.

Bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, giai đoạn 2013-2015: Khó giải bài toán kinh phí

.

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng xung quanh Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc ở thành phố Đà Nẵng, giai đoạn 2013-2015, UBND thành phố ban hành cuối tháng 3-2013, ông Hồ Tấn Tuấn - Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản văn hóa thành phố - cho rằng khó khăn nhất khi thực hiện Đề án là vấn đề kinh phí để bảo tồn, gìn giữ giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn thành phố.

Đình làng Hưởng Phước (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) là một trong 3 di tích cấp thành phố được chọn trùng tu trong năm 2013, nhưng hiện kinh phí vẫn chưa được duyệt.                                  Ảnh: THANH TÂN
Đình làng Hưởng Phước (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) là một trong 3 di tích cấp thành phố được chọn trùng tu trong năm 2013, nhưng hiện kinh phí vẫn chưa được duyệt. Ảnh: THANH TÂN

* Đề án đã được UBND thành phố ban hành, hiện đã có lộ trình cụ thể để hoàn thành đúng kế hoạch chưa, thưa ông?  

- Đề án là căn cứ hết sức quan trọng để thực hiện công tác bảo tồn các di tích trên địa bàn đến năm 2015. Theo dự thảo lộ trình thực hiện Đề án.

Trong 3 năm 2013, 2014 và 2015, dự kiến mỗi năm sẽ trùng tu, tôn tạo một di tích cấp quốc gia và 3 di tích cấp thành phố căn cứ mức độ xuống cấp của di tích, theo hướng Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Bên cạnh đó, lộ trình Đề án cũng sẽ được xây dựng cụ thể để thực hiện công tác kiểm kê, đánh giá lại các di tích; tổ chức điền dã, nghiên cứu tổng thể di sản văn hóa khảo cổ trên địa bàn thành phố; nghiên cứu, giám định tài liệu, hiện vật gốc thuộc di tích để đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia…

Đối với di sản văn hóa phi vật thể, trọng tâm sẽ hoàn thành lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để trình Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Làng đá mỹ nghệ Non Nước, tuồng Quảng Nam-Đà Nẵng, lễ hội Cầu ngư.

* Những khó khăn, vướng mắc có thể gặp trong quá trình thực hiện mục tiêu Đề án? Đó có phải là vấn đề kinh phí, sự xuống cấp trầm trọng của di tích, khó phục dựng nguyên trạng ban đầu, hay thời gian hoàn thành Đề án quá gấp rút…?

- Thực tế Đề án đã được phê duyệt nhưng không được duyệt kèm theo kinh phí, thành phố yêu cầu báo cáo từng năm. Chúng tôi hiểu đó là cái khó của thành phố trong giai đoạn hiện nay. Đối với việc trùng tu, tôn tạo các di tích cấp quốc gia sẽ được thực hiện theo chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, với 100% kinh phí Trung ương, nên có thể nói tạm ổn. Cái khó ở đây là các di tích cấp thành phố. Theo kế hoạch, trong năm 2013 thực hiện trùng tu tôn tạo 3 di tích cấp thành phố bị xuống cấp nghiêm trọng là: đình Hưởng Phước (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang); đình Khuê Bắc (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn); miếu Hàm Trung (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) và lập hồ sơ trình Bộ VH-TT&DL đưa làng nghề Làng đá mỹ nghệ Non Nước vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhưng hiện tại kinh phí thực hiện Đề án trong năm 2013 vẫn chưa có.

Nếu bài toán kinh phí được giải, với chương trình mục tiêu đã được vạch định cụ thể theo từng năm thì Đề án hoàn toàn có thể được thực hiện đúng tiến độ, không có gì quá gấp rút.

* Các đình làng ở nhiều địa phương được trùng tu, phục dựng với kinh phí hàng tỷ đồng (do nhân dân tự đóng góp) nhưng chất lượng các công trình thì có rất nhiều vấn đề đáng bàn. Thành phố có ý gì về thực trạng này?

- Đó không phải là các di tích được Nhà nước quản lý theo Luật Di sản (vì chưa được xếp hạng), nên việc người dân làm như thế nào là quyền của họ, như cách người ta tự xây ngôi nhà của mình mà thôi. Về góc độ bảo tồn di sản văn hóa, chúng tôi rất khuyến khích. Đó cũng là cách nhớ về cội nguồn, nhớ về truyền thống. Có thể đâu đó các đình làng, miếu mạo được trùng tu còn theo cảm tính, chưa thật chuẩn xác với giá trị vốn có, nhưng đó là tấm lòng, người dân tự nguyện bỏ tiền của, công sức vì cái chung, vì cộng đồng. Lâu dần người ta sẽ tự rút kinh nghiệm, tự hoàn thiện.

Theo Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc ở thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2013-2015, ban hành ngày 20-3-2013, các di tích cấp quốc gia được chọn trùng tu, tôn tạo gồm: khu căn cứ cách mạng K.20 (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn); nhà thờ chư phái tộc Quá Giáng (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang); mộ Ông Ích Đường (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ). Đồng thời, tu sửa cấp thiết các di tích: địa điểm nhà Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê; Nghĩa trủng Hòa Vang; đình Nại Nam. Với các di tích cấp thành phố, sẽ tiếp tục trùng tu, tôn tạo 9 di tích bị xuống cấp theo thứ tự ưu tiên: đình Hưởng Phước (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang); đình Khuê Bắc (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn); miếu Hàm Trung (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu); đình An Ngãi Đông (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang); đình Đại La (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang); đình Phong Lệ Bắc (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ); đình Phú Hòa (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang); đình Thái Lai (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang); đình Trước Bàu (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang).

Về kinh phí cho hoạt động tu bổ, tôn tạo và tu sửa cấp thiết di tích được phân cấp cụ thể: đối với di tích cấp quốc gia được sử dụng 100% vốn ngân sách Trung ương (theo Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa). Với di tích cấp thành phố, sử dụng 80% vốn ngân sách thành phố, 20% vốn ngân sách quận, huyện và xã hội hóa.

* Xin cảm ơn ông!

THANH TÂN thực hiện

;
.
.
.
.
.