Văn Nguyễn Thi không phải là văn đa nghĩa, vậy mà vẫn khiến người sành văn đọc hoài. Ông hy sinh trong cuộc tổng tấn công Mậu Thân 1968. Năm 2011, ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
“Những mối tình bằng nước mắt Có bao giờ phai nhạt em ơi! Hái tất cả mùa xuân trên mặt đất Anh làm thơ yêu tặng một con người” NGUYỄN THI |
Nguyễn Thi (tên khai sinh là Nguyễn Hoàng Ca, bút danh khác là Nguyễn Ngọc Tấn) tiêu biểu cho lớp nhà văn trưởng thành từ người lính. Nguyễn Ngọc Tấn học hành dang dở, phải lao vào kiếm sống từ rất sớm. Ông có năng khiếu văn nghệ, biết đàn sáo, sáng tác thơ. Vào bộ đội, ông trưởng thành rất nhanh, là đại đội trưởng đơn vị chủ công của miền Đông Nam Bộ. Ông làm thơ, những bài thơ đầu tay tập hợp thành tập Hương đồng nội - những vần thơ mộc mạc, chân chất cảm xúc về đất nước và tình đồng đội. Sau đó, ông được cử làm đội trưởng văn công Sư đoàn 330, tự sáng tác kịch và nhập vai biểu diễn.
Tập kết ra Bắc, Nguyễn Ngọc Tấn được điều về Tổng cục Chính trị và là thành viên thành lập Tạp chí Văn nghệ quân đội. Sống trong môi trường văn học phong phú ấy, ông sáng tác văn xuôi với tập truyện ngắn Trăng sáng ra đời, được đồng nghiệp và bạn đọc đón nhận. Sau đó, ông ra mắt Đôi bạn, cũng vẫn giọng văn trầm lắng, giàu chất thơ, gửi gắm nỗi buồn riêng tư trong nỗi đau lớn khi đất nước cắt chia. Sau khi ông vào chiến trường, bạn bè ở Văn nghệ quân đội tập hợp thành tập Trăng sáng và đôi bạn, được dư luận đánh giá rất cao, nhà phê bình Nhị Ca còn có một bài nghiên cứu rất kỹ về nghệ thuật truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tấn.
Cho tới khi trở lại miền Nam, ngay trên đường Trường Sơn, lúc ấy chưa thành đường, phải len lỏi qua những lối nhỏ, gian khổ, thiếu thốn không thể kể xiết, cùng với những đoàn quân vượt rừng, băng thác, trèo đèo, Nguyễn Ngọc Tấn bắt đầu một bước ngoặt lớn: những nỗi buồn riêng được thanh tẩy. Và khi ông vào Nam Bộ, đến với bộ đội tuyến trước, xuống tận làng ấp chứng kiến cuộc chiến đấu tự vệ của nhân dân, với bút danh mới Nguyễn Thi, hiện thực của chiến đấu, những nhân vật trưởng thành từ cuộc chiến đấu mới được chuyển tải, khiến các tác phẩm Mùa Xuân, Chuyện xóm tôi, Những đứa con trong gia đình… vạm vỡ cả hình thức lẫn nội dung. Trong truyện ngắn Nguyễn Thi, cũng như phần lớn truyện ngắn thời bấy giờ, người viết coi trọng cốt truyện, tính cách nhân vật ít biến động, ý nghĩa ở ngay từ câu chuyện. Tại Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn miền, Nguyễn Thi gặp nữ du kích Nguyễn Thị Út từ xã Tam Ngãi, Trà Vinh tới, gọi theo Nam Bộ là Út Tịch, và tập truyện ký Người mẹ cầm súng ra đời, có tiếng vang rộng khắp, không chỉ ở miền Nam mà cả miền Bắc. Tư tưởng của tập truyện ký giản dị, với người mẹ chức năng chính là lao động, sản xuất, nuôi dạy con, nhưng khi kẻ thù xâm lược và bè lũ tay sai mọc lên như nấm độc, người mẹ buộc phải cầm súng để tự vệ và giải phóng làng nước. Thành công lớn của Nguyễn Thi là nhờ tài năng, cộng với cảm hứng về cuộc kháng chiến, về nhân dân đã cho tác giả viết những đoạn văn xuất thần. Đấy là những trang viết về tuổi thơ, về chuyện vừa đánh giặc, có khi phải làm mướn vì ruộng đất gia đình khai khẩn đến đâu bị vợ chồng Hàm Giỏi - tên địa chủ gian ác khét tiếng trong vùng, chiếm hết. Nguyễn Thi đã dựng nên một tượng đài người mẹ Việt Nam bằng văn học trong chiến tranh.
Trong nhiều ký sự, bút ký, truyện ký dài thời kháng chiến chống Mỹ, ít nhất hai cuốn vẫn nguyên giá trị là Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi và Tháng ba ở Tây Nguyên của Nguyễn Khải. Các cuốn ký cũng có giá trị nhất định, nhưng hầu hết không trọn vẹn vì tác giả quá lệ thuộc vào hiện thực thô, nguyên mẫu thực, nên chất báo lấn chất văn, thiếu chất cá tính sáng tạo của tác giả từ nguyên mẫu đến văn học. Người mẹ cầm súng viết về đội nữ du kích, trong đó tiêu biểu chị Út Tịch ở một làng ấp hẻo lánh; Tháng ba ở Tây Nguyên viết về một chiến dịch lớn, cấp quân đoàn, và lý giải sự thất bại của quân xâm lược Mỹ cùng đội quân đánh thuê. Văn Nguyễn Thi giàu chất dân gian; văn Nguyễn Khải tuy biền ngẫu, nhưng lôi cuốn, bình luận sắc sảo, mang đậm chính luận.
Bìa sách Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi. |
Sống ở chiến trường, Nguyễn Thi nhận nhiệm vụ sáng tác và tham gia làm Tạp chí Văn nghệ quân giải phóng, mỗi tháng một kỳ, bài vở chính do các nhà văn quân giải phóng và đội ngũ đông đảo cây bút ở các quân khu, đơn vị chủ lực viết. Thời ấy, thanh niên ưu tú, trong đó có rất nhiều sinh viên đại học cầm súng, cảm hứng về tình yêu Tổ quốc dồi dào, nên hầu như trung đoàn, sư đoàn, quân khu nào cũng có các cây bút viết văn, làm thơ.
Nguyễn Thi luôn bám sát những trận đánh then chốt, những chiến dịch lớn, và ông chọn cho mình vùng quê sáng tác miền Tây Nam Bộ, chủ yếu là Trà Vinh và Vĩnh Long. Đến bây giờ, nhiều người vẫn tự hỏi, phần lớn thời gian Nguyễn Thi sống ở miền Đông nhưng sao sáng tác lại hướng về miền Tây. Khi nói đến đặc điểm văn hóa và con người Nam Bộ thì phải nói tới miền Tây, cuộc chiến đấu ở miệt vườn ở vùng sông nước có những hấp dẫn riêng. Nguyễn Thi lại chọn cho mình phong cách ngôn ngữ rất Nam Bộ, từ lời ăn tiếng nói của nhân vật đến ngôn ngữ dẫn chuyện đều rất Nam Bộ. Các ký sự Sen trong đồng, Cô gái đất dừa, Ước mơ của đất, hay tập ghi chép Những sự tích đất thép - mảnh đất anh hùng Phạm Văn Cội chiến đấu - là sự chuẩn bị cho tác phẩm lớn.
Sau ngày giải phóng, Tổng cục Chính trị, Tạp chí Văn nghệ quân đội và gia đình ra sức tìm kiếm phần mộ Nguyễn Thi, nhưng từ năm 1968-1975, các chiến sĩ của đơn vị ấy chỉ còn lại ít người, họ cũng chỉ nghe người trước kể lại rằng trong chiến dịch Mậu Thân có nhà văn Nguyễn Thi đi cùng đơn vị, cầm súng chiến đấu và đã hy sinh quả cảm. Những thông tin ít ỏi ấy chưa đủ để tìm mộ nhà văn. Bây giờ, vùng đất Nguyễn Thi nằm lại đã thành phố xá sầm uất, những tòa nhà hàng chục tầng, những khu chế xuất lớn và đường siêu tốc nối từ thành phố Hồ Chí Minh đến miền Tây Nam Bộ.
Đất nước, nhân dân không quên sự cống hiến và hy sinh của Nguyễn Thi. Cũng như nhiều văn nghệ sĩ, tên ông được đặt cho một con đường lớn, đi qua nơi ông ngã xuống. Nhiều trường THPT, THCS ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ mang tên Nguyễn Thi. Tác phẩm của ông được đưa vào giảng dạy trong chương trình văn học các cấp; nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh, chọn tác phẩm Nguyễn Thi làm đề tài nghiên cứu cho luận văn. Với đồng nghiệp, Nguyễn Thi tồn tại không chỉ bằng tác phẩm mà còn là một nhân cách lớn của nhà văn trong thời đất nước chiến tranh.
NGUYỄN QUỐC TRUNG