.

Ngôi nhà Thành nội và tuổi thơ của Bác

.

Nhiều người đến Ngôi nhà Thành nội 112 Mai Thúc Loan (bây giờ là 158 Mai Thúc Loan - nhà lưu niệm của Bác Hồ) đã rơi nước mắt về tuổi thơ đầy biến động của cậu bé Nguyễn Sinh Cung được lưu dấu nơi đây.

Ngôi nhà Thành nội, số 112 Mai Thúc Loan. 								     Ảnh: N.M.THUYÊN
Ngôi nhà Thành nội, số 112 Mai Thúc Loan. Ảnh: N.M.THUYÊN

Sinh thời Bác Hồ có hai lần đến Huế và trải qua thời niên thiếu hơn 10 năm ở cố đô, lần thứ nhất từ năm 1895-1901, lần thứ hai từ năm 1905-1909. Đây là thời thơ ấu gian khổ, bi thương nhưng cũng đầy sự kiện sôi nổi, góp phần không nhỏ hình thành nên nhân cách vĩ đại của Bác sau này.

Năm 1895, cậu bé Nguyễn Sinh Cung vừa tròn 5 tuổi cùng anh Nguyễn Sinh Khiêm theo mẹ vào Huế. Bà Hoàng Thị Loan lúc ấy mới 25 tuổi gánh con vượt đèo Ngang, vào nuôi chồng dùi mài kinh sử. Đầu tiên, ông Nguyễn Sinh Sắc cùng vợ con ở nhờ trong ngôi nhà trước Viện Đô Sát (nay là Trường Thuận Thành), sau đó mới thuê căn nhà 112 Mai Thúc Loan và cải tạo thành nơi cư trú của gia đình trong 5 năm (1895-1901). Đây là ngôi nhà gỗ rộng 3 gian, gồm 4 cột, kiến trúc theo kiểu nhà rường truyền thống của Huế; mái lợp ngói liệt, tường bao quanh bằng gạch vồ, mặt trước là hệ thống cửa bản khoa “thượng song, hạ đố”, nối với nhà chính là nhà bếp, vách trát đất, mái lợp tranh. Ngôi nhà nằm trong một tổng thể nhà - sân - vườn hoàn chỉnh.

Để có tiền giúp chồng khoa cử, nuôi con, bà Hoàng Thị Loan phải mang theo từ Nam Đàn vào chiếc xa quay, bộ khung cửi và tần tảo dệt vải kiếm tiền nuôi con, nuôi chồng ăn học. Đặc biệt, ngôi nhà này là nơi bà sinh người con thứ tư là Nguyễn Sinh Xin và cũng là nơi bà trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 33 vào ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý (tức ngày 10-2-1901), trong khi ông Nguyễn Sinh Sắc theo lệnh của triều đình đi coi thi ở Thanh Hóa chưa về. Ở nhà lúc đó chỉ có Nguyễn Sinh Cung mới 11 tuổi cùng đứa em nhỏ mới sinh. Mẹ mất, em khóc vì khát sữa trong sự thiếu thốn, trống vắng có lẽ là cảnh tượng bi thương nhất mà cậu bé 11 tuổi phải gánh chịu. Đám tang của bà Hoàng Thị Loan do bà con quyên góp, được tổ chức âm thầm giữa không khí náo nức đón Tết. Theo quy định của triều đình, trong thành không được khóc người chết, thi hài của bà không được qua cổng thành Đông Ba gần đó mà phải chuyển theo đường thủy qua cống Thanh Long ra ngoài thành, qua sông Gia Hội, lên an táng ở Núi Ngự.

Cảnh trong vở Hồ Chí Minh - Hồi ức màu đỏ do Nhà hát ca kịch Huế biểu diễn tại Đà Nẵng vào tháng 1-2010, trong đó đề cập thời niên thiếu của Bác Hồ.  	                                    Ảnh: TÚ PHƯƠNG
Cảnh trong vở Hồ Chí Minh - Hồi ức màu đỏ do Nhà hát ca kịch Huế biểu diễn tại Đà Nẵng vào tháng 1-2010, trong đó đề cập thời niên thiếu của Bác Hồ. Ảnh: TÚ PHƯƠNG

Sau khi bà Loan qua đời ít lâu, bé Nguyễn Sinh Xin ốm đau do thiếu sữa rồi cũng mất. Sau đám tang vợ một thời gian ngắn, ông Nguyễn Sinh Sắc đưa các con về quê, và đổi tên Nguyễn Sinh Khiêm thành Nguyễn Tất Đạt, còn Nguyễn Sinh Cung thành Nguyễn Tất Thành để chuẩn bị cho các con học hành thi cử sau này, vì chữ Khiêm là tên húy của vua Tự Đức.

Năm 1905, ông Nguyễn Sinh Sắc lại đưa các con vào Huế. Lần này, ông đỗ Phó bảng, được bổ làm quan nên được cấp một căn nhà trong dãy Trại lính ở đường Đông Ba (nay là 47 Mai Thúc Loan), rất gần với Ngôi nhà Thành nội. Lần thứ hai trở lại Huế, hai anh em Tất Đạt, Tất Thành học Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, năm 1908 chuyển lên học Trường Quốc học Huế.

Sau vụ tham gia biểu tình chống thuế năm 1908, đến năm 1909, Nguyễn Tất Thành bí mật rời khỏi Huế vào Nam, mở đầu cho hành trình tìm đường cứu nước.

Ngôi nhà Thành nội sau rất nhiều biến động của  lịch sử đã sang tên, đổi chủ nhiều lần và có nguy cơ rơi vào quên lãng. May sao, trong tác phẩm Đi từ giữa một mùa sen của nhà thơ Thanh Tịnh xuất bản từ năm 1970 mô tả rất chi tiết vị trí, khung cảnh ngôi nhà đặc biệt này.

“...Ăn nhờ ở đậu lân la
Mới thuê được một gian nhà hướng nam.
Xế hiên một gốc mai vàng
Trước sân bông bụt một hàng dậu thưa.
Bên này nhà chú thợ cưa
Bên kia nhà một viên thừa bộ binh.
Dãy nhà gian ngói bếp tranh
Chênh chênh nhìn phía cổng thành
                                                          Đông Ba...”

Lần theo những câu thơ này, nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân đã bỏ ra hàng năm trời nghiên cứu, tìm kiếm thông qua rất nhiều sử liệu, nhân chứng mới xác định được chính xác Ngôi nhà Thành nội trên đường Đông Ba xưa, nay đổi tên thành đường Mai Thúc Loan. Sự nỗ lực, kiên trì của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cuối cùng đã được đền đáp khi ngày 2-2-1993, ngôi nhà được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Từ đây, Ngôi nhà Thành nội trở thành nhà lưu niệm Bác Hồ, với rất nhiều hạng mục được tỉnh Thừa Thiên - Huế đầu tư kinh phí tôn tạo phục chế lại ngôi nhà, khuôn viên vườn, tái tạo lại toàn bộ nội thất xưa kia.

NGÔ MINH THUYÊN

;
.
.
.
.
.