.

Những công trình cổ: Nguy cơ "mất dấu"!

.

(ĐNĐT) - Hiện nay, trên địa bàn Đà Nẵng còn khoảng 64 ngôi nhà cổ và 55 công trình công cộng cổ, hầu hết đều tập trung tại khu vực trung tâm thành phố. Những công trình này gắn bó với người Đà Nẵng từ những năm đầu thế kỷ XX và lưu giữ rất nhiều dấu ấn kiến trúc cổ đặc sắc. Tuy nhiên, qua khảo sát, nhiều công trình đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng vấn đề bảo tồn, tu tạo vẫn còn đang bỏ ngỏ.

Ngôi nhà cổ đã hơn 300 năm tuổi.
Ngôi nhà cổ đã hơn 300 năm tuổi.

Nhà cổ giữa phố thị

Qua giới thiệu của một kiến trúc sư chuyên nghiên cứu về nhà cổ, chúng tôi tìm đến ngôi nhà số 36 Hoàng Văn Thụ (Q. Hải Châu), được đánh giá là một trong những ngôi nhà cổ nhất và còn tương đối nguyên vẹn ở Đà Nẵng hiện nay. Khi vào nhà, chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi dù đã trải qua hơn trăm năm tuổi nhưng kiến trúc của ngôi nhà từ mái vòm cong cong, đến những khung cửa sổ, giếng trời, gạch men… đều còn nguyên kiến trúc Pháp, được chủ nhà gìn giữ cẩn thận.

Theo lời bà Phan Thị Chiếu (chủ ngôi nhà), từ khi sở hữu ngôi nhà đến nay, gia đình bà hầu như giữ nguyên tất cả, chỉ sơn lại vào mỗi dịp năm mới, còn tất cả trụ, cửa, gỗ, gạch lát nền… đều không thay đổi. “Ngôi nhà này, trước người Pháp lợp bằng trấu hay rơm bện gì đó, rất mát. Đáng tiếc là cơn bão năm 2006 đã làm mái bị lật tung hết nên chúng tôi lợp lại bằng ngói. Nếu không bị gió bão, kiến trúc Pháp của ngôi nhà sẽ rõ hơn”, bà Chiếu cho biết. Ngoài ngôi nhà này, mang phong cách Pháp còn có ngôi nhà ở số 56 Trần Quốc Toản, cả hai đều trong tình trạng tương đối tốt.

Đối với những ngôi nhà cổ ở mặt phố, gốc của ngôi nhà không dùng cho mục đích thương mại nên khi bảo tồn cần hướng dẫn người dân khai thác vào các hình thức quán trà, nơi trưng bày thư pháp hoặc các dịch vụ có tính văn hóa.

Rời ngôi nhà mang phong cách Pháp, chúng tôi đến ngôi nhà số 54 Trần Bình Trọng, mang phong cách cổ truyền thống của người Việt. Đây cũng là ngôi nhà cổ đã được thành phố công nhận di tích lịch sử cấp thành phố. Giữa dòng chảy của sự phát triển đô thị, sự tồn tại ngôi nhà cổ kính trở nên quý giá hơn. Từ kiến trúc bên ngoài đến nội thất bên trong ngôi nhà đều nhuốm màu thời gian. Nội thất bên trong đều làm bằng gỗ lâu năm, từ bộ tràng kỉ đến bàn ghế, tủ thờ, bộ tranh gỗ mai, tùng, cúc, trúc đến câu đối hai bên… tất cả đều đưa người xem trở về một không gian xưa cũ.

Chủ nhân của ngôi nhà, ông Nguyễn Văn Châu (hơn 70 tuổi) tâm sự: “Ngôi nhà này đã hơn 300 năm tuổi, là nhà gia truyền từ đời ông cố đến tôi, vừa để ở vừa là nơi thờ cúng. Trong chiến tranh loạn lạc, ngôi nhà bị phá hỏng, sau khi đi tản cư về, tôi phục hồi lại”. Khi chúng tôi hỏi sao không phục hồi lại nhà theo phong cách mới, ông Châu đáp rằng: “Ngôi nhà xưa cũ này gắn bó với nhiều kỉ niệm tuổi thơ nên dù bao lần thời gian tàn phá, tôi đều cố gắng tu tạo lại”.

Đến nhiều ngôi nhà cổ khác mà theo lời chủ nhân của các ngôi nhà này, số tuổi của nó gấp đôi, thậm chí gấp ba lần số tuổi của chủ, chúng tôi như lạc vào một không gian xưa vắng. Ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy, Chủ tịch Hội Nghiên cứu Lịch sử thành phố, cho rằng những ngôi nhà cổ này lưu giữ một diện mạo đô thị, là minh chứng sống quay lại một thời sinh sống của thị dân Đà thành nên rất đáng được giữ gìn. Những ngôi nhà cổ này không tồn tại đơn thuần, mà cần giữ nó lại cho văn hóa.

“Công trình công cộng cổ là điểm nhấn đô thị”

Tòa nhà trụ sở UBND thành phố mang phong cách kiến trúc Pháp.
Tòa nhà trụ sở UBND thành phố mang phong cách kiến trúc Pháp.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố còn 55 công trình công cộng cổ. Tuy nhiên, trong số đó, chỉ một vài công trình được tu tạo, gia cố, giữ nguyên hoặc phần nào phong cách kiến trúc xưa, còn lại do áp lực phát triển đô thị, đa phần các công trình đã bị phá bỏ.

Từ sau ngày thành phố được giải phóng đến nay, nhiều công trình công cộng được sửa chữa để phục vụ nhu cầu công vụ. Điển hình như: Bảo tàng Điêu khắc Chăm, trụ sở UBND thành phố, tòa nhà Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ban Tổ chức Thành ủy, các đình làng như Đình làng An Hải, Đình làng Mỹ Khê, chùa Bát Nhã, chùa Phổ Đà…

Những công trình công cộng phục vụ vào mục đích công vụ nếu cần thiết vẫn có thể mở rộng bằng cách cơi nới nhưng vẫn tuân thủ xu hướng của kiến trúc gốc. Còn các công trình cổ thuộc khách sạn Bạch Đằng nên nâng cấp và cho khai thác những dịch vụ cao cấp để tăng sự sang trọng và bề thế của vị trí thuận lợi đó.

Trong số các công trình cổ thì Bảo tàng Điêu khắc Chăm và trụ sở UBND thành phố là 2 công trình còn giữ được phong cách cổ xưa nhất. Trước đây, Bảo tàng Điêu khắc Chăm cũng được mở rộng ra phía sau nhưng vẫn theo xu hướng kiến trúc cổ đó. Trụ sở UBND thành phố cũng được mở rộng về phía bên trái nhưng vẫn được thiết kế theo phong cách của tòa nhà cũ. Ngoài hai công trình này, phần nhiều các công trình công cộng khác khi xây dựng lại đều thiết kế khác hoàn toàn và theo đó, nhiều công trình cổ đã bị mất dần.

Ông Bùi Văn Tiếng cho rằng, việc các công trình công cộng cổ dần mai một là do các công trình này đều có tuổi thọ trên 100 năm, nhiều công trình đã xuống cấp, bị bao vây bởi các tòa nhà nhiều tầng, bị lấn chiếm khuôn viên… nên không còn giữ nguyên giá trị ban đầu. "Tôi rất tiếc khi những công trình lâu năm bị tàn phai mà chưa có cách nào níu giữ. Những công trình này không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc mà còn có giá trị về mặt lịch sử - văn hóa”, ông Tiếng chia sẻ.

Khó bảo tồn?

Qua thời gian, sự xuống cấp là điều không thể tránh khỏi đối với những ngôi nhà cổ. Phần lớn các ngôi nhà cổ của người dân hiện nay chưa có điều kiện để trùng tu nên xuống cấp trầm trọng, hoặc chủ nhà sửa chữa theo ý muốn của họ nên nhiều chi tiết không còn được giữ lại như xưa.

Ông Nguyễn Văn Châu bức xúc: “Trước đây, chính quyền thành phố đã từng đến cấp bảng công nhận nhà thuộc di tích lịch sử cấp thành phố cho nhà tôi. Nhưng từ đó đến nay, ngoài tấm bảng treo ngoài cửa đó, tôi không nhận được bất cứ hỗ trợ nào cho việc tu tạo ngôi nhà. Nhà dột, mái rêu, tường nứt… tôi đều tự thân vận động”.

Bên cạnh đó, ông Trần Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, hầu hết các ngôi nhà đều thuộc sở hữu của tư nhân nên chính quyền chưa thể can thiệp. “Đề án Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của thành phố có nêu vấn đề này, tuy nhiên để bảo tồn, cần đưa nhà tư nhân về nhà thuộc sở hữu nhà nước, mà như vậy thì kinh phí rất lớn, việc này khó khăn nên cần có lộ trình, kinh phí để thực hiện từng bước”

Nói về vấn đề này, ông Bùi Văn Tiếng cho rằng, một thành phố đẹp phải có dấu ấn thời gian, trong đó những ngôi nhà cổ sẽ làm cho đô thị có chiều sâu văn hóa. Sau khi công nhận rồi, phải có một chương trình trùng tu, tôn tạo lại, có chính sách gì cho người dân để họ vừa có thể sống được trong căn nhà ấy, vừa có ý thức bảo tồn, gìn giữ, chứ không phải cấp giấy chứng nhận xong rồi để đó.

Tuy khó khăn, nhưng theo ông Bùi Văn Tiếng, việc tôn tạo, bảo tồn những ngôi nhà cổ này không phải là không thực hiện được: “Tôi cho rằng những ngôi nhà cổ này rất có giá trị, cần phải được bảo tồn. Thành phố nên có chính sách hỗ trợ, khuyến khích để người dân có ý thức bảo tồn những công trình văn hóa xưa cũ này. Có thể dành một quỹ, tạm gọi là quỹ Bảo tồn di sản, hằng năm trích quỹ này để tu tạo, gìn giữ những công trình cổ này để góp phần tạo nên cái hồn đô thị”.

Còn về các công trình công cộng cổ, theo ông Bùi Văn Tiếng, các công trình này bị mất đi là điều rất đáng tiếc. Tuy nhiên, không như Hội An hay Hà Nội, các ngôi nhà và công trình cổ có tính quần thể nên dễ bảo tồn, những công trình cổ ở Đà Nẵng chỉ đơn nguyên nhỏ lẻ nên có phần khó khăn hơn, việc bị phá bỏ, xây mới cho hợp với xu thế đương thời là điều khó tránh khỏi. “Tôi cho rằng Đà Nẵng chỉ còn vài công trình cổ thôi, vì vậy, việc bảo tồn là rất cần thiết. Nên chăng là đưa một số ít công trình cổ còn lại này vào danh mục Di sản cấp thành phố và có chính sách bảo tồn, trùng tu khẩn trương lại. Chính những công trình đó sẽ góp phần tạo điểm nhấn cho đô thị Đà Nẵng”, ông Tiếng góp ý.

Còn theo Báo cáo khoa học của Đề tài “Đánh giá các công trình kiến trúc cũ có giá trị của thành phố Đà Nẵng và các giải pháp bảo tồn, tu tạo, khai thác sử dụng” do Đại học Xây dựng Hà Nội thực hiện và Sở Khoa học & Công nghệ Đà Nẵng nghiệm thu thì đối với những công trình sử dụng cho mục đích ở mà chủ sở hữu là tư nhân thì thành phố nên khuyến khích người dân giữ lại những giá trị này bằng cách hỗ trợ kinh phí để họ tu bổ và hướng dẫn cách tu bổ. Cụ thể, đối với những gia đình quá đông, có thể hỗ trợ họ mua nhà có giá hợp lý nhằm giãn bớt nhân khẩu, qua đó, vừa bảo vệ được ngôi nhà vừa giúp người dân nâng cao điều kiện sống. Còn đối với những công trình công cộng thì cần khôi phục được không gian phía ngoài và giữ nguyên hiện trạng cho tới khi có thiết kế chi tiết về bảo tồn.

Quả thực, sự tồn tại những công trình, ngôi nhà cổ giữa một đô thị như Đà Nẵng là điều rất đáng quý, bởi không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc mà qua đó, người đương thời có thể tưởng nhớ về xã hội Đà Nẵng những năm đầu thế kỷ XX. Thiết nghĩ, để thành phố Đà Nẵng có một hình ảnh liên tục, tiếp nối giữa quá khức và hiện tại thì việc bảo tồn các giá trị của các công trình kiến trúc là cần thiết.

Thành phố Đà Nẵng nằm trong cái nôi văn hóa đất Quảng cùng với Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, tạo nên một khu vực du lịch văn hóa rất đa dạng và đặc biệt. Trong đó, các công trình kiến trúc lâu năm có giá trị không nhiều nhưng tiêu biểu cho các giai đoạn phát triển của thành phố. Do đó, việc bảo tồn, tu tạo là rất có ý nghĩa, phần nào làm tăng kiến thức của người dân về văn hóa - lịch sử của thành phố.

Bài và ảnh: Quỳnh Trang

;
.
.
.
.
.