.
Café Sáng

Bình yên ở tại lòng ta

.

Anh bạn mất liên lạc cả chục năm, một ngày tình cờ tìm được tôi trên facebook. Hai đứa nói chuyện say sưa, chuyện gia đình, con cái, làm ăn... Sau đó một tuần, bạn nhỏ nhẹ, cậu dạo này khác quá. Khác là khác làm sao? Đọc facebook thấy cậu “xì-tin” quá, không giống cậu ngày xưa.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Một số người thất vọng về tôi trên facebook. Người ta không nhìn ra được con người tôi ở trên đó ngoài những bình luận tếu táo và những status ngộ nghĩnh. Người ta không hình dung được sao tôi viết văn mà lại có thể viết linh tinh trên trang mạng xã hội mỗi ngày có cả ngàn người đọc. Một hai ngày tôi đổi một avatar, ngày nào cũng viết một status chọc cười ai đó, hoặc có khi tôi và một cô bạn cứ qua lại châm chích, cãi vã và… tỏ tình với nhau. Có khi cô ấy còn đề nghị chúng tôi… đính hôn trên facebook. Rồi tối nào cũng thấy tôi “check in” ở một quán ăn, quán nhậu nào đó với hình ảnh cầm chai bia hoặc đang bá vai quàng cổ một người cùng bàn. Và hình như ngày nào tôi cũng được ai đó tag một tấm hình có mặt ở một sự kiện hay tiệc tùng. Nghĩa là trên facebook, tôi là một gã ăn chơi…

Đôi khi mọi người buộc cho tôi một hình ảnh quen thuộc, là người viết thì phải xộc xệch, lôi thôi một chút, viết ra những điều để thiên hạ nghiền ngẫm chứ không phải để bông lơn. Nói chung, họ buộc tôi vào một cuộc đời tĩnh lặng. Họ không thể chấp nhận được hình ảnh có gì đó… nổi loạn, ngẫu hứng và đầy sự châm biếm về tôi trên chính facebook của mình.

Nhưng tôi lại tìm thấy tôi trên đó. Đó là cuộc sống của tôi được thể hiện theo một cách khác. Và nếu không có những điều đôi khi hơi nhảm nhí đó, có lẽ tôi đã không tìm được một cuộc sống thoải mái và cân bằng giữa bộn bề công việc riêng - chung, giữa bộn bề âu lo trần thế. Tôi tìm được cho mình sự cân bằng vừa phải, để chạy mà không ngã…

Cuộc sống của tôi có lúc biến động, tưởng như gục ngã…

Khi ngoài hai mươi tuổi, bị cướp đi gần hết những điều tốt đẹp, tôi đã tìm đến với những viên thuốc an thần, định ngủ một giấc thật dài. Nhưng số trời không cho tôi làm chuyện điên rồ, nên tôi quay lại và sống tiếp. Tôi mang theo hai bộ quần áo, chiếc laptop và ra đi. Sự kiêu ngạo, lòng tự trọng bị tổn thương khiến tôi trở thành kẻ gần như mất trí. Tôi đổi số điện thoại, hạn chế tối đa gặp những người quen cũ, lao đầu vào công việc như con thiêu thân và triệt tiêu mọi thú vui của cuộc sống thị dân. Có những khi tôi ngủ gục trong quán cà-phê vì mỏi mệt. Và cũng có lúc tôi nhậu mệt lăn lóc bên lề đường để cố quên đi cảm giác mình đang bơ vơ trong thành phố gần mười triệu người. Không bạn bè! Không tình yêu! Không gì cả!

Nhưng có một chiều, tôi nổi hứng về nhà, tạt qua khu chợ của công nhân, mua rau và cá về tự nấu ăn. Lần đầu tiên khói bếp bay trong căn chung cư. Lần đầu tiên tôi bần thần đứng ngó qua cửa sổ, nhìn về trung tâm thành phố, thấy lấp lánh ánh sáng, như một khuôn mặt khác sau một ngày sầm sập xô bồ. Từ đó, tự dưng tôi có một thói quen ngày nào cũng ngồi trên chiếc ghế ở quầy bar, buổi tối ngồi ngắm đèn, buổi sáng uống trà ngồi ngắm bầu trời và cây lá, thấy cuộc sống dịu lại. Tôi bắt đầu nhận ra dường như điều lớn nhất mà chúng ta đi tìm, không phải ở đâu đó xa xôi, mà ở chính trong lòng mình.

Bình yên ở tại lòng ta…

Nhưng dường như khi bước vào tuổi ba mươi, tôi bắt đầu nhận ra mình nên có những khoảng không riêng, nếu muốn có được sự cân bằng. Sự cân bằng ấy là không gian tĩnh lặng ở trong lòng ta. Dù ta có ở chốn lao xao nào, thì sự tĩnh lặng đó là mặt hồ phẳng, không có gì xuyên thấu. Nó sẽ giúp chúng ta không còn phân vân khi chạy trên con đường mà mình đã chọn.

Tôi xem một bộ phim của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng về những thân phận làm điếm ở Sài Gòn. Bộ phim khai thác đến tận cùng nỗi cô đơn của những con người không có cơ hội đổi thay số phận, sống bên lề cuộc sống và luôn sẵn sàng chấp nhận những gì gọi là mưa gió nhất của cuộc đời. Sự bi đát, áp bức, nỗi nhục và cả sự bất cần khiến những con người ấy đẩy mình vào những vết trượt không kiểm soát được. Vũ Ngọc Đãng đặt các nhân vật của mình trong môi trường mất cân bằng nhất để từ đó khai thác những nỗi đau số phận. Nhưng dường như chính Đãng cũng nhận ra rằng, nếu cứ đẩy những con người ấy xuống vực thì bộ phim cũng sẽ mất đi một điểm sáng cần thiết, kéo mọi thứ cân bằng trở lại trong sự xô lệch quá dài. Thế nên, chi tiết đắt giá nhất, gây xúc động nhất cho người xem chính là hạnh phúc nhỏ nhoi của chàng câm tên Cười với chú vịt được anh ta tự ấp trứng và nuôi lớn lên. Cuộc sống của Cười, tình yêu của Cười bên chiếc ghe nát, phía bên kia sông là những tòa nhà chọc trời lộng lẫy, vừa tương phản vừa bình thản, như một lẽ tất nhiên. Nó như một ly nước xoa dịu, vừa đủ mát vừa đã khát. Sự cân bằng tự nhiên…

Tôi đọc đâu đó rằng, nếu bạn muốn đi thật nhanh thì bạn phải biết cách từ từ. Cách sống từ từ chính là cách nhìn nhận mọi thứ chính xác, để không vấp ngã, không thất bại, không phải làm lại, bạn sẽ cán đích sớm hơn. Âu đó cũng là một câu chuyện về sự cân bằng. Cân bằng ở trong lòng người, chứ không phải xốc nổi trên bề mặt…

Và dù bạn ghét hay đánh giá tôi như thế nào cũng không làm tôi đau đớn hay khổ tâm. Vì tôi biết mình là ai. Vì tôi đã chọn cho mình một con đường, để có thể sống đơn giản và thanh thản…

DƯƠNG BÌNH NGUYÊN

;
.
.
.
.
.