sống bản năng, khát khao truyền giống, khát khao làm đẹp và hướng thiện”.

Thực ra yếu tố chiến tranh được Nguyễn Đình Tú đề cập trong một vài cuốn tiểu thuyết trước như Bên dòng Sầu Diện, Nháp nhưng không nhiều và không thật sự phục vụ cho ý đồ nghệ thuật chính của tác phẩm. Còn với Hoang tâm, mùi thuốc súng có vẻ như âm ỉ cháy từ chương này sang chương khác. Anh cũng nhấn mạnh: “Với Hoang tâm, tôi viết về một nỗi - buồn - chiến - tranh của riêng tôi và dù cùng là nỗi buồn nhưng tôi tin nỗi buồn của mình khác với nỗi buồn của người khác”.

PHẠM HƯƠNG
 

;
.
.
.
.
.