Đi chơi đâu vào ngày thứ 7, chủ nhật vẫn là câu hỏi được đặt ra với nhiều người dân và khách du lịch tại Đà Nẵng.
Những năm gần đây, Đà Nẵng đã xây dựng một số loại hình văn hóa - giải trí cuối tuần mới như nghe hát tuồng ở Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Âm nhạc đường phố trên vỉa hè đường Bạch Đằng, thêm một số khu vui chơi cho trẻ em tại các siêu thị, trung tâm mua sắm… Tuy nhiên, bấy nhiêu chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của người dân và du khách, với đô thị loại 1 như Đà Nẵng.
Âm nhạc đường phố cần sự đầu tư nhiều hơn nữa để tạo ấn tượng mạnh và sự thu hút lâu dài đối với người dân và du khách. |
Mới, vẫn chưa đủ
Sáng kề cà cà-phê, chiều lai rai quán nhậu…, đó vẫn là những cách nghỉ ngơi, thư giãn được nhiều người bình dân ở Đà Nẵng lựa chọn vào những ngày cuối tuần. Không ít chủ khách sạn cho biết họ thật sự lúng túng khi khách muốn gợi ý những địa điểm giải trí cuối tuần lý thú, đáng đến tại Đà Nẵng, bởi họ không biết nói gì ngoài rạp chiếu phim, một số quán cà-phê tên tuổi, siêu thị…
Tuồng hay chương trình Âm nhạc đường phố tuy là hoạt động giải trí mới, nhưng tuồng kén khách, đặc biệt người trẻ. Âm nhạc đường phố đáp ứng một phần nhu cầu của người thưởng thức ở các lứa tuổi, nhưng nội dung chương trình vẫn chưa thật sự đặc sắc, lôi cuốn, chưa đủ để lại ấn tượng mạnh đối với người dân và du khách.
Theo họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Đà Nẵng, ở Đà Nẵng hiện nay tuy xuất hiện thêm một số loại hình giải trí mới nhưng lại đánh mất những không gian văn hóa rất đẹp trước đây. Đó là khi cả thành phố háo hức đi xem triển lãm tranh mỗi dịp cuối tuần, nhà nhà đưa nhau đến trung tâm văn hóa thành phố để trẻ được nô đùa, già được thảnh thơi.
Thiếu sân chơi cho trẻ
Ở Đà Nẵng, người lớn tìm nơi giải trí, vui chơi dịp cuối tuần hay các ngày nghỉ đã khó, với trẻ em - đối tượng có nhu cầu lớn hơn gấp nhiều lần lại càng khó hơn. Các em không biết làm gì ngoài xem hoạt hình, đọc truyện tranh một mình tại nhà. Một số trẻ có điều kiện hơn thì được cha mẹ đưa đến các khu vui chơi, nhưng các khu vui chơi này thường được đặt trong không gian rất hẹp tại các siêu thị, trung tâm mua sắm - nơi người ta đến để mua sắm chứ không phải là nơi vui chơi dành cho trẻ. Tuyệt nhiên, các em không hề được tiếp xúc với kịch, dân ca hay những loại hình văn hóa nghệ thuật giàu giá trị nhân văn khác.
Đối với thanh-thiếu niên, những sân chơi cộng đồng, lành mạnh dường như ngày càng bị thu hẹp, thay vào đó là những hoạt động nhỏ lẻ, tản mác, ngẫu hứng, khó kiểm soát.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Bình - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng đề xuất, cần phải quy hoạch và xây dựng các chính sách thu hút đầu tư phát triển các khu vui chơi giải trí cả ngoài trời lẫn trong nhà; xã hội hóa các hoạt động vui chơi giải trí cuối tuần, chú trọng các hoạt động thu hút sự tham gia thật sự của người dân và du khách; phát huy tối đa các thiết chế văn hóa, sân chơi cộng đồng tại các khu dân cư...
Một lãnh đạo của Sở VH-TT&DL cho rằng, Đà Nẵng có Nhà hát Trưng Vương, Cung Thể thao Tiên Sơn, Nhà biểu diễn đa năng… hoành tráng, trở thành địa chỉ lý tưởng cho các sự kiện văn hóa, lễ hội tầm quốc gia, các show giải trí đến từ các nghệ sĩ nổi tiếng. Nhưng đó đều là những chương trình không dành cho đại chúng. Và ông luôn ao ước Đà Nẵng có nhiều hơn những sân khấu đơn sơ, gần gũi mỗi dịp cuối tuần để tất cả mọi người dân, không phân biệt giàu nghèo có thể đến xem kịch, xem hát và vui chơi…
Bài và ảnh: THANH TÂN