.

Người truyền lửa cho phim tài liệu

.

Ông Đào Xuân Quỳnh là người từng đọc lời bình cho rất nhiều phim tài liệu (PTL) trên khắp mảnh đất miền Trung - Tây Nguyên này, trong đó có gần 20 phim đoạt huy chương vàng, huy chương bạc tại các liên hoan phim.

Ông Đào Xuân Quỳnh
Ông Đào Xuân Quỳnh

Người ta gọi Đào Xuân Quỳnh là người truyền lửa cho phim tài liệu. Những người trong nghề như ông còn gọi đây là công việc “bán giọng”.

“Rút ruột” trong từng lời đọc

Ông Đào Xuân Quỳnh được sinh ra tại “cái nôi quan họ” Bắc Ninh trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng với 5 anh em đều tham gia kháng chiến. Ông vốn là sinh viên Nhạc viện Hà Nội, được đào tạo bài bản về nhạc giao hưởng và là tay chơi kèn có hạng.

Ra trường trong thời điểm đất nước còn khó khăn, từ năm 1971-1981, ông cùng các anh em trong đoàn văn công Quân khu V bôn ba đi khắp mặt trận miền Trung - Tây Nguyên biểu diễn văn nghệ phục vụ chiến trường. Khoảng thời gian sau đó, ông làm đủ nghề để kiếm sống, kể cả hướng dẫn viên du lịch nội địa.

Ông bảo rằng, cơ duyên đến với nghề đọc lời bình rất buồn cười. Chẳng là trong một lần ông uống cà-phê với NSƯT Đoàn Huy Giao trước cổng Đài Truyền hình Đà Nẵng (nay là VTV Đà Nẵng), vị đạo diễn này than phiền có một bộ phim mà chưa ai đọc lời bình làm ông hài lòng. Lúc đó, ông Quỳnh còn là hướng dẫn viên du lịch. Thế là ông nói để mình đọc thử. Chỉ một lần đọc mà vị đạo diễn nổi tiếng khó tính này đã thích thú ngay. Đó là viên gạch đầu tiên mà ông Quỳnh xây dựng trong hành trình hơn 20 năm vào nghề của mình.

Chính những năm tháng dài rèn luyện tại Nhạc viện Hà Nội đã hỗ trợ ít nhiều cho ông trong việc đọc lời bình. Dẫu vậy, theo ông: “Đọc lời bình cho PTL không thể học, có học cũng không được. Bởi lẽ, ngoài giọng đọc trời cho, người đọc lời bình phải có độ thẩm thấu cao, nhận thức sâu sắc để hòa mình vào nhân vật, sự kiện và phải hiểu bộ phim đó, nếu có thể thì phải hơn cả cha đẻ của nó mới có thể đọc được”.

Với chất giọng trầm ấm, lên giọng, xuống giọng, rõ chữ tròn vành tự nhiên như không nên ông có thể đọc được tất cả các thể loại phim, từ lịch sử cho đến phim Việt Nam đất nước - con người, danh nhân… Ông cũng không thể nhớ hết mình đã tham gia bao nhiêu bộ phim. Ông bảo, hầu như với nhà làm phim nào trên mảnh đất miền Trung - Tây Nguyên này, ông cũng đều góp mặt trong đôi ba phim. Có nhiều đạo diễn làm phim ra và chỉ tin tưởng giao cho ông đọc. Một vài bộ phim ông từng tham gia có thể kể đến như: Làng chồ (đạo diễn Trí Trung), Trang đời huyền thoại (đạo diễn Trí Trung), Người giữ thành Hà Nội, Con mắt còn có đuôi (đạo diễn Huỳnh Hùng)…

Trong các thể loại phim, theo ông, khó nhất vẫn là đọc lời bình cho PTL nói về số phận con người. “Không có gì nhiều cung bậc cảm xúc như số phận con người. Kể cả niềm vui, nỗi đau của mỗi kiểu người cũng khác nhau và đòi hỏi mình phải thể hiện bằng các sắc thái giọng đa diện, đa chiều. Nhiều lúc đọc xong, nghe lại, mình cảm thấy chán với giọng của mình, câu chữ không như suy nghĩ của mình nên phải đọc lại cho bằng được!”, ông thổ lộ.

Khi nào chán giọng mình thì thôi!

Tự nhận xét về chất giọng của mình, ông chỉ gói gọn trong một chữ: Được! Các nhà làm phim cũng chưa bao giờ khen giọng ông hay hoặc dở, “họ cũng chỉ đánh giá là được. Khi nào họ còn giao phim cho mình đọc thì khi ấy giọng mình còn nghe được. Đời này khen nhau chữ được thôi là đủ!”. Với ông, đây cũng không phải một nghề vì có trường lớp nào đào tạo nghề đọc lời bình cho PTL đâu. Ông đến với công việc này một phần vì kế sinh nhai, một phần để thỏa đam mê.

Mấy chục năm làm bảo vệ cho VTV Đà Nẵng, ông mới về hưu cách đây mấy tháng nhưng vẫn là cộng tác viên thường xuyên cho các đài truyền hình và các đạo diễn. Ông tự nhủ: “Chừng nào tôi cảm thấy chán giọng mình thì thôi không làm nữa. Chừng nào mình cảm thấy mình kém cỏi, không bằng người ta thì ngưng”.

Ngoài việc gắn bó với công việc đọc lời bình, ông còn thường xuyên phổ nhạc cho bạn bè hay những ai có nhu cầu cũng là để đỡ “phí nghề”, đỡ nhớ lời ca, nốt nhạc. Nói là nói vậy, nhưng ông luôn tâm niệm phổ nhạc giống như đọc lời bình. Tùy thuộc vào tinh thần của bài thơ mà mình phổ nhạc sao cho phù hợp. Tùy thuộc vào tinh thần của bộ phim mà mình tìm ra hướng đọc sao cho hay, cho thấm thía.

Những người làm công việc như ông Quỳnh không quyết định hoàn toàn việc thành công của một bộ phim. Một bộ PTL từ lúc thai nghén ý tưởng đến lúc đóng máy bao giờ cũng có sự đóng góp sức lực, trí tuệ của nhiều người. Nhưng nếu không có những giọng đọc xuất thần như ông, những thước PTL sẽ mất đi nhiều tầng ý nghĩa, khi mà hình ảnh không thể dẫn dắt người đọc đi trên cùng chiến tuyến với đạo diễn.

BÌNH AN

;
.
.
.
.
.