.
Kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23-11

Bảo tồn gắn với tuyên truyền, quảng bá

.

Đó là khẳng định của ông Trần Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Đà Nẵng, trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng về công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa tại Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay.

Bảo tồn di tích phải gắn liền với hoạt động quảng bá. TRONG ẢNH: Lăng thờ Đức Ngư ông tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà.
Bảo tồn di tích phải gắn liền với hoạt động quảng bá. TRONG ẢNH: Lăng thờ Đức Ngư ông tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà.

Ông Trần Quang Thanh cho biết:

-  Thời gian vừa qua, công tác bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được thành phố quan tâm, thực hiện song song, đạt những kết quả đáng ghi nhận. Trước hết, đối với di sản văn hóa vật thể, thời điểm mới chia tách tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, thành phố Đà Nẵng chỉ có 4 di tích cấp quốc gia gồm Danh thắng Ngũ Hành Sơn, Thành Điện Hải, Bia Chùa Long Thủ, Nghĩa Trủng Phước Ninh. Nhưng từ năm 1997 đến nay, toàn thành phố có 17 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 45 di tích được xếp hạng cấp thành phố; ngoài ra còn có 49 di tích đã được đăng ký bảo vệ.

Công tác trùng tu, tôn tạo di tích được thực hiện thường xuyên và không ngừng được đẩy mạnh cả về số lượng, chất lượng lẫn quy mô. Một số di tích đã được đầu tư kinh phí lớn để tôn tạo hoàn chỉnh, khang trang. Tiêu biểu có thể kể đến Đình Nại Nam, Nghĩa trủng Hòa Vang, Thành Điện Hải, Đình Bồ Bản, Đình Túy Loan, Lăng mộ Ông Ích Khiêm, Danh thắng Ngũ Hành Sơn… Đặc biệt, riêng giai đoạn từ năm 2006-2010 có 15 di tích (đã xếp hạng cấp quốc gia và cấp thành phố) được trùng tu, tôn tạo, với kinh phí ước khoảng 29 tỷ đồng. Những năm gần đây, nhiều di tích được tiếp tục trùng tu tôn tạo như: khu Căn cứ cách mạng K20, Đình Phong Lệ, Đình Dương Lâm, Đình và nhà thờ tiền hiền Lỗ Giáng, Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu…

Điều đáng mừng là hầu hết các di tích được trùng tu, tôn tạo bảo đảm nguyên tắc về bảo tồn, không làm sai lệch, biến dạng, thay đổi giá trị, đặc điểm vốn có và những yếu tố gốc cấu thành di tích. Các di vật, cổ vật tiêu biểu có trong di tích như sắc phong, bi ký, liễn đối, hoành phi, cùng các hiện vật liên quan khác đều được gìn giữ, bảo quản nghiêm cẩn, không xảy ra tình trạng mất mát, hủy hoại hay tự ý trao đổi, mua bán.

Đối với di sản văn hóa phi vật thể, trong những năm qua có nhiều dự án, đề tài nghiên cứu có giá trị, đã cơ bản phác thảo được diện mạo, giá trị và đặc điểm của các loại hình di sản văn hóa phi vật thể ở địa phương. Một số làng nghề, lễ hội, trò chơi, diễn xướng tiêu biểu cũng được quy hoạch, tổ chức, phục dựng, được tạo điều kiện thuận lợi để duy trì và phát triển, góp phần gìn giữ vốn văn hóa dân tộc, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, đồng thời thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng - tâm linh của các cộng đồng dân cư.

* Ông có thể nói qua về hoạt động tuyên truyền, quảng bá  các di sản văn hóa?

- Thời gian qua, công tác giữ gìn, phát huy giá trị các di sản văn hóa tại Đà Nẵng luôn được tiến hành song song với các hoạt động nghiên cứu, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu giá trị di tích. Đối tượng được tuyên truyền, quảng bá ngày càng mở rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, quảng bá trên nhiều kênh thông tin. Đặc biệt, những năm gần đây, học sinh các cấp trên địa bàn thành phố là đối tượng đặc biệt của công tác tuyên truyền. Nhiều trường học đã xây dựng những buổi học ngoại khóa, những cuộc thi, những buổi biểu diễn nghệ thuật có giá trị giáo dục văn hóa truyền thống thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng học sinh, tạo những chuyển biến tích cực về nhận thức của thế hệ trẻ về ý thức giữ gìn di sản văn hóa. Đây là tín hiệu rất đáng mừng.

Bên cạnh đó, một số di tích vừa được đưa vào khai thác du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh, giá trị các di sản văn hóa vượt qua biên giới địa phương, quốc gia. Sức sống, giá trị các di sản từ đó sẽ được tiếp thêm sức mạnh, động lực để trường tồn.

* Cuối tháng 3-2013, thành phố ban hành Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc ở thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2013-2015, với những mục tiêu rất cụ thể. Theo kế hoạch, trong năm 2013 sẽ thực hiện trùng tu tôn tạo 3 di tích cấp thành phố bị xuống cấp nghiêm trọng là: Đình Hưởng Phước, đình Khuê Bắc, miếu Hàm Trung và lập hồ sơ trình Bộ VH-TT&DL đưa làng nghề làng đá mỹ nghệ Non Nước vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Vậy hiện tại, chúng ta đã thực hiện được đến đâu?

- Về 3 di tích cấp thành phố, do tình hình kinh tế khó khăn nên đến nay thành phố vẫn chưa thể bố trí được nguồn kinh phí để triển khai công tác trùng tu đối với 3 di tích nói trên.

Còn đối với Làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước, trong tháng 10 vừa qua, Sở hoàn chỉnh hồ sơ trình Bộ VH-TT&DL xếp hạng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

* Được biết, ngành văn hóa đang soạn bộ dự thảo Quy định về quản lý di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố. Ông có thể cho biết những ý nghĩa thực tiễn chủ yếu của bộ dự thảo này?

- Ý nghĩa lớn nhất và bao trùm là quy định rõ trách nhiệm của các Sở, ngành và UBND các cấp quận (huyện), phường (xã) đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích như việc phân cấp quản lý di tích, hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích... Dự thảo cũng quy định rõ trách nhiệm của UBND quận (huyện) trong việc bố trí kinh phí để trùng tu di tích và cơ chế chính sách huy động nguồn vốn xã hội hóa.

* Xin cảm ơn ông!

THANH TÂN thực hiện
 

;
.
.
.
.
.