Giờ đây, ở tuổi ngoài 80, nhà văn Nguyễn Quang Sáng như một ông già Nam Bộ, từ dáng đi chầm chậm, giọng nói từ tốn, pha chút hóm hĩnh.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng ký tặng sách trong buổi ra mắt tập tạp văn Nhà văn về làng. Ảnh: TTO |
Hằng năm, vào dịp cuối tháng 12, Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh gặp gỡ toàn thể hội viên để tổng kết hoạt động và liên hoan. Trong cuộc hội ngộ ấy, các nhà văn trẻ thường vây lấy Nguyễn Quang Sáng trò chuyện. Họ thích tính cởi mở, không phân biệt tuổi tác, thứ bậc của Nguyễn Quang Sáng.
Với các nhà văn ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Nguyễn Quang Sáng luôn có tình cảm trân trọng; trước kia lần nào gặp tôi, ông cũng hỏi về các nhà văn mặc áo lính như Nguyễn Khải, Hải Hồ, Xuân Thiều… - những người bạn một thuở của ông. Bây giờ, những người ấy đã đi vào cõi vĩnh hằng, mỗi khi nhắc đến họ, giọng ông đượm buồn.
Nguyễn Quang Sáng còn quan tâm đến đội ngũ viết văn trẻ trong quân đội hôm nay. Có lẽ ít ai biết Nguyễn Quang Sáng từng mang quân hàm chuẩn úy, công tác ở Phòng Chính trị Bộ Tư lệnh phân khu miền Tây Nam Bộ, làm cán bộ nghiên cứu tôn giáo, chất lính vẫn in đậm trong người ông.
Nguyễn Quang Sáng thường nói chuyện ngắn gọn, có ý hẳn hoi, điều đó thể hiện qua các tác phẩm, dù truyện ngắn hay truyện dài cũng đều bố cục gọn gàng, chặt chẽ. Về điều này, Nguyễn Quang Sáng nói: “Thuở nhỏ tôi có năng khiếu môn Toán, đến độ có buổi thầy giáo vắng mặt đột xuất, tôi lên bảng giải bài tập cho cả lớp. Các cậu nhớ giùm là Toán giúp cho người ta tính nghiêm ngặt, làm Toán không được thừa”. Trong nghệ thuật, bố cục chiếm vị trí hết sức quan trọng. Với thể tài truyện ngắn, khi nhà văn tìm được bố cục, có thể nói đã hoàn thành một nửa công việc. Các nhà văn có tay nghề cao về truyện ngắn của Việt Nam đều cho rằng, quan trọng nhất vẫn là bố cục để tạo nên tính hấp dẫn, bất ngờ của truyện. Nguyễn Quang Sáng gọi là chơi bố cục: “Người đầu tiên tôi học là nhà văn Nguyễn Công Hoan. Đọc truyện ngắn Nguyễn Công Hoan tạo cho tôi cảm hứng sáng tác. Truyện ngắn đầu tay của tôi là Con chim vàng, được hình thành khi đọc truyện Cây mít của Nguyễn Công Hoan”.
Cây mít viết về một người nông dân với địa chủ. Thấy gia đình hàng xóm có cây mít mật trái ngon tìm cách đoạt bằng được. Mất cây, có nghĩa mất cả đất, người nông dân chất phác ấy đau đớn, căm tức nhưng không dám làm gì. Cho tới khi cải cách ruộng đất, cây mít và dĩ nhiên cả đám đất được trở về với chính chủ của nó. Kết thúc truyện là cảnh người nông dân hái trái mít chín ngon nhất làm quà biếu đội cải cách. Truyện ngắn này vẫn đậm chất Nguyễn Công Hoan, nhưng thiên về ngợi ca. Con chim vàng của Nguyễn Quang Sáng cũng viết về một thiếu niên ở đợ cho gia đình địa chủ ở Nam Bộ phải bắt con chim vàng cho thằng bé con nhà người ấy. Khi trèo lên cây trứng cá bắt con chim, thiếu niên bị đâm đầu xuống đất bật máu. Nhưng bà chủ chỉ tiếc con chim bị chết, còn tính mạng thằng nhỏ ở đợ thì mặc. Chuyện hết sức đau lòng. Hai tên địa chủ ở hai đầu đất nước sao mà giống nhau đến vậy. Giọng văn trong truyện này của Nguyễn Quang Sáng cũng hơi giống Nguyễn Công Hoan. Đó có lẽ là thử nghiệm đầu tiên của cây bút trẻ Nguyễn Quang Sáng trên địa hạt truyện ngắn, để sau đó tìm ra lối viết riêng cho mình.
Nguyễn Quang Sáng cho biết, thời đánh Pháp ở Nam Bộ, sách văn học rất ít. Khi tập kết ra Bắc, ông mới được đọc nhiều tác phẩm văn học, nhiều tác phẩm là những bữa tiệc tâm hồn đến say mê, rồi được gặp gỡ các nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài…, được các vị tiền bối ấy truyền cho bí kíp của nghề văn. Nghề văn được người đi trước truyền cho là điều quý nhất, thông thường người trong ngành mới hiểu được bí quyết. Nguyễn Quang Sáng cần cù viết và lần lượt cho ra mắt tập truyện Con chim vàng, Nhật ký người ở lại, Câu chuyện bên trận địa pháo và tác phẩm quan trọng nhất, tiểu thuyết Đất lửa.
Đất lửa được Nguyễn Quang Sáng khởi thảo ở Nam Bộ, lúc mới hơn 20 tuổi, với chừng 300 trang. Khi biết như vậy, tôi thật sự khâm phục, không biết bằng cách nào một thanh niên sống trong hoàn cảnh khó khăn lúc bấy giờ mà viết được bản thảo một tiểu thuyết về một đề tài được coi là hóc búa như vậy. Tập kết ra Bắc, Nguyễn Quang Sáng mang theo bản thảo ấy. Sống ở Hà Nội, Nguyễn Quang Sáng giao thiệp với nhiều nhà văn, được họ góp ý và ông viết lại Đất lửa. Nguyễn Quang Sáng có vốn sống phong phú về làng quê trong tứ giác Long Xuyên với những hội hè, con người hết sức chân chất, hồn nhiên và đã tạo nên nhân vật Quản Dõng vô cùng ấn tượng. Tuy vậy, khi nhạc sĩ Văn Cao đọc bản thảo để vẽ bìa có nhận xét: “Cậu viết cuốn này khá hay nhưng nhân vật hiền quá”. Sách in ra, cũng là lúc tác giả chuẩn bị lên đường vào chiến trường. Trước khi đi, Nguyễn Quang Sáng tặng nhà văn Nguyễn Tuân một cuốn. Năm 1972, khi ra Hà Nội, gặp được Nguyễn Tuân, ông đã được nhà văn lớn khen Đất lửa, và nói: “Phải chi cậu viết dòng sông Nam Bộ dữ dội hơn nữa”.
Phải nói rằng, nhận xét của các nhà văn đàn anh khiến Nguyễn Quang Sáng khâm phục. Lần tái bản sau đó, Nguyễn Quang Sáng có sửa chữa nhiều. Tôi cũng đã từng nghe các nhà văn Nguyễn Khải, Xuân Thiều, Nguyễn Khắc Trường… khen Đất lửa, coi đó là tác phẩm hay về đất và người Nam Bộ thời kỳ ấy.
Năm 1966, Nguyễn Quang Sáng vào chiến trường Nam Bộ. Khi đã có tay nghề tương đối vững, bắt gặp hiện thực lớn, Nguyễn Quang Sáng lập tức cho ra mắt nhiều tác phẩm, thời gian đầu là truyện ngắn Chiếc lược ngà, Chị xã đội trưởng, Người đàn bà Tháp Mười, Một chuyện vui. Truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng thời kỳ này nghiêng về cảm hứng ngợi ca, nhân vật thường là bộ đội, du kích. Thông thường những câu chuyện ấy nhà văn góp nhặt, có khi là chi tiết trên dọc đường hành quân, khi sống với bộ đội, dân quân du kích ở chiến hào. Không gian truyện thường là miền sông nước Đồng Tháp Mười.
Ngày còn học phổ thông, tôi được đọc các truyện ngắn ấy của Nguyễn Quang Sáng qua tuyển tập Truyện ngắn chọn lọc giải phóng miền Nam, một tập truyện đặc sắc, với Giấc mơ ông lão vườn chim, Khói, Đất của Anh Đức, Mùa nấm tràm của Đinh Quang Nhã, Đêm Tháp Mười của Lê Văn Thảo… đã cho tôi ý niệm đầu tiên về truyện ngắn. Sau này, khi được gặp các nhà văn ấy, tôi vẫn giữ nguyên sự quý trọng có được từ ngày đó.
Trong cuộc sống hằng ngày, Nguyễn Quang Sáng sống chan hòa, giản dị với tất cả mọi người. Ông cũng là một ông già Nam Bộ phóng khoáng, hiểu được cõi đời nhân ái cũng rất phức tạp, hãy gạt bỏ những vụn vặt, đố kỵ của thói đời để dành tình yêu cho trang viết. Chính nhờ thế, Nguyễn Quang Sáng đã viết được nhiều tác phẩm có giá trị góp phần làm nên diện mạo nền văn học mới.
NGUYỄN QUỐC TRUNG