.

Để văn hóa đọc không “chết”

.

Văn hào Đức Hermann Hesse từng nói: “Trong số nhiều thế giới mà con người được ban tặng, không phải từ thiên nhiên mà từ chính trí tuệ của mình, thì thế giới sách là vĩ đại nhất”. Tuy nhiên, sự bùng nổ của mạng xã hội và công cụ tìm kiếm trên Internet hiện nay đang làm cản trở văn hóa đọc.

Phần lớn bạn đọc đến với thư viện là học sinh, sinh viên.
Phần lớn bạn đọc đến với thư viện là học sinh, sinh viên.

Lượng độc giả suy giảm

Hiện nay trên địa bàn thành phố, Thư viện Khoa học Tổng hợp (KHTH) Đà Nẵng là nơi lưu trữ nhiều sách với nhiều lĩnh vực để phục vụ cho tất cả các đối tượng trong xã hội, từ người dân bình thường, học sinh, sinh viên (HSSV) cho đến cán bộ, công chức, giáo viên và các nhà nghiên cứu… Trong đó, lượng độc giả lớn nhất vẫn là HSSV. Chị Trần Đình Ý Thi, thủ thư Thư viện KHTH Đà Nẵng, cho biết: “Trung bình mỗi ngày, phòng bạn đọc có khoảng hơn 100 người đến đọc sách, trong đó chủ yếu là HSSV. Các đối tượng này đến mượn các loại sách tham khảo nhằm bồi dưỡng kiến thức hỗ trợ cho các môn học ở trường, chỉ một số ít nhà nghiên cứu đến tham khảo về các lĩnh vực liên quan đến địa lý, văn hóa…”.

Trong khi số lượng HSSV đến với thư viện không tăng bao nhiêu thì các đối tượng khác vẫn giữ mức độ bình thường và thậm chí có phần giảm sút hơn so với trước, chẳng hạn như cán bộ, công chức, nhà nghiên cứu… Theo Giám đốc Thư viện KHTH Đà Nẵng Hà Xuân Đào, nguyên nhân sụt giảm là do sự phát triển của công nghệ thông tin đã giúp họ có thể xem tin tức thời sự trên mạng Internet. So với số lượng hơn 20.000 đầu sách xuất bản trên toàn quốc mỗi năm, thì số lượng sách bổ sung vào thành phố khoảng 10.000 bản sách/năm (khoảng 3.000 tên sách), vẫn còn ít, có những tên sách thư viện không có kinh phí bổ sung. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế số lượng bạn đọc.

Để thu hút bạn đọc, trong thời gian qua, Thư viện KHTH Đà Nẵng đã tích cực tuyên truyền phổ biến thông tin về các loại sách, nhất là các sách, báo phục vụ cho nghiên cứu và học tập của HSSV; cố gắng bổ sung các loại sách phù hợp với chương trình giảng dạy của nhà trường. Ngoài ra, thư viện còn tổ chức các đợt trưng bày, giới thiệu sách theo các chuyên đề nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng của quốc gia và thành phố; giới thiệu sách mới bổ sung hằng tháng, hằng quý để giúp bạn đọc nắm các loại sách tư liệu của thư viện hiện có. Bên cạnh đó, tổ chức các buổi tọa đàm, giới thiệu tác giả, tác phẩm xuất bản mới; đồng thời tăng thời gian phục vụ vào ngày thứ 7; thực hiện giảm các phần chi phí cho bạn đọc, cụ thể như miễn giảm thu phí đối với một số đối tượng như cán bộ hưu trí, người tàn tật, các em thiếu nhi…

Cần quan tâm phát triển thư viện cơ sở

Theo Đề án Phát triển hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn thành phố, từ năm 2012-2015, phấn đấu đạt 0,6 bản sách/đầu người; từ năm 2015-2020, phấn đấu đạt 0,8 bản sách/đầu người. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là kinh phí bảo đảm bổ sung sách còn hạn chế nên việc thực hiện đề án khó có thể mang lại hiệu quả cao như mục tiêu đề ra. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc đẩy mạnh văn hóa về cơ sở cũng như phát triển văn hóa đọc trên địa bàn thành phố.

Hiện Thư viện KHTH Đà Nẵng có khoảng trên 250.000 bản sách, trong đó tên sách chiếm 1/3, mới đáp ứng khoảng 60-70% nhu cầu của bạn đọc. Tuy sách nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ thông tin mới vì một phần do kinh phí bổ sung còn thấp. Hằng năm, thành phố cấp khoảng 2,5 tỷ đồng cho thư viện, trong đó có khoảng 400 triệu đồng dành cho việc bổ sung sách và 200 loại báo, tạp chí. Trong khi hệ thống thư viện công cộng của thành phố chưa được đầu tư đúng mức, yếu về cơ sở vật chất, trang thiết bị lạc hậu, nguồn nhân lực thiếu, và đặc biệt là số lượng đầu sách, chất lượng sách còn nghèo nàn thì Thư viện KHTH Đà Nẵng vẫn còn sử dụng lại cơ sở vật chất cũ, kho chứa xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng được yêu cầu bảo quản…

Theo ông Hà Xuân Đào, để duy trì và phát triển văn hóa đọc, song song với việc xây dựng cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn của thư viện tỉnh, thư viện Trung ương, thành phố cần tạo điều kiện giải quyết kinh phí để thực hiện tốt đề án đã phê duyệt, đồng thời quan tâm phát triển hệ thống thư viện các quận, huyện, xã, phường và các vùng sâu, vùng xa để bạn đọc có nơi đọc sách, báo. Hiện thành phố mới chỉ có 3/8 quận, huyện có thư viện bố trí tại các Trung tâm Văn hóa-Thể thao hoặc Phòng Văn hóa-Thông tin (Hòa Vang, Cẩm Lệ và Sơn Trà) nên rất khó khăn để đưa văn hóa đọc về cơ sở. Hầu hết các thư viện đều ở trong tình trạng chật hẹp, nghèo nàn về đầu sách và không thu hút được bạn đọc. Trước đây ở các xã, phường cũng đã từng có thư viện đọc sách, báo nhưng do không có chế độ chính sách phù hợp cho cán bộ phục vụ công tác này nên hoạt động kém hiệu quả. Vì vậy, đối với cấp xã, phường, thành phố cần có chế độ chính sách phù hợp để giữ chân cán bộ làm công tác thư viện.

Bài và ảnh: ĐOÀN LƯƠNG
 

;
.
.
.
.
.