.

Tìm chuẩn cho sản phẩm văn hóa

.

(ĐNĐT) - Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm văn hóa là vấn đề được đặt ra tại Hội thảo Quản lý chất lượng sản phẩm văn hóa qua công tác xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, do Bộ VHTT&DL tổ chức ngày 2-11, tại Đà Nẵng.

Hội thảo nhằm đánh giá hiện trạng chất lượng sản phẩm hàng hóa đối với các sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật và trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với các sản phẩm hàng hóa nhóm 2 theo quy định, gồm: ấn phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật tại lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm và kiểm tra nhập khẩu phim.

f
Sản phẩm văn hóa dù ở thời đại nào, dù đa dạng đến mấy cũng không thể tách rời bốn chuẩn lớn: Dân tộc - Nhân văn - Sáng tạo - Hòa nhập.

Theo đó, 3 chuyên đề cùng 17 tham luận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu lý luận văn hóa nghệ thuật và các lĩnh vực liên quan đã cung cấp cái nhìn khá toàn diện về vai trò của văn hóa, ảnh hưởng của văn hóa phẩm trong đời sống xã hội hiện đại. Các ý kiến thống nhất cho rằng việc đánh giá chất lượng các sản phẩm văn hóa, chất lượng các hoạt động văn hóa, xây dựng quy chuẩn của văn hóa phẩm Việt Nam trong xã hội hiện đại, trong cơn bão thông tin toàn cầu là đòi hỏi bức thiết. Lần đầu tiên, vấn đề tiêu chuẩn, quy chuẩn của hầu hết các lĩnh vực văn hóa, văn học - nghệ thuật từ sách, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, sân khấu, điện ảnh… được nhìn nhận, lý giải một cách nghiêm túc, căn cơ.

Theo nhà phê bình lý luận Ngô Thảo, hoạt động văn hóa nghệ thuật đương đại đang chứng kiến những biến động liên tục, trong tình trạng đan xen, giao thoa, lai tạp giữa các thể loại, vì vậy cần xây dựng những quy chuẩn, tiêu chuẩn mới cho vật phẩm văn hóa. Có điều, dù thời đại nào thì văn hóa cũng là “điều còn lại”, sau khi nhiều thứ khác mất đi. Tính “ăn xổi ở thì”, tùy tiện, cơ hội… là xa lạ với bản chất của văn hóa. Dù đó là tác phẩm văn học, âm nhạc, sân khấu, phim, lễ hội… thì khi xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn cũng cần chú ý đến đặc điểm này.

Khá gần với quan điểm của ông Ngô Thảo, nhà thơ Trần Ninh Hồ cho rằng, sản phẩm văn hóa dù ở thời đại nào, dù đa dạng đến mấy cũng không thể tách rời bốn chuẩn lớn: Dân tộc - Nhân văn - Sáng tạo - Hòa nhập. Đây vừa là mục đích, vừa là động lực góp phần tạo nên “sức mạnh nội sinh quan trọng của sự phát triển” của quốc gia.

Các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành đối với từng lĩnh vực cụ thể như điện ảnh, sân khấu, nghệ thuật tạo hình, nhiếp ảnh, thiết kế hình ảnh động, thư viện… lần lượt được chỉ ra mặt ưu và khuyết. Từ đó, nhiều ý kiến đề xuất các giải pháp xây dựng, bổ sung phù hợp tình hình mới, trong đó nhấn mạnh vai trò quản lý nhà nước đối với mỗi loại hình sản phẩm văn hóa.

Vấn đề bản quyền đối với các sáng tạo văn hóa nghệ thuật và sản phẩm văn hóa cũng được các đại biểu tham dự hội thảo đặc biệt quan tâm. Bởi, một khi việc bảo hộ quyền tác giả ở mỗi quốc gia được thực hiện có hiệu quả sẽ khuyến khích các hoạt động sáng tạo, thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

          Thanh Tân - Trọng Huy

;
.
.
.
.
.