Có thể nói, bằng những tác phẩm của mình, Nguyễn Nhật Ánh là “người bán vé đi tuổi thơ”.
Suốt 30 năm qua, những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh được các thế hệ thiếu nhi và ngay cả nhiều người đã đi qua cái tuổi ấy từ lâu đón nhận. Mang đến cho người đọc những cảm xúc hết sức thơ ngây, trong trẻo và tươi sáng của thế giới trẻ thơ, đó là thành công của Nguyễn Nhật Ánh.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong một buổi giao lưu, ký tặng độc giả. Ảnh: HOÀNG THU PHỐ |
Không… bán đắt
Có vẻ chưa bao giờ Nguyễn Nhật Ánh “bán đắt” cả. Cái giá vật chất được ghi trên bìa mỗi cuốn sách bao giờ cũng rất “mềm” so với những gì mà độc giả thu nhận được.
Tại lễ trao giải cuộc thi “Nguyễn Nhật Ánh và tôi” kéo dài suốt 5 tháng qua, diễn ra vào ngày 24-11 ở Nhà văn hóa Thanh Niên (số 4 Phạm Ngọc Thạch, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh), rất đông độc giả vây quanh nhà văn thần tượng của mình. Ở Việt Nam, trước Nguyễn Nhật Ánh, thi viết về một nhà văn còn đang sống hình như chưa có tiền lệ. Tất nhiên, “người bán vé đi tuổi thơ” rất… khôn, ông không tự đứng ra tổ chức cuộc thi. Tất cả đều do đơn vị xuất bản hàng loạt sách của ông trong thời gian qua là NXB Trẻ tổ chức. Nhưng có qua cuộc thi như thế mới thấy “sức hút”, “độ nóng” của Nguyễn Nhật Ánh “ghê gớm” tới mức nào. Hàng ngàn bài viết được gửi đến, trong đó có những thông điệp mà nhiều nhà văn muốn đón nhận: Tác phẩm của chú đã giúp tôi vượt qua giai đoạn đen tối nhất của cuộc đời, Những trang sách ấu thơ, Cảm ơn chú Nguyễn Nhật Ánh mai mối , Tâm hồn tôi đẹp lên nhờ truyện của chú, Tôi đang sưu tập truyện của chú cho… con tôi sau này, v.v…
Cuộc thi như mở thêm một cánh cửa để bạn đọc có dịp “đối thoại” cùng nhà văn và về những trang viết từng đọc. Nó giống như một cuộc “sát hạch” tâm hồn bạn đọc. Hay nói giản dị hơn, nó là một sân chơi và ở đó, người - chơi - độc - giả có thể tự vấn mình, đồng thời nói lời cảm ơn hay nhắn nhủ tới tác giả những mơ ước của mình. Đây cũng chính là một sân chơi rộng rãi, cởi mở để mọi người thoải mái mà không cảm thấy có chút mệt mỏi vì… phải xếp hàng như mỗi khi nhà văn ra sách.
Nhà văn chuyên nghiệp
Nếu sắp tới có đơn vị nào lại đứng ra tổ chức một cuộc thi về hình mẫu nhà văn chuyên nghiệp ở Việt Nam, tôi chắc rằng Nguyễn Nhật Ánh sẽ đoạt giải nhất. Có hai lý do để tin tưởng điều này. Thứ nhất, vì ông có lượng fan đông đảo nhất trong số các nhà văn ở xứ này, bằng chứng là chưa thấy nhà văn nào mỗi lần ra sách lại có hàng dài độc giả đứng xếp hàng trong nhiều tiếng liền để xin chữ ký. Thứ hai, đó là “giữ nếp” ra sách mới rất đều đặn. Ở khía cạnh này, có thể cũng có một vài “cạnh tranh” nhưng không mấy “quyết liệt” và chắc không đáng ngại, bởi sự đều đặn ra sách mới của Nguyễn Nhật Ánh đã “đạt chuẩn”.
Nhẩm lại, mỗi năm ít nhất Nguyễn Nhật Ánh ra một đầu sách, những cuốn sách được bạn đọc chờ đón ngay cả khi chưa phát hành với số lượng kỷ lục trong giới xuất bản Việt Nam. Suốt 30 năm qua, gần 100 tác phẩm của ông đã trở thành người bạn thân thiết và đồng hành cùng các thế hệ thiếu niên, nhi đồng khắp cả nước, đóng góp phần nào vào tâm hồn phong phú với những cảm xúc đẹp như mơ trong những tháng năm đẹp nhất cuộc đời. Cuốn sách mới nhất xuất bản trong năm nay là Ngồi khóc trên cây cũng gây dư chấn trong thị trường sách, với hàng chục ngàn bản bán hết trong tuần đầu, và được tái bản ngay trong ngày phát hành đầu tiên.
Người “đa di năng”
Nhưng Nguyễn Nhật Ánh không chỉ là nhà văn của thiếu nhi, mà ông còn là một cây bút thể thao được nhiều người nhớ trên tờ Sài Gòn Giải Phóng với bút danh Chu Đình Ngạn. Một “Anh Bồ Câu” trên mục Vườn hồng của tờ Thanh Niên. Đều đặn tuần nào cũng thấy Nguyễn Nhật Ánh xuất hiện với tư cách nhà báo. Và ở khía cạnh này, Nguyễn Nhật Ánh cũng rất “chuyên nghiệp” trong việc tạo màu sắc riêng cho từng chuyên mục. Những ai từng đọc và say mê mục Thể thao của ông đều nhận ra sự biến ảo linh hoạt trong việc sử dụng ngôn ngữ kiếm hiệp để tạo nên sự so sánh, liên tưởng khác biệt và đầy lôi cuốn giữa võ học và bóng đá. Điều đó tạo nên phong cách bình luận Nguyễn Nhật Ánh không lẫn. Trong khi đó, ở mục tâm lý Vườn hồng, dù chỉ thông qua câu trả lời… vài chục chữ nhưng sự dí dỏm, thông minh và am hiểu tâm tư, tình cảm của độc giả khiến người đọc được mỉm cười thú vị.
Ở mảng sách viết cho người lớn, Nguyễn Nhật Ánh cũng tạo được dấu ấn qua một số cuốn như Người Quảng đi ăn mì Quảng, Sương khói quê nhà…
Và Nguyễn Nhật Ánh cũng không chỉ là nhà văn hay một người viết báo có “số má”. Nhiều tín hiệu để người ta tin ông là một doanh nhân. Ông mở quán ăn Đo Đo ở đường Lương Hữu Khánh (quận 1, thành phố Hồ Chí Minh). Mang phong vị quê hương xứ Quảng để… quảng bá trước hết là với bạn văn, bạn hữu ở thành phố Hồ Chí Minh, rồi dần dần trở thành một “thương hiệu ẩm thực”. Trong khi nhiều văn nghệ sĩ mở quán tháng trước, tháng sau phải đóng cửa thì Nguyễn Nhật Ánh vẫn trụ vững và… thăng hạng.
Chưa hết, năm ngoái ông cùng vợ và con gái còn khai trương tiệm sách Kính Vạn Hoa cách quán ăn không xa. Ở đó không chỉ có sách của Nguyễn Nhật Ánh mà còn có đủ các vật phẩm, như áo thun, bút, sổ, postcard, ống kính vạn hoa… lấy ý tưởng từ các tập truyện do ông sáng tác.
Bởi thế, cũng bắt đầu có những giai thoại về một Nguyễn Nhật Ánh nhà-văn-doanh-nhân “đa di năng” nhất trong giới cầm bút nước mình.
HOÀNG THU PHỐ