.

Sen trắng thôn nữ

.

So với sen hồng hay sen vàng, hoa sen trắng trông bình dị hơn, tao nhã hơn, thuần khiết hơn, tôn nghiêm hơn, nhất là khi hình ảnh thiếu nữ bất ngờ xuất hiện bên sen trắng giữa khói sương đầm nước tạo nên không gian huyền bí và siêu thoát…

Sen trắng thôn nữ (ảnh trên) và sen trắng. 			Ảnh: Dương Quốc Định
Sen trắng thôn nữ (ảnh trên) và sen trắng. Ảnh: Dương Quốc Định

Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn

Bốn câu ca dao đầy ý vị ấy đã thuộc nằm lòng người Việt. Thuở ấu thơ, tôi cùng lũ trẻ làng cũng hay đọc vang bài ca ấy mỗi khi đứng trước đầm, bầu hay hồ nước dù ở đó không chỉ có sen mà còn có nhiều loại cây khác như bông súng, lục bình, rau muống… Đọc vang vì thấy thích, thấy bài ca viết đúng về sen, chứ không hề hiểu ý nghĩa sâu xa của “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” như người lớn giảng giải sau này.

Cũng từ thuở bé, tôi được nghe bà ngoại kể câu chuyện kỳ ảo về loài sen trắng. Một gia đình nông dân nọ sinh hạ cô con gái đẹp như tiên, vừa lớn lên thì được nhiều chàng trai dạm hỏi, muốn cưới cô về làm bạn trăm năm. Trong làng có một gã phú nông già nua dê cụ và gian ác cũng muốn ép lấy cô làm vợ lẽ. Bị thôn nữ cự tuyệt, gã phú nông đã tìm mọi mánh lới để gây tai họa cho cô và gia đình nhằm cướp cho được người đẹp. Quá uất ức, vào một đêm trăng, cô gái đã lặng lẽ đi về phía núi trong tuyệt vọng đớn đau và gieo mình xuống đầm nước tự vẫn. Từ đó dưới đầm đã mọc lên loài sen trắng rất đẹp mà dân làng cho rằng hồn thiêng thôn nữ trinh nguyên đã hóa kiếp thành loài hoa thanh sạch…

Bà ngoại tôi đã mất từ lâu. Tôi cũng xa quê phiêu bạt mấy mươi năm. Nhưng bài ca dao và câu chuyện kỳ ảo của bà ngoại về loài sen trắng vẫn luôn hiện diện trong tôi, đẹp và buồn thanh khiết.

Vốn được tôn vinh là biểu tượng cao quý và linh thiêng, từ xa xưa hoa sen đã được Phật giáo chọn làm Phật đài. Sen còn được xem là loài hoa duy nhất hội tụ đầy đủ ý nghĩa về âm dương ngũ hành và nhân sinh, tiêu biểu cho sức sống trường tồn mãnh liệt của dân tộc Việt…

Ngoài văn học, mà bài ca dao bất tử trên đây là điển hình, từ lâu hoa sen còn đi vào tác phẩm của nhiều bộ môn văn hóa nghệ thuật khác. Có những công trình kiến trúc đã lấy hoa sen làm nguồn cảm hứng để thiết kế, trang trí. Hoa sen cũng góp phần làm nên tên tuổi cho những danh họa như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sáng, Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Lương Xuân Nhị… cùng nhiều họa sĩ tài năng các thế hệ sau này. Và đặc biệt hoa sen trở thành đối tượng luôn được các nghệ sĩ nhiếp ảnh săn đón, từ những bậc tiền bối như Võ An Ninh, Phạm Văn Mùi, Vũ Cao Đàm, Đinh Đăng Định cho đến nhiều nhà nhiếp ảnh trẻ đương đại mà tiêu biểu là Dương Quốc Định.

Nổi tiếng về nghệ thuật ảnh nude nhưng Dương Quốc Định còn có bộ sưu tập ảnh về hoa rất độc đáo, trong đó có hoa sen, đặc biệt là sen trắng. Qua góc nhìn của người nghệ sĩ tài hoa, loài sen trắng hiện lên với vẻ đẹp thanh sạch, cao quý, kiêu sa từ thân, lá đến cánh, đài, nhuỵ hoa dù vẫn gắn mình với đầm hồ. So với sen hồng hay sen vàng, hoa sen trắng trông bình dị hơn, tao nhã hơn, thuần khiết hơn, tôn nghiêm hơn, nhất là khi hình ảnh thiếu nữ bất ngờ xuất hiện bên sen trắng giữa khói sương đầm nước tạo nên không gian huyền bí và siêu thoát.

Bức ảnh Sen trắng thôn nữ của nghệ sĩ Dương Quốc Định giúp tôi liên tưởng câu chuyện kỳ ảo ngày xưa bà ngoại kể. Cô thôn nữ xinh đẹp quyến rũ như tiên ấy dường như đang hiện diện ở đây, trước mắt tôi đêm nay, trong không gian ảo mờ hư thực đến “lạnh” người. Cái ác của gã phú nông đê hèn đã biến mất. Cái thiện cái đẹp tưởng chừng chôn sâu đáy bùn cùng số phận thôn nữ bất hạnh, nhưng vẫn tồn tại, vẫn lên tiếng trong tâm thức mỗi người và thăng hoa trong tâm hồn người nghệ sĩ.

Không cần trực diện trước đầm sen hay bình hoa sen, chỉ cần ngắm các bức ảnh nghệ thuật sen trắng lung linh và trắc ẩn này, tôi tin những tâm hồn đồng điệu cũng sẽ tìm được sự thư thái thanh tịnh cho mình.

PHAN HOÀNG

;
.
.
.
.
.