.
Phim Đồng Tháp Mười - chiến khu bưng biền huyền thoại

Tinh thần Nam Bộ "thành đồng Tổ quốc"

.

Đạo diễn Phạm Xuân Nghị cho biết, khi bắt tay làm bộ phim tài liệu lịch sử Đồng Tháp Mười - Chiến khu bưng biền huyền thoại, ông thật sự hiểu sâu sắc hai chữ “huyền thoại” của căn cứ Xứ ủy đầu tiên tại Nam Bộ.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải (giữa) và các vị lão thành cách mạng đang trò chuyện tại di tích Miếu bà chúa Xứ ở Gò Tháp (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) trong ngày công bố bộ phim Đồng Tháp Mười - Chiến khu bưng biền huyền thoại.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải (giữa) và các vị lão thành cách mạng đang trò chuyện tại di tích Miếu bà chúa Xứ ở Gò Tháp (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) trong ngày công bố bộ phim Đồng Tháp Mười - Chiến khu bưng biền huyền thoại.

Bộ phim được Tỉnh ủy Đồng Tháp tổ chức ra mắt tại di tích Gò Tháp (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) vào ngày 15-12 vừa qua. Đây là bộ phim phục dựng lại phần nào hoạt động của Xứ ủy Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Pháp giai đoạn 1946-1949 tại Đồng Tháp Mười do Hãng phim truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (TFS) thực hiện.

Đạo diễn Phạm Xuân Nghị chia sẻ:  

- Với tư cách cá nhân, tiếp cận đề tài này là dịp để tôi học lại những gì cha ông đã làm. Tôi chưa biết nhiều về Đồng Tháp, nhưng Cao Lãnh là nơi ba tôi từng hoạt động cách mạng. Từ đó, những việc tôi đã làm gần như là hành trình trở lại với những gì ba tôi đã đi qua trong quá khứ.

Khi bắt tay làm phim, tôi thật sự hiểu sâu sắc hai chữ “huyền thoại”. Đúng là huyền thoại khi chỉ trong vòng 4 năm (1946-1949), trong điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt, gian khổ, các cụ đã gây dựng thành công căn cứ Xứ ủy đầu tiên tại Nam Bộ, cũng là tiền đề quan trọng của cuộc kháng chiến chống Pháp trên cả nước.

Trong quá trình tìm tư liệu, tôi rất tâm đắc với sự kiện năm 1945, sau khi thực dân Pháp gây hấn vào ngày 23-9, tại Nhà hát Lớn ở Hà Nội treo khẩu hiệu “Nam Bộ là đất Việt Nam”, cũng như những tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này trên đất Pháp: “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam...”. Và để khẳng định điều đó, cả dân tộc đã phải kiên cường suốt trong những năm tháng kháng chiến chống ngoại xâm.

Điều khiến tôi còn băn khoăn nhiều là trong bộ phim này, tôi vẫn chưa thể hiện được hết tinh thần Nam Bộ “thành đồng Tổ quốc” như Bác Hồ đã nói. Quay trở lại với câu hỏi của bạn, tôi muốn nói thêm một điều nữa, tôi làm bộ phim này là muốn dành cho cha tôi.

* Thưa anh, trước đây, TFS đã làm phim nào về chiến khu Đồng Tháp Mười chưa?

- Đã có nhiều bộ phim như thế. Khi thành lập Hãng phim TFS, Anh hùng lao động - NSND Phạm Khắc đặt ra tiêu chí trước hết trong mục tiêu và nhiệm vụ của hãng là phải nói được những gì tiêu biểu, đặc trưng nhất của Nam Bộ. Vì vậy, rất nhiều hình ảnh, tư liệu trong phim vừa rồi tôi làm là do các đồng nghiệp ở Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh, Hãng phim TFS cung cấp. Không có sự hỗ trợ đó, bộ phim này khó có thể hoàn thành như mong muốn của tỉnh Đồng Tháp cũng như của các bác lão thành cách mạng đã tham gia chiến đấu tại chiến khu Đồng Tháp Mười.

* Với bộ phim có ý nghĩa lớn và quy mô như thế, việc chuẩn bị khâu kịch bản, kế hoạch thực hiện phải rất kỹ lưỡng?

- Chúng tôi may mắn có Hội đồng cố vấn lịch sử do nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải chủ trì cùng các bác lão thành cách mạng với hệ thống tư liệu được tập hợp trong rất nhiều năm. Chúng tôi cũng có cuốn hồi ký Xứ ủy Nam Bộ với chiến khu Đồng Tháp Mười huyền thoại (1946-1949). Đây là cơ sở tư liệu rất quan trọng để chúng tôi dựa vào thực hiện bộ phim. Dù vậy, vẫn có tính độc lập tương đối giữa một tác phẩm truyền hình và một cuốn sách.

Tôi đã mất 1 năm 4 tháng để hoàn thành bộ phim. Khoảng thời gian đó không ngắn nhưng cũng không quá dài. Tôi vẫn cho rằng, lần làm phim này là dịp để chúng tôi học lại lịch sử. Do đó, điều gì chưa biết, chưa rõ, chúng tôi đều gặp các bác cựu chiến binh hỏi chuyện. Từ câu chuyện kể của các bác, chúng tôi chọn lọc, xâu chuỗi và đưa vào phim.

Tôi thấy chúng ta đã làm khá nhiều phim về Nam Bộ, về các cuộc kháng chiến đã qua, nhưng với giai đoạn Nam Bộ kháng chiến từ 1946-1949 thì vẫn còn thiếu. Bộ phim Đồng Tháp Mười - chiến khu bưng biền huyền thoại cũng là cách để mọi người hiểu hơn về giai đoạn này và những cống hiến của cha anh thời đó.

* Được biết, đoàn làm phim đã phải sang Pháp tìm tư liệu cho bộ phim?

- Để làm bộ phim này, Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Đồng Tháp đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để chúng tôi tìm kiếm tư liệu.

Chúng tôi đã đến Viện lưu trữ quốc gia về hình ảnh, âm thanh của Pháp. Tư liệu của Pháp về Đông Dương rất nhiều, nhưng để khai thác được thì vấp phải Luật khai thác bản quyền. Vì tôn trọng luật này, chúng tôi phải ghi rõ tên bộ phim là Đồng Tháp Mười - chiến khu bưng biền huyền thoại và nội dung phim cùng yêu cầu giới hạn thời gian của tư liệu là trước năm 1950. Tuy nhiên, với rất nhiều quy định gây khó dễ của đơn vị này, rốt cuộc chúng tôi không thể mua được thước phim tư liệu nào liên quan đến nội dung cần thực hiện của bộ phim.

Sau chuyện này, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Trong chiến tranh, chúng ta bị xâm lược, bị cướp tài nguyên, phải gánh chịu bao tang thương, mất mát. Sau chiến tranh, giờ đây, ngay cả những thông tin về đất nước mình, mình vẫn phải bỏ tiền để mua, để được tìm hiểu. Đó là sự vô lý.   

* Như vậy, làm thế nào để anh có thể khắc phục những thiếu sót khi không thể mua lại được tư liệu từ Pháp?

- Cái này chúng tôi phải nhờ các mối quan hệ thân tình và cũng nhờ truyền thống làm phim tư liệu dày dặn của TFS. Qua nhiều nguồn bổ sung khác nhau, cuối cùng đoàn làm phim cũng đã có được những tư liệu cần thiết.

Và trong bộ phim tài liệu lịch sử Đồng Tháp Mười - chiến khu bưng biền huyền thoại, tôi tự tin khẳng định là đã không sử dụng bất cứ tư liệu lịch sử nào có sau năm 1949.

* Hẳn là trong quá trình làm phim, anh cũng nảy ra một số ý tưởng khác cho những bộ phim tài liệu tiếp theo từ các nhân vật, sự kiện có cơ hội tiếp xúc?

- Thực ra, 4 tập phim này chỉ là nét phác thảo tổng thể để thấy được huyền thoại của mảnh đất Nam Bộ - thành đồng Tổ quốc, trong đó còn biết bao câu chuyện rất hay và sinh động, có thể là đề tài của phim truyện, phim tài liệu và các loại hình nghệ thuật khác.

Chẳng hạn, câu chuyện bác Trang Sỹ Liêm kể cho chúng tôi nghe về việc in đồng bạc Bác Hồ ở Nam Bộ. Thời điểm đó tôi nghĩ, chỉ riêng việc chở một cái máy in từ nơi khác tới đã là cả một trở ngại vô cùng lớn. Khó khăn về vật chất nữa, tiền ở đâu ra? Lúc đó, luật sư Nguyễn Thành Vĩnh đã đóng góp 2kg vàng để cách mạng mua máy in tiền.

Một điều đáng nói nữa ở đây là chất liệu và công nghệ in tiền của ta thời ấy còn rất thô sơ. Nhưng nhân dân vẫn coi đó là đồng tiền quý giá. Điều đó thể hiện lòng tin của dân đối với cách mạng. Câu chuyện Tuần lễ vàng cũng cho thấy niềm tin đó. Nếu không có lòng yêu nước, chẳng ai làm chuyện ấy.

Lại nữa là câu chuyện về đốc phủ sứ Phan Văn Chương. Nếu ông cụ vẫn ở địa vị quan lại trong chính quyền thực dân phong kiến, cụ là người có địa vị, có tiền. Nhưng cụ đã từ bỏ mọi danh lợi để theo cách mạng. Cùng với đó là tấm gương bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, giáo sĩ Cao Triều Phát và nhiều trí thức học ở Pháp về đã đi theo, ủng hộ kháng chiến, ủng hộ cách mạng.

Bộ phim tài liệu lịch sử Đồng Tháp Mười - Chiến khu bưng biền huyền thoại phục dựng góc nhìn toàn cảnh những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp giữa chốn bưng biền. Bộ phim dài 4 tập, thời lượng mỗi tập từ 22-25 phút, trong đó tập 1 là Bưng biền, tập 2 là Đồng lòng, tập 3 là Những bản hùng ca và tập 4 là Xã hội kháng chiến.

Bộ phim còn phản ánh đặc trưng văn hóa, thiên nhiên và con người Đồng Tháp Mười, tính độc đáo của căn cứ Đồng Tháp Mười - thủ đô kháng chiến trong thời kỳ đầu chống Pháp (1946-1949). Bộ phim tài liệu lịch sử Đồng Tháp Mười - Chiến khu bưng biền huyền thoại sẽ được công chiếu vào dịp lễ kỷ niệm 69 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Cụ thể, phim sẽ phát sóng trên kênh truyền hình HTV9, lúc 7 giờ các ngày 19, 20, 21 và 22-12 này.

(Nguồn: UBND tỉnh Đồng Tháp)

DƯƠNG KIM THOA thực hiện

;
.
.
.
.
.