.
10 NĂM ĐÀ NẴNG ĐÔ THỊ LOẠI 1 (15-7-2003 - 15-7-2013)

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng: Viên ngọc quý của nhân loại

.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng được xây dựng từ năm 1915. Tuy nhiên, phải đến 10 năm gần đây, cùng với sự phát triển của Đà Nẵng, bảo tàng mới ngày càng khẳng định vị thế là nơi lưu giữ và phát huy các di sản văn hóa độc đáo, không chỉ của Đà Nẵng, Việt Nam.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm luôn có sức hút đặc biệt đối với du khách trong và ngoài nước.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm luôn có sức hút đặc biệt đối với du khách trong và ngoài nước.

Thử thách trong môi trường quốc tế

Ông Võ Văn Thắng - Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng - cho biết, trong những năm 2003-2005, cùng với sự phát triển của du lịch-văn hóa, Bảo tàng Điêu khắc Chăm khi ấy được thành phố đặc biệt quan tâm do được đặt trong môi trường quốc tế, trong xu thế hội nhập.

Được sự đồng ý của thành phố, năm 2003, Bảo tàng Dân tộc học Vienna (Áo) và Bảo tàng lịch sử Nghệ thuật Hoàng Gia (Bỉ) đã chọn hai tác phẩm: tượng Bồ tát Tara (có niên đại khoảng thế kỷ IX - X) và tượng Nam thần An Mỹ (có niên đại ở thế kỷ VIII) của Bảo tàng Điêu khắc Chăm để tham gia triển lãm “Việt Nam - Quá khứ và hiện tại” trong các năm 2003, 2004. Đặc biệt, Tổng thống Pháp Jacques Chirac đã gợi ý để năm 2005, một triển lãm độc lập về nghệ thuật điêu khắc Chămpa mang tầm cỡ quốc tế đã diễn ra tại Paris trên cơ sở phối hợp giữa hai Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng) và Bảo tàng Nghệ thuật châu Á Guimet (Paris). Triển lãm đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với giới thưởng ngoạn nghệ thuật thế giới.

Một sự kiện đặc biệt đối với Bảo tàng Điêu khắc Chăm khi ngày 1-1-2008, UBND thành phố Đà Nẵng có quyết định thành lập Bảo tàng Điêu khắc Chăm, độc lập với Bảo tàng Đà Nẵng. Vậy là hơn 30 năm sau ngày đất nước được giải phóng, lúc bấy giờ Bảo tàng Điêu khắc Chăm mới có chỗ đứng của riêng mình.
Từ đây, công cuộc đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất cho Bảo tàng có nhiều chuyển biến tích cực. Đáng kể nhất là năm 2009, Bảo tàng khai trương hai phòng trưng bày mới là phòng Mỹ Sơn và phòng Đồng Dương có giá trị tôn vinh thêm những giá trị của kho báu hiện vật liên quan đến hai di tích Mỹ Sơn và Đồng Dương tại Quảng Nam-Đà Nẵng.

Hai phòng trưng bày này được cải tạo và thiết kế hài hòa với kiến trúc nguyên gốc của bảo tàng trước đây cũng như có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cán bộ bảo tàng Việt Nam với các chuyên gia chuyên về thiết kế trưng bày, đồ họa, ánh sáng của Pháp từ Bảo tàng Nghệ thuật châu Á Guimet và Trường Viễn Đông Bác Cổ. Phần lớn trong số gần 50 hiện vật quý trưng bày tại hai phòng Mỹ Sơn và Đồng Dương đều được phục chế, giới thiệu theo thiết kế trưng bày mới, có sử dụng kỹ thuật bảo tàng học hiện đại.

Khẳng định giá trị “viên ngọc quý”

Là một trong 3 bảo tàng hình thành sớm nhất Việt Nam, với sự giúp đỡ của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO) tại Hà Nội, Bảo tàng Điêu khắc Chăm từ lâu được coi là một trong những bảo tàng nghệ thuật điêu khắc nổi tiếng thế giới. Đó là “viên ngọc quý” không của riêng Việt Nam.

Bảo tàng hiện có 1.800 hiện vật lớn nhỏ, với gần 500 hiện vật đang trưng bày, số còn lại được bảo quản trong kho. Hầu hết những tác phẩm sử dụng chất liệu sa thạch, có niên đại từ thế kỷ VII-XV, thể hiện sự giao lưu văn hóa, sự phát triển của các quốc gia phương Đông thời Trung cổ, minh chứng cho đỉnh cao của nền văn minh Chămpa.

Với nỗ lực đưa bảo tàng gần hơn với công chúng, những năm qua, ngoài các trưng bày thường xuyên, Bảo tàng Điêu khắc Chăm còn được bạn bè trong và ngoài nước biết đến bởi các triển lãm, trưng bày chuyên đề, các hội thảo khoa học, khai quật khảo cổ, xuất bản sách… Đặc biệt vừa qua, với triển lãm “Di sản chung của chúng ta”, Bảo tàng Điêu khắc Chăm được UNESCO đánh dấu là một bảo tàng trong hệ thống các bảo tàng của Di sản văn hóa thế giới tại 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia.

Năm 2011, Bộ VH-TT&DL công nhận Bảo tàng Điêu khắc Chăm là Bảo tàng hạng I cấp quốc gia, bảo tàng có 3 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia trong đợt đầu tiên, được xếp vào nhóm những bảo tàng thu hút khách du lịch đông đảo nhất cả nước...

Theo thống kê, mỗi năm, bảo tàng đón hơn 200.000 lượt khách; riêng 6 tháng đầu năm nay, số lượng khách tăng 7% so với cùng kỳ. Trong cuộc suy thoái kinh tế, trong sự cạnh tranh quyết liệt của các sản phẩm du lịch, những con số này một lần nữa khẳng định sức hút của Bảo tàng chuyên đề độc đáo này của thành phố Đà Nẵng.

Bài và ảnh: THANH TÂN

;
.
.
.
.
.