.

Hành trang một thuở vào đời

.

Hầu hết tác phẩm của Thu Giang Nguyễn Duy Cần không chỉ đưa ra những quan niệm về cách sống, cách rèn luyện trí lực, phương pháp tự học mà còn khơi gợi nguồn cảm hứng sáng tạo, dẫn dắt chúng ta hướng đến con đường chân - thiện - mỹ.

Học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần thời trẻ.
Học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần thời trẻ.

“Tủ sách Thu Giang Nguyễn Duy Cần và vấn đề lập thân trong giới trẻ” diễn ra vào cuối tháng 4 vừa qua trong chương trình Ngày hội sách 2013 tại thành phố Hồ Chí Minh có lẽ là buổi tọa đàm khá đặc biệt, bởi bên cạnh các tên tuổi như Nguyễn Hiến Lê, Giản Chi, Hoàng Xuân Việt…, học giả miền Nam Thu Giang Nguyễn Duy Cần để lại số lượng tác phẩm đồ sộ, có ảnh hưởng quan trọng với nhiều thế hệ trẻ Việt Nam.

Thu Giang Nguyễn Duy Cần tên thật là Nguyễn Duy Cần (1907-1998), nguyên quán quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Cụ sống cùng thời với các học giả và nhà văn như: Nguyễn Hiến Lê, Giản Chi, Hoàng Xuân Việt, Phạm Cao Tùng... nhưng điều đặc biệt là cụ không có bằng cấp cao. Cụ chỉ tốt nghiệp bằng thành chung (học hết lớp 9, tương đương tốt nghiệp THCS hiện nay), nhưng nhờ được cha dạy dỗ cùng với công tự học mà trở thành GS của những trường ĐH danh tiếng thời bấy giờ như ĐH Vạn Hạnh, ĐH Văn khoa Sài Gòn, thành viên Ủy ban Điển chế văn tự, chủ bút Báo Tự Do. Năm 1935, cụ cho ra đời cuốn sách đầu tay: Duy tâm và duy vật. Ngoài ra, cụ còn là lương y danh tiếng, cả đời sống giản dị dù bản thân đảm nhận nhiều vị trí quan trọng, có sách bán rất chạy và liên tục được tái bản.

Các tác phẩm tiêu biểu của Thu Giang Nguyễn Duy Cần.
Các tác phẩm tiêu biểu của Thu Giang Nguyễn Duy Cần.

Bộ sách của tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần gồm 11 cuốn, trong đó nổi bật là các tác phẩm: Cái dũng của thánh nhân, Thuật xử thế của người xưa, Một nghệ thuật sống, Cái cười của thánh nhân, Thuật yêu đương, Óc sáng suốt, Tôi tự học... Từ cuối năm 2011, bộ sách này đã được NXB Trẻ chọn in lại, chỉ sau hơn một năm đã tiêu thụ gần 50.000 bản, trong đó có 6 tựa được tái bản đến hai lần.

Nhắc đến Thu Giang Nguyễn Duy Cần, không ít người thuộc những thế hệ trưởng thành tại miền Nam trước 1975 đều khẳng định: Thanh niên muốn lập thân không thể thiếu việc đọc sách học làm người, nhất là sách của cụ Nguyễn Duy Cần. Nếu đã đọc một cuốn thì chắc phải tìm đọc cả tủ sách Thu Giang Nguyễn Duy Cần, do NXB Khai Trí ấn hành… Trong tác phẩm của mình, Nguyễn Duy Cần chú ý đến mục đích đào tạo văn hóa và bản lĩnh ứng xử của con người. Cụ thường trình bày đan xen các ứng dụng vào cuộc sống của nền đạo học Phương Đông, chủ trương dùng nhu thắng cương, dùng trí hơn dùng sức… Điển hình, những tác phẩm như Cái dũng của thánh nhân, Thuật xử thế của người xưa... cũng là một cách để cụ có thể hướng dẫn cách giữ sự bình tĩnh phi thường cho từng cá nhân tránh bị ảnh hưởng xô đẩy của mọi luồng tư tưởng hỗn loạn. Mẫu người trong Cái dũng của thánh nhân là con người điềm đạm nhưng có đủ dũng khí và bản lĩnh đối diện với mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống.

Đặc biệt, hai tác phẩm chủ đề tự rèn luyện Óc sáng suốt và Tôi tự học của Nguyễn Duy Cần đầy ắp sẻ chia tâm huyết, cần thiết để lớp trẻ làm hành trang vào đời. Ở phần mở đầu cuốn sách Tôi tự học, cụ viết: “Tôi nhận thấy câu nói này của Bibbon rất đúng: “Mỗi người đều nhận được hai thứ giáo dục: một thứ do người khác truyền cho; một thứ, quan trọng hơn nhiều, do mình tự tạo lấy”. Đó là trường hợp của tôi. Và, như bác sĩ Gustave Le Bon đã nói, tôi cũng đã dùng phần thứ hai của đời mình để đả phá những ảo vọng, những sai lầm và những nếp suy tưởng hẹp hòi lạc hậu mà mình đã hấp thụ được trong khoảng đời thứ nhất của mình ở nhà trường”.

Viết về tình yêu nam nữ, Nguyễn Duy Cần đề cao sự giữ gìn và trân trọng, bao gồm cả những điều bổ ích mà giới trẻ ngày nay dường như đã phần nào quên lãng trong nhiễu nhương, bộn bề của cuộc sống hiện đại: “Lòng yêu vị tha của người đàn bà là một sự cần thiết cho giống nòi. Thiếu nó, nhân loại sẽ  không bao giờ tồn tại”; “Yêu có nghĩa là hy sinh và âu yếm. Hy sinh là yếu tố căn bản, nhưng nếu thiếu âu yếm thì tình yêu không đậm đà. Yêu mà thiếu âu yếm là một tình yêu còn thiếu sót lớn đối với người đàn bà. Còn âu yếm mà không có lòng hy sinh thật là một tình yêu giả dối”.

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển cho biết, năm 1966, ông từ miền quê Quảng Nam vào Sài Gòn học ĐH và may mắn được học cụ Cần. Cả thế hệ học trò tuổi ông đều gọi GS - thầy Nguyễn Duy Cần, Giản Chi là “cụ” với tấm lòng tôn kính. Những bài học sâu sắc nhưng được diễn đạt dễ hiểu về triết học phương Đông, nhân sinh, vũ trụ của cụ đã là những bài học cuộc đời hữu ích cho ông. Lương y Võ Phước Hưng, nguyên Phó Chủ tịch Hội Đông y Cần Thơ cũng nói rằng: “Chính những tư tưởng làm người trong tác phẩm Thu Giang Nguyễn Duy Cần đã giúp tôi định hình bản thân và có thể theo đuổi nghề nghiệp của mình”.

Theo gia đình cụ Nguyễn Duy Cần, sinh thời, cụ làm việc rất khoa học, mỗi ngày cụ dành ra 2 tiếng, từ 20-22 giờ để đọc sách, và trong suốt cuộc đời không bao giờ quên hoặc sai lạc thời khóa biểu đó. Có lẽ chất “lửa” từ đời sống thật của cụ truyền qua từng trang viết, mà sách của cụ vẫn xứng đáng là hành trang thân thiết, đồng hành cùng nhiều thế hệ trẻ bước vào đời hôm nay và cả mai sau.

TRẦN TRUNG SÁNG

;
.
.
.
.
.