.

Ca sĩ trẻ Đà Nẵng: Khát vọng ra biển lớn

.

Những năm gần đây, số lượng ca sĩ, ban nhạc xuất hiện trên thị trường âm nhạc ở Đà Nẵng rất nhiều. Trên sân khấu các cuộc thi âm nhạc lớn như: Giọng hát Việt (The Voice), Giọng hát Việt nhí (The Voice Kids), Thần tượng Âm nhạc (Vietnam Idol), Tìm kiếm tài năng Việt (Vietnam’s Got Talent)..., thí sinh là người Đà Nẵng đã tạo những dấu ấn không nhỏ.

Nhóm Over Dose biểu diễn trong một chương trình ca nhạc sinh viên.
Nhóm Over Dose biểu diễn trong một chương trình ca nhạc sinh viên.

Các thí sinh này đang rất cần môi trường âm nhạc sôi động với những sân khấu thường xuyên và cơ hội lớn để phát triển tài năng cũng như tên tuổi ngay trên chính quê hương.

Ít cơ hội để tỏa sáng

Đi hát từ thời sinh viên nhưng phải đến khi tham gia và lọt vào vòng Đối đầu của cuộc thi Giọng hát Việt 2012, cái tên Phạm Mai Anh (22 tuổi) mới được nhiều người biết đến. Cuộc thi trở thành bước đệm quan trọng giúp Mai Anh tạo tên tuổi, bây giờ mọi người vẫn gọi cô là “Mai Anh The Voice”. Với ngoại hình xinh xắn, giọng hát tốt, ngay khi quay về Đà Nẵng, Mai Anh nhận mời đầu quân làm hợp đồng tại Nhà hát Trưng Vương, đi hát ở các phòng trà lớn của thành phố như Memory (đường Bạch Đằng), Tiếng dương cầm (đường Hoàng Văn Thụ), Thanh Trà (đường Trần Quốc Toản)... với mức cát-sê từ 100.000 - 200.000 đồng lên 500.000 - 1 triệu đồng/bài.

Tốt nghiệp khoa Tiếng Anh thương mại Trường ĐH Duy Tân nhưng Mai Anh quyết định chọn con đường ca hát để thỏa mãn niềm đam mê và mong muốn được nhiều người biết đến. Trong khi đó, cũng thành công từ một cuộc thi (Liên hoan các ban, nhóm nhạc học sinh, sinh viên thành phố Đà Nẵng năm 2012), Over Dose (Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng) nổi lên là ban nhạc có hướng đi không mới nhưng lạ so với nhiều ban, nhóm nhạc đang hoạt động trên địa bàn thành phố khi chỉ hát những ca khúc về tình yêu quê hương, đất nước. Có lẽ với hướng đi này, Over Dose đã “ghi điểm” với khán giả nên dù mới thành lập hơn một năm nhưng ban nhạc nhận được rất nhiều lời mời biểu diễn.

Mai Anh và Over Dose có lẽ là hai trường hợp may mắn khi tìm được lối đi, tạo được chút tên tuổi ở môi trường âm nhạc khá bình lặng như Đà Nẵng. Nhiều ca sĩ chia sẻ rằng, lớp ca sĩ trẻ ở Đà Nẵng hiện nay khá nhiều nhưng sân khấu để họ biểu diễn quá ít nên sự cạnh tranh cũng không kém phần khốc liệt. Bản thân Mai Anh tháng cao điểm nhận chưa đến 15 show diễn, bình thường chỉ từ 8 - 10 show. Ca sĩ nhiều nhưng mỗi phòng trà chỉ mời từ 7 - 12 ca sĩ đến hát thường xuyên với thu nhập trung bình 3 - 4 triệu đồng/tháng.

Ngoài lớp ca sĩ trẻ, thường xuyên xuất hiện ở các chương trình ca nhạc của thành phố (chủ yếu đang đầu quân cho Đoàn ca múa nhạc thành phố Đà Nẵng), 2 năm trở lại đây, một loạt tên tuổi mới bước ra từ các cuộc thi âm nhạc lớn đã phần nào tạo được dấu ấn trong lòng khán giả Đà thành như: Mai Anh The Voice, Thái Sơn bitbox, Minh Hoàng Vietnam’s Got Talent; Văn Tây, Mi Hoàn, Khánh Ly, Hoàng Nhật Minh (The Voice 2013)… Nhưng tất cả họ, kể cả những người đã có chút tên tuổi, lâu nay cũng chỉ quanh quẩn biểu diễn ở các phòng trà, hội nghị khách hàng, khai trương, rất hiếm khi được đứng hát riêng ở những chương trình lớn (nếu có cũng chỉ hát bè cho các ca sĩ nổi tiếng khi về Đà Nẵng biểu diễn), nên không chỉ ít người biết đến mà năng khiếu cũng bị mai một dần. “Các phòng trà ở Đà Nẵng có diện tích khá nhỏ, lượng khán giả ít, ca sĩ khi biểu diễn đôi lúc còn không được giới thiệu tên, chứ nói gì đến “phô diễn” một ít thành tích để gây ấn tượng với khán giả”, một chủ phòng trà cho biết.

Cần sân khấu xứng tầm

Thời gian qua, nhằm góp phần giúp các bạn trẻ đam mê âm nhạc có cơ hội thể hiện tài năng, Hội Sinh viên, Hội LHTN thành phố tổ chức khá nhiều hoạt động âm nhạc như Liên hoan ban, nhóm nhạc học sinh, sinh viên thành phố; sân chơi Tôi yêu sự chia sẻ... nhưng đều rơi vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột”. Anh Nguyễn Lê Quốc Bảo (Trưởng nhóm Pop - Rock, thuộc Hội LHTN thành phố) cho biết, các cá nhân hay ban, nhóm nhạc khi đi thi rất hào hứng, tập luyện chăm chỉ nhưng sau cuộc thi thì không có sân chơi, người hỗ trợ nên chỉ một thời gian thì tan rã. Bản thân nhóm Pop - Rock ban đầu có 10 nhóm nhạc thành viên nhưng nay chỉ còn lại 3 nhóm.   

Là người có thâm niên lâu năm trong nghề, ông Hoàng Ngọc Chiến - Phó Giám đốc Nhà hát Trưng Vương cho rằng, Đà Nẵng không thiếu ca sĩ trẻ, có tài năng, ngoại hình đẹp và đam mê ca hát nhưng thiếu những sân khấu lớn để họ thể hiện, ngay các cuộc thi kể trên cũng chỉ giới hạn trong độ tuổi học sinh - sinh viên. Nếu muốn nổi tiếng, họ phải mạnh dạn vào thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp như Mỹ Tâm, Kasim Hoàng Vũ, Lê Cát Trọng Lý…, nhưng liệu mấy ai dám bước đi và có được thành công như vậy?

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.