Một bức tranh của Việt Nam vừa được bán ở Hong Kong với giá khoảng 390.000 đô la Mỹ (hơn 8 tỷ đồng), là mức giá kỷ lục đối với họa sỹ Việt Nam, theo Bloomberg.
Bức tranh Người bán gạo |
Bức tranh lụa của họa sỹ Nguyễn Phan Chánh được đấu giá hôm thứ Bảy 25-5 tại Hong Kong, bởi một trong những nhà đấu giá danh tiếng nhất thế giới Christie’s International, nhưng trước khi đạt tới mức giá đó, bức tranh phải trải qua hành trình không mấy êm xuôi.
Tên tiếng Pháp của bức tranh là ‘La Marchand de Riz’ (Người bán gạo), bị một thực tập sinh của Christie’s ở trụ sở London đánh giá nhầm rằng đây là tranh của một nghệ sỹ Trung Quốc không ký tên.
Do lỗi trên, bức tranh lụa được vẽ năm 1932 này ước tính chỉ đáng giá chưa tới 80 đô la Mỹ.
Sau khi được gửi tới châu Á, các chuyên gia ở đây nhận ra chữ ký đằng sau tấm toan, và ước tính giá trị của nó lên tới ít nhất là 100.000 đô la Mỹ.
“Nguồn gốc của nó không thể lẫn vào đâu được,” ông Jean-Francois Hubert, cố vấn cấp cao về nghệ sỹ Việt Nam cho nhà đấu giá Christie’s nói.
“Tranh vẫn có khung gốc của nhà Gardin người Paris, chuyên làm khung tranh, và bức họa từng được triển lãm năm 1934 ở Napoli,” chuyên gia người Pháp giải thích thêm.
Người mua là một nhà môi giới tranh người Pháp sống ở Hong Kong, Pascal de Sarth. Ông nói sẽ treo tranh trong phòng ngủ của mình.
“Đây là một tác phẩm rất hiếm và bức tranh vẫn trong điều kiện tuyệt vời,” ông de Sarth nói, “tác phẩm đẹp thì không bao giờ là đắt cả”.
Giới nghệ thuật phương Tây ghi nhận, bức tranh của một nghệ sỹ Việt Nam được bán với giá cao nhất trước đây là của họa sỹ Lê Phổ với giá khoảng 373.000 đô la Mỹ, cũng trong một cuộc đấu giá ở Hong Kong.
Họa sỹ Nguyễn Phan Chánh được coi là danh họa tranh lụa và là một trong những người đầu tiên mang lại vinh quang hội họa cho Việt Nam trên thế giới.
Ông sinh năm 1892 ở Hà Tĩnh, sau làm thầy giáo ở Huế, rồi trở thành sinh viên khóa đầu tiên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cùng với họa sỹ Lê Phổ.
Tranh lụa của ông từng được trưng bày ở nhiều quốc gia từ những năm 1930, 1940 như ở Ý, Pháp, Nhật, nhưng phải sau cuộc triển lãm ở Paris, ông mới được giới nghệ thuật phương Tây đánh giá là một trong những người đặt nền móng cho tranh lụa hiện đại Việt Nam.
Theo BBC