.

Sơn Vương - một đời văn kỳ lạ

.

Có nhiều nhận định trái ngược về cuộc đời nhà văn Sơn Vương, nhưng nhìn chung, dù ở góc cạnh nào, ông vẫn là một lăng kính phản ánh khá trung thực và đậm nét về khí phách can cường trọng nghĩa, yêu tự do, ý chí quật cường, hào sảng của người nông dân Nam Bộ.

Bộ sách về cuộc đời tác phẩm nhà văn Sơn Vương của Nguyễn Q. Thắng.      Ảnh: T.T.S
Bộ sách về cuộc đời tác phẩm nhà văn Sơn Vương của Nguyễn Q. Thắng. Ảnh: T.T.S

Trong lịch sử văn học Việt Nam, Sơn Vương là nhà văn có cuộc đời kỳ lạ nhất, bởi ông không chỉ được biết đến là một trong những cây bút cách tân đóng góp vào thời kỳ đầu văn xuôi hiện đại Nam Bộ, mà còn nổi danh là một tướng cướp trượng nghĩa và hào hoa, một người tù thế kỷ, với 34 năm ngồi tù, trong đó có 32 năm khổ sai ở Côn Đảo. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông từng trở thành Chủ tịch Ủy ban Hành chính Côn Đảo.

Đáng nói hơn hết, trong số hơn 30 tác phẩm của ông để lại, bao gồm nhiều trang viết phản ánh một giai đoạn xã hội quan trọng, mang màu sắc bình dân và nỗi cảm thông sâu sắc tầng lớp bần cùng, hồi ký Máu hòa nước mắt dài cả ngàn trang cung cấp thêm nhiều tư liệu quý giá về nhà tù Côn Đảo suốt hai thời Pháp thuộc và Mỹ - ngụy.

Nhà văn Sơn Vương tên thật là Trương Văn Thoại, sinh năm 1909 tại làng Bình Nghị (nay thuộc xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang). Năm 1925, Thoại bỏ làng, theo một lão sư mai danh ẩn tích học võ và học đạo tại các ngọn núi Thị Vải, núi ông Trịnh, núi Mây Tào vùng Long Hải, Bà Rịa. Sau khi sư phụ viên tịch, Thoại về Sài Gòn theo đuổi nghề cầm bút. Từ năm 1931, Thoại ở trọ trên căn gác gỗ của tiệm may Nam Chấn Hưng, số 2 Lefebre (nay là đường Hồ Tùng Mậu, quận 1). Ngoài sách vở, tài sản của ông chỉ có thêm một chiếc bao kiểu lính thủy bằng vải kaki. Ban ngày, trải bao bên lề đường, Thoại hành nghề bán sách. Đêm, chắp thêm hai đoạn dây, bao kaki trở thành chiếc võng nóp cho ông chợp mắt.

Một lần trên lề đường De la Some (Hàm Nghi), bên cạnh những thầy bói cùng các văn nhân, chủ báo đang ngồi trên những vuông chiếu chào mời khách, Trương Văn Thoại đặc biệt chú ý một người: ông Nguyễn An Ninh, chủ bút tờ La Cloche Fêlée (Tiếng chuông rè) kiêm thủ lĩnh đảng Thanh niên cao vọng, hơn Thoại 10 tuổi. Cảm phục ý chí và sự nghiệp của Nguyễn An Ninh, Thoại dần dần bước vào nghiệp cầm bút, trở thành cộng sự đắc lực của tờ La Cloche Fêlée và nhà cách mạng Nguyễn An Ninh. Theo chữ Hán, chữ “Thoại” được ghép bởi ba chữ Sơn, Vương và Nhi. Bút danh Sơn Vương có từ đó. Ngoài ra, Thoại còn ký tên khác là Trương Vạn Năng.

Chẳng bao lâu, tên tuổi Sơn Vương khá nổi trong nghề cầm bút. Những bài báo của ông thổi vào công luận dư âm lạ. Ngoài ra, ông còn viết tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình. Có thể xem Sơn Vương là người tiên phong có công trong việc cách tân nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Vẫn là tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình, nhưng tác phẩm của Sơn Vương đã có sự thay đổi tiến bộ lớn lao về mặt hình thức, đáng kể nhất là 3 cuốn: Luật rừng xanh, Chén cơm lạt Tướng cướp hào hoa.

Từ giữa năm 1933, tình cờ Sơn Vương gặp Nguyễn Phương Thảo - người sau này nổi danh với cái tên Trung tướng độc nhãn Nguyễn Bình - Tư lệnh các lực lượng quân sự Nam Bộ những năm đầu cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp (1945-1954). Nhà văn Nguyên Hùng, trong tập sách Nguyễn Bình, huyền thoại và sự thật (NXB Văn học 1995), cùng nhiều trang hồi ký của Sơn Vương đều có kể lại cuộc gặp gỡ này. Ngày 16-8-1933, Sơn Vương bị bắt. Tòa tiểu hình kết án Vương 5 năm khổ sai và đày ông ra Côn Đảo. Từ đó, Sơn Vương không còn gặp Nguyễn Phương Thảo nữa. Trong hồi ký Máu hòa nước mắt, ông viết: “Trước kia, hồi còn mang cái tên Nguyễn Phương Thảo chung sống với tôi ở đường Lefèbre, anh chưa chột mắt. Sau thời gian anh cầm đầu cuộc trường kỳ kháng chiến miền Nam, anh đã dốc hết khả năng để hoàn thành sứ mạng. Do đó, anh trở thành tướng lĩnh văn võ toàn tài mà hồi ấy người ta đã quen gọi là Trung tướng Nguyễn Bình. Nhưng tôi nào biết đấy là đâu? Vì trong khi anh đem thân bách chiến trừ giặc Pháp, thì tôi lại chôn chặt tuổi xanh trong cảnh tù đày…”.

Tính đến nay, bộ sách Sơn Vương - Nhà văn, người tù thế kỷ (NXB Văn học 2007) gồm hai tập, với 1.800 trang in, do nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng sưu tập, biên soạn, có thể được xem là công trình đầy đủ nhất giới thiệu thân thế, sự nghiệp, tác phẩm Sơn Vương. Sách bao gồm các tiểu thuyết, tự sự, hồi ký với hơn 30 tác phẩm lớn, nhỏ được nhà văn Sơn Vương viết và xuất bản từ năm 1928 tại Sài Gòn, cùng hai tập ký. Thứ nhất là Máu hòa nước mắt I: tóm lược các việc xảy ra ở Côn Đảo ngày 12-12-1945 đến ngày 18-4-1946 cùng các sở tù từ Sài Gòn, Hà Tiên, Phú Quốc, Bù Sặt (Campuchia), Côn Đảo, Chí Hòa. Tập thứ hai là Quần đảo Côn Sơn - Máu hòa nước mắt II: khảo về địa lý, sự tích, thắng cảnh, “địa ngục trần gian”. Đồng thời, cũng viết về một số tù nhân là các nhà yêu nước như Nguyễn An Ninh, Tôn Đức Thắng, Lê Hồng Phong, Trần Huy Liệu, Nguyễn Bình. Tất nhiên, thông qua đó tác giả tái hiện chính cuộc đời cay đắng, gian truân, nhục nhã mà lắm lúc quang vinh của người tù - nhà văn Sơn Vương.

Theo nhận xét của các nhà nghiên cứu, do từ nhỏ Sơn Vương đã rất mê tiểu thuyết trinh thám, nên những hình tượng anh hùng nổi loạn trong các tác phẩm của nhà văn này đã ảnh hưởng đến tư tưởng ông. Tuy nhiên, để có một đời văn bằng chính sự nhập vai như vậy, Sơn Vương đã phải trả giá  4 lần nhận án gồm 1 lần 5 năm, 1 lần 10 năm và hai án chung thân (32 năm). Tính tổng cộng, ông phải nhận mức án 79 năm tù. Mãi đến năm 1968, sau đúng 34 năm ngồi tù (từ năm 1933), Sơn Vương mới được ân xá. Nhờ trước đó, năm 1967, tờ báo Tin Sáng và báo chí đối lập ở Sài Gòn đã liên tục đăng bài điều tra về chế độ hà khắc, phát xít của nhà tù Côn Đảo. Cũng trong năm này, liên minh Thiệu - Kỳ đã đắc cử Tổng thống và Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Nhằm mị dân, Thiệu - Kỳ hứa sẽ tìm hiểu và cải thiện điều kiện sinh hoạt ở Côn Đảo. Đồng thời, biết Sơn Vương ngày xưa từng là nhân vật khá có tiếng tăm, đến thời điểm hiện tại không còn khả năng gây nguy hại cho bộ máy quyền lực Việt Nam Cộng hòa, Thiệu - Kỳ quyết định giải thoát cho Sơn Vương, hòng lấy lòng dân chúng. Ngày 18-11-1968, ông được phóng thích. Thiệu - Kỳ đã điều hẳn một chiếc trực thăng quân đội bay ra đảo đón ông về.

Lúc ấy, với báo giới, Sơn Vương vẫn còn là một tên tuổi huyền thoại chưa hề mờ nhạt. Lập tức, thiên phóng sự Sơn Vương - người tù thế kỷ được một số tờ báo mời mọc cho đăng feilleuton câu khách. Tuy nhiên, mức độ hấp dẫn công chúng chỉ diễn ra một thời gian ngắn. Bởi cuộc chiến tranh đang ngày một khốc liệt, mọi người dân phải lo đối mặt với nhiều việc khó khăn, chẳng còn mấy quan tâm một số phận Sơn Vương.

Từ đó, Sơn Vương lặng lẽ lui về sống ẩn dật ở ngôi nhà nhỏ trong con hẻm ngoằn ngoèo, nay là nhà số 137/52 Nguyễn Cư Trinh, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, mưu sinh bằng nghề bốc thuốc Nam gia truyền. Những năm cuối đời, ông sống khá lặng lẽ và cô độc. Thỉnh thoảng, có vài người khách, biết đến quá khứ của Sơn Vương, tìm đến thăm ông, thường nghe ông tỏ ý tiếc nuối, bởi thời trai trẻ dọc ngang không tìm gặp được con đường cách mạng, nên không đem được tài năng nhiệt huyết cống hiến cho dân tộc. Năm 1984, Sơn Vương trở lại quê nhà Gò Công và mất tại đó vào năm 1987.

TRẦN TRUNG SÁNG
 

;
.
.
.
.
.