.

Chuyện tình nghệ sĩ

.

Một chân dung khác của những nghệ sĩ vốn đã nằm trong lòng công chúng hoặc vẫn tiếp tục được công chúng quan tâm, như các nhạc sĩ: Phạm Duy, Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Nguyễn Thiện Tơ, Châu Kỳ; những nhà văn như: Phùng Quán, Hoàng Cầm, Nguyễn Bính, Nguyễn Nhược Pháp, Phạm Thiên Thư hay ca sĩ, nghệ sĩ cải lương như: Phùng Há, Mộc Lan, Thanh Lan, Duy Quang, Lê Uyên Phương… được tái hiện trong cuốn sách dày 300 trang Chuyện tình nghệ sĩ (NXB Trẻ, quý IV - 2013).

Các nhân vật được đề cập trong Chuyện tình nghệ sĩ là những văn nghệ sĩ nổi tiếng.                    Ảnh:  H.T.P
Các nhân vật được đề cập trong Chuyện tình nghệ sĩ là những văn nghệ sĩ nổi tiếng. Ảnh: H.T.P

Người khắc họa lại những chân dung nghệ sĩ thông qua chính mối tình của họ là nhà báo Hà Đình Nguyên - phóng viên báo Thanh niên. Vốn là một nhà giáo với hơn 10 năm dạy văn, Hà Đình Nguyên rẽ sang làm báo. Đi vào mảng đời nghệ sĩ, xoáy sâu vào những câu chuyện tình ít người muốn kể, nhiều người muốn biết - dù không phải đề tài mới mẻ - nhưng Hà Đình Nguyên đã có được những trang viết sống động, hấp dẫn.

Một trong những cái khó nhất khi “động chạm” vào chuyện tình của các nghệ sĩ, đó là làm sao phải đạt đến độ trung thực - điều mà người đọc cần nhất, chứ không phải là những lung linh, long lanh, hoặc gây ra những hiểu nhầm, thậm chí gây tranh luận. Điều này người đọc có thể tìm thấy trong cuốn sách của Hà Đình Nguyên. Phẩm chất của một nhà báo cho Hà Đình Nguyên cái cách khai thác, truy tầm thông tin một cách khá “sát ván”.

Không chỉ tìm trong sách, hoặc các trang tài liệu di cảo, bút tích, tác giả còn thực hiện nhiều chuyến đi gặp gỡ, tiến hành hàng loạt cuộc phỏng vấn nhân vật hay những người thân thiết nhất với nhân vật như vợ, các con… Vì thế, dù chỉ viết mươi trang về “Phùng Quán - Dữ dội thơ và yêu” hay hơn hai mươi trang về Văn Cao, Phạm Duy thì người đọc vẫn nhận ra sự cẩn thận về tư liệu của tác giả.

Một chi tiết làm Chuyện tình nghệ sĩ trở nên dày dặn hấp dẫn, đó là những bức ảnh tư liệu, những bản nhạc, tờ bướm… gắn liền với từng câu chuyện, từng đoạn đời nghệ sĩ.

Không chỉ là một cuốn sách đậm đặc những câu chuyện tình, Hà Đình Nguyên còn gửi gắm được nhiều điều khác khi anh đề cập tới từng nhân vật. Ví như khi viết về nhà thơ Nguyễn Bính, anh đã “cải chính” một chi tiết rất quan trọng, đó là tên thật của nhà thơ. Theo tác giả, trong nhiều tài liệu, thậm chí cả sách giáo khoa, đều ghi Nguyễn Bính tên thật là Nguyễn Bính Thuyết. Đây là một sự nhầm lẫm. Thật ra tên thật của nhà thơ “Lỡ bước sang ngang” là Nguyễn Trọng Bính!

Tất nhiên, Chuyện tình nghệ sĩ cũng giống như nhiều cuốn sách trước đây, kể cả hồi ký của nhân vật, không thể đủ đầy, không thể “tường minh” mọi chuyện, nhất là chuyện tình của những nghệ sĩ có tiếng đào hoa. Sự chừng mực, biết điểm dừng cũng có thể coi là một “bí quyết” của Hà Đình Nguyên, để độc giả tiếp tục trân quý và yêu mến những nghệ sĩ đã có nhiều đóng góp cho văn học nghệ thuật.

HOÀNG THU PHỐ

;
.
.
.
.
.