.

Tài năng nhí âm nhạc: Đừng biến các em thành "gà đẻ trứng vàng"

.

Năm 2013 đang khép lại, trong bộn bề của đời sống văn nghệ không thể không kể về mảng màu do các “tài năng nhí” đóng góp. Việc tham gia sân khấu ca nhạc, các em ngoài việc thể hiện khả năng, thỏa mãn ước mơ ca hát, cũng xuất hiện nhiều hệ lụy. Một trong những hệ lụy ấy là liệu các em có trở thành “gà đẻ trứng vàng” cho người lớn?

Phương Mỹ Chi và Quang Anh trở thành những ngôi sao từ cuộc thi The Voice Kids.
Phương Mỹ Chi và Quang Anh trở thành những ngôi sao từ cuộc thi The Voice Kids.

Những cuộc đổi đời và hệ lụy

Việc Phương Mỹ Chi dính đến nghi án “hét giá” đến 100 triệu đồng cho một buổi biểu diễn tại Hà Nội vừa qua đã khiến ngôi sao nhí mới nổi này có ấn tượng không đẹp trong lòng khán giả. Sau khi thỏa thuận lại, “ông bầu” Quang Lê của em khẳng định cát-xê của Mỹ Chi có nhiều hơn so với con số 50 - 60 triệu đồng chút ít, song không đến mức 100 triệu đồng. Tuy nhiên, con số này cũng khiến khán giả giật mình vì sức kiếm tiền của cô bé mới 10 tuổi.

Trước đó, sau khi nổi danh tại cuộc thi Giọng hát Việt nhí (The Voice Kids), cái tên Phương Mỹ Chi cũng từng “gây bão” trong dư luận khi gia đình cô đề nghị mức giá 600 triệu đồng cho 10 bài hát chưa thu âm với một công ty khai thác nhạc chuông, nhạc chờ.

Như vậy, Phương Mỹ Chi đã thật sự đổi đời, bước thẳng từ việc ca hát nghiệp dư, theo sở thích lên sân khấu chuyên nghiệp. Dù mất vị trí số một nhưng cô bé đã “được” rất nhiều. Đầu tiên phải kể đến việc cô bé là thí sinh duy nhất được Trường THCS Tây Úc tặng học bổng toàn phần, tạo điều kiện để chạy sô vì lịch diễn dày đặc. Có thông tin cát-xê của Phương Mỹ Chi từ 20 triệu đồng đến hơn 5.000 USD, rẻ nhất cũng là 10 triệu đồng/show, độ “hot” không hề kém các ca sĩ lâu năm, nổi tiếng. Chưa hết, cô bé còn nhận được nhiều lời mời hấp dẫn từ các dự án ca hát, đóng phim. Và để phục vụ cho sự nghiệp mới phất của con gái, những người thân của cô bé không còn lận đận bán xôi nữa mà chuyên tâm vào việc “tháp tùng” ca sĩ nhí đi ca hát.

Điều đáng kể nhất là Mỹ Chi được “ông bầu” Quang Lê để mắt đến. Một hợp đồng 2 năm được ký kết, được tặng một chiếc micro trị giá 10.000 USD (hơn 200 triệu đồng) cùng việc thu âm album đầu tay dự kiến phát hành sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ. Bên cạnh đó, “cha nuôi” Quang Lê còn sắp xếp cho cô con gái những lịch diễn ở những chương trình lớn, cho tiền sửa nhà mới cùng lời hứa hẹn sẽ kiếm được nhiều tiền khi xuất ngoại biểu diễn.

Trong khi đó, đạt ngôi vị quán quân, cậu bé Quang Anh tuy không “nổi như cồn” bằng Phương Mỹ Chi nhưng cũng có được hợp đồng với Công ty Cát Tiên Sa, cũng bước chân vào sự nghiệp ca hát chuyên nghiệp. Như vậy, cùng với việc đứng dưới ánh đèn sân khấu, trở thành ca sĩ, dù muốn dù không, các em nhỏ cũng bắt buộc phải đối đầu với những thị phi hệ lụy từ ngành công nghiệp giải trí.

Đâu là điểm dừng?

Có ý kiến cho rằng Quang Lê “dựa hơi” Phương Mỹ Chi để kiếm tiền và lấy lại độ “hot” của mình. Cũng có ý kiến cho rằng, gia đình Phương Mỹ Chi đang “tận thu”, khai thác triệt để con gái mình như “gà đẻ trứng vàng”. Dù sao đi nữa người lớn cũng nên tỉnh táo để biết điểm dừng và biết thế nào là đủ với một cô bé 10 tuổi.

Quang Lê từng cho biết, giữa anh và “cô bé hát dân ca” sẽ không có chuyện “chia phần trăm” một cách rành mạch, lạnh lùng, nguyên tắc như các bản hợp đồng của “bầu sô” và ca sĩ khác. Theo đó, cát-xê sẽ dựa trên chi phí đi lại, ăn ở của Phương Mỹ Chi, người quản lý và mẹ bé. Mỹ Chi sẽ giữ phần lớn, Quang Lê chỉ giữ lại phần nhỏ.

Qua những câu chuyện về hệ lụy của các ngôi sao nhí, vấn đề được đặt ra là vai trò của gia đình ở đâu. Dù có động lực là kiếm tiền và thỏa mãn niềm đam mê ca hát, nhưng nếu không được định hướng đúng mức, các em cứ lao theo đà này, trong vòng hào quang của tiền bạc, danh vọng đến sớm, liệu khi sự hồn nhiên trong trẻo tan nhanh, giọng hát không còn mới và “hot” như trước, trở về với đời thực, các em sẽ sống ra sao? Các em sẽ khó có thể hoàn thành được cả sự nghiệp lẫn việc học hành, bổ sung kiến thức và hình thành, phát triển nhân cách một cách tự nhiên.

Sự khắc nghiệt của các cuộc đua tranh từng khiến những người trong cuộc như ca sĩ Thái Thùy Linh (giám khảo Đồ rê mí), Hiền Thục (huấn luyện viên Giọng hát Việt nhí) lên tiếng thương những em nhỏ, thậm chí bày tỏ không cho con cái mình tham gia những cuộc thi như vậy xem ra cũng là bài học không nhỏ cho các bậc phụ huynh tham khảo.

PHẠM HƯƠNG

;
.
.
.
.
.