.

Vùng đất mỹ thuật đầy tiềm năng

.

Hội thảo mỹ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên lần thứ nhất năm 2013 tập trung thảo luận những vấn đề chung của mỹ thuật Nam miền Trung và Tây Nguyên trong quá khứ, hiện tại và mỹ thuật Nam miền Trung - Tây Nguyên qua các thời kỳ cách mạng từ sau năm 1945 đến nay.

Tranh của Lưu Công Nhân.
Tranh của Lưu Công Nhân.

Hội thảo do Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bình Định tổ chức vào trung tuần tháng 4 vừa qua. Riêng với Quảng Nam - Đà Nẵng, hội thảo thu hút khá nhiều sự chú ý, bởi trước và sau Cách mạng Tháng Tám, đây là mảnh đất có không ít văn nghệ sĩ tài năng khẳng định sự đóng góp lớn lao vào kho tàng chung nền văn học - nghệ thuật của đất nước.

Một trong những tác giả đầu tiên được nhiều người nhớ nhất là Phạm Hầu, người gốc Điện Bàn, Quảng Nam, sinh năm 1920, từng học Trường Quốc học Huế và Trường Mỹ thuật Đông Dương. Ông là con của TS Phạm Liệu (1873-1937), làm quan đến chức Thượng thư Bộ binh và Tổng đốc Nghệ An dưới triều vua Thành Thái. Do mắc bệnh động kinh, ông điều trị tại nhà thương Vôi ở Bắc Giang một thời gian rồi được chuyển về quê nhà, nhưng khi tàu đến Đồng Hới (Quảng Bình) thì ông mất, hưởng dương 24 tuổi (ngày 3-1-1944). Theo Việt Nam thi nhân tiền chiến (quyển 2), ngoài sự nghiệp thi ca, hội họa, ông đã được tặng thưởng trong kỳ triển lãm hội họa tại Tokyo (Nhật Bản)…

Họa sĩ Hoàng Kiệt là con trai cụ Hoàng Kỵ, sinh ra trong gia đình Nho học tại làng Xuân Đài (nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Ông bác ruột (anh trai ông nội của ông) là nhà nho Hoàng Diệu (1832-1882) từng giữ chức Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội và Ninh Bình) vào năm 1880. Trong những lớp hội họa đầu tiên mở tại xưởng họa Liên khu 5, họa sĩ Hoàng Kiệt là một trong những người đã dìu dắt đào tạo nhiều họa sĩ và nhà điêu khắc trẻ, sau này ra miền Bắc có nhiều đóng góp cho nền mỹ thuật cả nước. Về sau, Hoàng Kiệt được giao trách nhiệm mang triển lãm mỹ thuật Việt Nam đi trưng bày ở các nước XHCN anh em. Ông ngã bệnh và qua đời tại Romania. Họa sĩ Hoàng Kiệt còn có những người anh em ruột nổi tiếng khác là GS Hoàng Tụy, GS Hoàng Phê và GS Hoàng Chúng.

Còn Nguyễn Tường Tam sinh năm 1906, mất ngày 7-7-1963. Ông là nhà văn, nhà báo với bút danh Nhất Linh, Tam Linh, Bảo Sơn, Lãng Du, Tân Việt, Đông Sơn (khi vẽ); và cũng là chính trị gia nổi tiếng của Việt Nam trong thế kỷ 20. Ông sinh ra tại phố huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Nguyên quán của ông là huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ở tuổi 20, Nhất Linh theo học hội họa ở Trường CĐ Mỹ thuật Hà Nội; và cũng như Van Gogh, ông đã xúc động trước cảnh nghèo khổ của nông dân. Gần đây, trong cuộc đấu giá tranh của nhà đấu giá Sotheby’s ở Hong Kong, xuất hiện một bức tranh cảnh phố chợ Ðông Dương do Nhất Linh vẽ khi ông còn lưu lạc ở Sài Gòn, thực hiện trong khoảng năm 1926-1929. Bức họa có giá khởi điểm 5.000 - 32.200 USD, và được Sotheby’s bán với giá 75.000 USD.

Tham luận của họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Đà Nẵng nêu rõ: “Sau năm 1954, trong thời kỳ đất nước bị chia cắt, tại miền Nam, hoạt động mỹ thuật chủ yếu ảnh hưởng các trào lưu, khuynh hướng: siêu thực, lập thể, dã thú, hiện thực… du nhập từ phương Tây. Tại Quảng Nam - Đà Nẵng, cụ thể là thành phố Đà Nẵng được xem là một trung tâm lớn để lại nhiều dấu ấn đáng kể, với sự đóng góp của nhiều họa sĩ như: Đỗ Toàn, Nguyễn Phan, Phan Chánh Nguyên, Ngọc Diệp, Hoàng Đăng Nhuận, Lâm Quang Phước, Đỗ Duy Tuấn, Cao Bá Minh, Lê Khắc Duyệt, Lê Văn Tài, Hồ Đắc Ngọc… Đồng thời, một số tác giả đất Quảng có nhiều hoạt động tại Sài Gòn như: Huỳnh Bá Thành (Ớt), Phạm Văn Hạng, Trần Hoài, Nguyên Hạo… Đặc biệt, thời điểm này tại Đà Nẵng cũng diễn ra nhiều cuộc triển lãm mỹ thuật gây tiếng vang lớn trong công chúng như: Tuần lễ văn hóa nghệ thuật (do nhà văn Duy Lam tổ chức), các triển lãm cá nhân của Đinh Cường, Tôn Thất Văn, Hoàng Đăng Nhuận… Trong khi đó, tại vùng chiến khu, thuộc chiến trường Quảng Đà, đội ngũ văn nghệ sĩ hùng hậu - ở lĩnh vực mỹ thuật, nhiều họa sĩ nổi tiếng đã lăn lộn giữa làn bom đạn, sống và sáng tạo không mệt mỏi, góp phần tạo nên mảng tranh kháng chiến độc đáo vô cùng giá trị, gồm các họa sĩ: Tô Ngọc Vân, Nguyễn Văn Tỵ, Lê Xuân Thành, Hoàng Kim, Phạm Hồng, Hà Xuân Phong, Giang Nguyên Thái, Nguyễn Đức Hạnh…”.

Theo họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng, nhìn lại Đà Nẵng, gần 20 năm trước, một số họa sĩ tiên phong trong việc tổ chức gallery để tiêu thụ tác phẩm của mình, từ đó có cơ sở để đi xa hơn. Trung tâm Văn hóa - Thông tin (80 Hùng Vương) là địa chỉ thường xuyên diễn ra nhiều cuộc triển lãm của nhóm hoặc cá nhân thu hút công chúng. Sau khi có sự thay đổi chức năng sử dụng đối với địa chỉ này, và nhất là sau thời điểm Đà Nẵng và Quảng Nam tách thành hai đơn vị hành chính độc lập, hầu như hoạt động hội họa diễn ra khá èo uột, chỉ có đôi phòng tranh của những người cao tuổi treo một cách gượng gạo, gò ép ở khách sạn Faifo, hoặc bày lạc lõng trước tiền sảnh Nhà hát Trưng Vương…

Hiện Đà Nẵng vẫn chưa có địa điểm nào dành riêng cho việc trưng bày, triển lãm tranh tượng của các họa sĩ đúng nghĩa. Tất cả vẫn đang tiện đâu treo đó, thích đâu bày đó. Vì vậy, những năm gần đây thiếu vắng triển lãm cá nhân cũng là điều tất yếu.

PHƯƠNG MAI

;
.
.
.
.
.