Một nữ sinh ở Đà Nẵng suy sụp đến bỏ ăn, một em khác uống thuốc tự tử và nhiều em bị ảnh hưởng tâm lý… chỉ vì một trang facebook đăng những lời lẽ thóa mạ không đúng sự thật. Điều này đặt ra câu hỏi sử dụng facebook lợi hay hại?
Nếu chỉ dừng ở mục đích kết nối, giao lưu, facebook là kênh thông tin hiệu quả. |
“Con sợ facebook!”
Đến giờ, dù đã được cứu sau khi uống một vốc thuốc an thần tự mua ở quầy thuốc tây, nhưng em P.U.N (học sinh Trường THPT Trần Phú) vẫn chưa ổn định về tâm lý. Trước đó, trang facebook “Bộ mặt thật của các hot teen Đà thành” đăng bài với nhiều lời lẽ không hay về em N. như: có con khi đang học, đi học kênh kiệu, chảnh chọe, không hòa đồng..., mà theo gia đình là “xúc phạm, xuyên tạc, ảnh hưởng danh dự” của em. Quá bức xúc, N. đã hành động nông nổi dẫn đến phải vào bệnh viện cấp cứu. “Tác động của trang mạng này thật ghê gớm. Vì nó mà suýt chút nữa con tôi không còn trên cõi đời”, bà Ch. - mẹ em N. nói. Tuy nhiên, theo bà Ch., đây là cú sốc tâm lý đối với N., tác động, ảnh hưởng nặng nề đến em lâu dài.
Đến giờ, mỗi khi thấy chiếc máy tính, N. lại sợ hãi níu lấy mẹ. “Con sợ facebook!”, đó là nỗi niềm không chỉ của N. mà còn của T. (21 tuổi, ở quận Thanh Khê). Trên trang này, T. bị nói là “thiếu tiền và mang xe điện của mình đi cầm cố nhưng về nói dối bị mất cắp, bỏ nhà theo trai…”. Theo T., sự việc chỉ đơn giản, em bị mất cắp xe nên trình báo công an, ai ngờ có người thù vặt… Điều đáng nói là người viết ra những dòng đó ẩn danh nhưng hàng loạt nickname khác cũng nhảy vào “đánh hội đồng”. Và kết quả, T. bị sốc nặng.
Công an phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) cho biết, đơn vị cũng đã tiếp nhận một số trường hợp gia đình báo tin con cái mất tích do bị bạn bè trên facebook rủ rê. Điều đó cho thấy hệ lụy mà facebook mang lại ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cả về tinh thần lẫn thể xác của nhiều đối tượng, hầu hết là ở độ tuổi còn trẻ, bồng bột và dễ bị kích động.
Facebook có xấu?
Ở Việt Nam, khoảng 5 năm trở lại đây, việc sử dụng facebook đã trở thành trào lưu nhằm chia sẻ, kết nối bạn bè. Theo TS Võ Văn Chi (28 tuổi, cán bộ Ban quản lý Khu công nghệ cao Đà Nẵng), tham gia cộng đồng mạng, mỗi người có thể kết nối, làm bạn với nhiều người ở khắp mọi nơi. “Ở đó, bạn có thể chia sẻ, bày tỏ những quan điểm cá nhân một cách thoải mái. Vào facebook sau những giờ làm việc căng thẳng, tôi thấy giảm stress, giảm áp lực công việc”, TS Chi cho biết. Tuy nhiên, theo anh Chi, việc sa đà vào facebook làm tiêu tốn thời gian và sức khỏe. Hơn nữa, dùng facebook để ẩn danh nói xấu, thóa mạ, “ném đá” lẫn nhau vì thù oán cá nhân là hành vi không thể chấp nhận được và cần bị lên án. “Bản thân facebook không xấu, nhưng người sử dụng nó đã lợi dụng cho những mục đích xấu. Tự do là tốt nhưng phải trong khuôn khổ, quy định của pháp luật, nhưng thực tế hiện nay, việc không kiểm soát được facebook gây hệ lụy vô cùng lớn, nhất là khi các đối tượng xấu lợi dụng để tuyên truyền xuyên tạc”, TS Chi nói.
Theo chị Phạm Thị Hương (24 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng), bạn trẻ cần tự trang bị cho mình vốn văn hóa cần thiết, biết ứng xử, “dị ứng” với cái xấu để có lập trường rõ ràng, không bị cuốn vào tâm lý đám đông, hùa theo cái xấu.
Bài và ảnh: K.NGÂN