.
Cafe sáng

Những khung cửa rộng

.

Nhà tôi nằm ở lưng đồi, khung cửa luôn mở rộng nhìn hướng Đông Nam đón ánh mặt trời. Xưa xây căn nhà năm gian lợp ngói, ông nội tôi bảo ngôi nhà quan trọng nhất là khung cửa. Nó như một đôi mắt ngắm cả thế gian.

Mẹ tôi năm nào giáp Tết cũng lau từng tấm chớp cửa, sơn lại màu xanh dương. Mẹ tôi nói, mình sơn lại cửa nhà giống như mình mặc thêm một chiếc áo đẹp. Cánh cửa nhà có thể cũ, nhưng không bao giờ được để hư hay bản lề sập xuống. Ngôi nhà có đẹp, gia chủ của nả có nhiều, mà những cánh cửa xập xệ, ấy là dấu hiệu của một sự suy tàn…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tôi đã quen với những khung cửa rộng mở ra mỗi ban mai trên những triền đồi. Quê nhà dù có nghèo khó nhưng những khung cửa vẫn luôn được làm cẩn thận, như một giá trị của ngôi nhà, chứ không đơn giản là chỗ để chui ra chui vào. Cạnh nhà tôi có một bà hàng xóm sáng chiều hay qua, ngồi phệt dưới hiên nhà, ăn trầu và nói chuyện. Lúc nào bà cũng nói, đúng là nhà cao cửa rộng, ngồi mát cả cỗ lòng. Ngày nhỏ tôi ghét bà, vì bà hay nhổ cốt trầu tì toẹt quanh sân. Nhưng sau lớn hơn, thấy bà và những câu chuyện của bà như một phần kỷ niệm thơ ấu. Bà thường nói, sở dĩ ngày xưa không có được những cái cửa rộng vì người ta sợ thú dữ tấn công. Nhà tranh mái lá, lại làm cửa rộng thì sẽ dễ bị phá. Chỉ những người giàu có, làm nhà gỗ lớn, khung cửa được xẻ từ thân lim táu sến, từng miếng vững chãi, rồi ghép lại mới mong có được một khuôn to. Nhà cao cửa rộng là chuyện của sự sung túc. Mẹ tôi đã làm lụng cả đời vất vả vì bốn chữ “nhà cao cửa rộng”. Với mẹ, đó là niềm tự hào, cho dù điều đó đã cướp đi cả thời thanh xuân và hao tàn sức lực. Thế nên, mỗi mùa xuân về, mẹ tôi thường ngắm nhìn lại những khung cửa mới sơn màu xanh và cười. Nụ cười của mẹ năm nay nếp nhăn đã ngập tràn như đường mây cuối chân trời. Nhưng những khung cửa màu xanh vẫn lưng chừng đồi, bất biến. Nó là đôi mắt của không gian…

Tôi sống ở Sài Gòn 4 năm. Sài Gòn vốn được coi là xứ trên bến dưới thuyền, người xe mắc cửi. Những tòa nhà cao tầng mọc lên như những ngọn bút chì. Những khung cửa vì thế mà cũng rộng ra nhiều, người ta dành để trưng bày như một điểm nhấn. Người Sài Gòn ở chung cư, khung cửa thường nhỏ xíu, lại đối diện với nhà hàng xóm. Thế nên, “đôi mắt” đã trở nên khiêm nhường. Điều đó làm tôi luôn nhớ tới những khung cửa của mẹ mình, luôn rộng mở.

Tôi ở một chung cư nhỏ, cửa nhà không đủ rộng để luôn mở đón gió sông. Khi tôi mua, nó có một cánh cửa bằng sắt mở ra ban-công. Từ ban-công này có thể nhìn thấy khu trung tâm Sài Gòn về đêm và toàn bộ vùng tân cảng. Tôi chợt nghĩ, đây chính là chỗ để mình có thể tạo ra một khung cửa, như một đôi mắt khác, mỗi khi đi về. Những ngày này, tôi có ý định phá bỏ khung cửa sắt nặng nề và toàn phần bê-tông nhìn ra ban-công và thay vào đó là những tấm cửa gỗ. Tôi sơn màu xanh dương như màu xanh trong khung cửa của mẹ. Mỗi đêm về tôi có thể mở rộng khung cửa, nhìn ra ban-công ngập những chiếc lá xanh. Và ở đó, Sài Gòn đã mang một màu sắc khác, không còn mỏi mệt và chật hẹp...

Khi bạn ngập ngừng gõ cửa một ngôi nhà, cũng giống như khi bạn ngập ngừng đánh động vào tâm hồn của một người khác. Mỗi chúng ta đều sống đâu đó, trong những ngôi nhà. Và cánh cửa là nơi mở ra những khoảng trời. Mỗi ngôi nhà sẽ có một khoảng trời riêng trước mặt. Cánh cửa càng rộng, thì khoảng trời ấy sẽ thênh thang hơn…

Nếu bạn yêu tự do, thì bạn sẽ yêu những khung cửa rộng…

TOÀN NGUYÊN

;
.
.
.
.
.