Tại triển lãm mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 18 được tổ chức vào tháng 8 vừa qua, Đà Nẵng là đơn vị được chọn nhiều tác phẩm nhất so với toàn khu vực, đồng thời cũng là đơn vị có nhiều tác phẩm chất lượng đoạt giải thưởng.
Họa sĩ Đặng Mậu Tựu - Ủy viên BCH Hội Mỹ thuật Việt Nam, phụ trách miền Trung - đã đánh giá cao những nỗ lực sáng tạo của mỹ thuật Đà Nẵng. Ông nói: “Có thể nhìn thấy trong các sáng tác của các họa sĩ, nhà điêu khắc trẻ tuổi sự đổi mới cả về nội dung đề tài lẫn cách thức biểu hiện. Đó là nỗ lực bứt phá, đi tìm cái tôi bên trong thay vì phản ánh hiện thực bên ngoài như lối sáng tác truyền thống…”.
Múa Chăm - tranh sơn dầu của Hoàng Đặng. |
Họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng, cũng nêu rõ: Với xu thế phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, trong những thập niên qua, mỹ thuật Việt Nam đã có nhiều thành tựu trên các lĩnh vực sáng tác - triển lãm - lý luận phê bình, bằng nhiều cuộc triển lãm, giao lưu văn hóa, thực tế sáng tác… trong và ngoài nước. Hòa trong dòng chảy của sự phát triển ấy, đội ngũ sáng tác mỹ thuật Đà Nẵng luôn hoạt động không ngừng, góp phần cộng hưởng trong bản hòa tấu đầy màu sắc với phong cách riêng, đậm nét văn hóa vùng, miền.
Trong 5 năm qua, Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng đã có hơn 35 cuộc triển lãm trong và ngoài nước, do tổ chức Hội và cá nhân thực hiện. Trong đó có nhiều cuộc triển lãm quy mô lớn, thu hút sự quan tâm của công chúng như: Triển lãm mỹ thuật Đà Nẵng 1975-2010, mỹ thuật Đà Nẵng 1997-2011… Đội ngũ mỹ thuật Đà Nẵng đã giành nhiều giải thưởng cao, huy chương, bằng khen với các giải thưởng quốc gia, giải thưởng khu vực, giải thưởng văn học - nghệ thuật của thành phố…
Ở lĩnh vực hội viên, trong năm 2012, nhà điêu khắc Phạm Hồng được trao Giải thưởng cấp Nhà nước. Bên cạnh đó còn có nhiều cuộc triển lãm do các đoàn thể, cá nhân, CLB, nhóm họa sĩ… tổ chức giới thiệu tác phẩm trong và ngoài nước…
Mỹ Sơn - tranh sơn dầu của Nguyễn Trọng Dũng. |
Tuy nhiên, trước sự phát triển không ngừng của Đà Nẵng về cơ sở hạ tầng, sự đầu tư của thành phố trong lĩnh vực văn hóa cũng như mỹ thuật còn nhiều hạn chế. Họa sĩ Lê Quốc Bảo, nhà nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam, nói rằng Đà Nẵng cần trở thành “miền đất hứa” cho sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt là mỹ thuật. “Một bảo tàng mỹ thuật giới thiệu tinh hoa mỹ thuật đặc sắc của khu vực miền Trung - Tây Nguyên sánh vai với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh; một nhà triển lãm mỹ thuật hội đủ ánh sáng và độ lùi về không gian để chiêm ngưỡng tác phẩm văn hóa - nghệ thuật tạo hình. Nhà trưng bày ở 78 Lê Duẩn không hội đủ không gian ánh sáng đúng với đặc thù của nghệ thuật thị giác. Không có nhà triển lãm bề thế thì không thể tổ chức được triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Buồn thay, lần đầu tiên một triển lãm mỹ thuật toàn quốc chỉ bày được 1/4 số lượng tác phẩm, do không đủ không gian trưng bày (không phải Đà Nẵng không đủ tiềm năng xây dựng một bảo tàng mỹ thuật, một nhà triển lãm đúng với tầm vóc, tư thế một đô thị lớn)… Đà Nẵng còn thiếu bảo tàng mỹ thuật, nhà triển lãm mỹ thuật cho tương xứng một đô thị lớn...”.
Nhiều họa sĩ gắn bó với phong trào mỹ thuật Đà Nẵng lâu nay cũng lên tiếng: “Ở một số địa phương khác trong khu vực, sau mỗi đợt triển lãm đều dành khoản kinh phí nhất định để mua lại những tác phẩm mỹ thuật đạt chất lượng cao để lưu giữ, bảo quản, nhưng Đà Nẵng vẫn chưa làm được”.
Được biết, theo đề án Quy hoạch hệ thống các bảo tàng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, lãnh đạo thành phố đã có Quyết định thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng để lưu giữ, sưu tầm những tác phẩm của các họa sĩ tại địa phương đoạt giải thưởng trong thời gian qua. Việc làm này dù chậm trễ nhưng vẫn còn hơn không. Bởi lẽ, điều đó khẳng định sự quan tâm đúng mức của địa phương đối với lĩnh vực văn hóa, đồng thời để góp phần hạn chế việc “chảy máu chất xám”, khi xu hướng phần lớn các tác phẩm mỹ thuật giá trị trên cả nước đang lần lượt rơi vào tay các nhà sưu tập nước ngoài.
TRẦN TRUNG SÁNG