Năm 2013 vừa qua, chúng ta chứng kiến sự ra đi của nhiều nhân vật hàng đầu, trong đó có Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Hoàng Như Mai, một trong những người có công khai mở nền giáo dục Việt Nam hiện đại, người thầy đáng kính của nhiều thế hệ học trò. Ông còn là một nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, tác giả của vở kịch nổi tiếng Tiếng trống Hà Hồi, tập thơ Trao cho nhau cuộc đời và một số công trình văn hóa, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất.
GS Hoàng Như Mai (bên trái) và GS Huỳnh Như Phương. Ảnh: P.H |
Một hành trình tuổi trẻ dấn thân đầy sôi động
Hoàng Như Mai sinh ngày 26-9-1919, quê quán ở Hà Đông, nay thuộc Thanh Trì ngoại thành Hà Nội, trong một gia đình quan lại. Khi Hoàng Như Mai mới vài tuổi đầu thì cha đã hưu trí rồi bệnh mất, phải sống trong vòng tay thương yêu của người mẹ nghèo góa bụa.
Sau khi đỗ tú tài triết trường Bưởi, ông vào đại học y. Nhưng vì thích làm chính trị nên một năm sau ông bỏ trường y sang học trường luật. Học trường luật ba năm, đến kỳ thi cuối cùng, ông lại bỏ trường cùng bạn bè lên Quảng Ninh đi thực tế tìm hiểu đời sống công nhân mỏ. Bị giới chủ mỏ than nghi ngờ theo dõi, ông trở về Hà Nội xin vào Viễn Đông bác cổ và Thư viện Quốc gia đọc sách, tích lũy kiến thức.
Quá say mê đọc sách, quên ăn quên uống, ông bị suy kiệt ngã bệnh, được gia đình đưa về đồn điền cao su của người anh ruột ở Hải Dương điều dưỡng. Hết bệnh, ông được bạn bè rủ đi dạy học ở Trường trung học tư thục tỉnh Hải Dương. Tại trường này, ông tham gia Hội Truyền bá quốc ngữ và tổ chức yêu nước Thanh niên Phan Anh. Đầu năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, trường bị giải tán, ông về Hà Nội rồi hòa vào khí thế Cách mạng tháng Tám, ông chuyển sang làm báo và hoạt động văn nghệ, viết sách “vỡ lòng” về kinh tế Mác-xít.
Thực dân Pháp tái chiếm Nam Bộ, vợ chồng ông tham gia Đoàn kịch Độc Lập do Sĩ Tiến đứng đầu lên đường Nam tiến cùng với nhiều nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà báo để tuyên truyền chống Pháp. Theo đường tàu hỏa, đến Huế đoàn kịch dừng lại biểu diễn. Lúc sắp ra mắt đồng bào cố đô, bỗng có tin “Việt gian” Đào Mộng Long bị bắt. Không có kép chính Đào Mộng Long thì đoàn kịch không thể diễn, trong khi đã quảng cáo rầm rộ, cần thu tiền vé để có kinh phí tự túc hoạt động. Đang chạy đôn chạy đáo lo công việc giao dịch, Hoàng Như Mai buộc phải về vào thử vai diễn của Đào Mộng Long, dù ông chưa một lần lên sân khấu...
Nghệ sĩ Đào Mộng Long bị bắt đưa vào Đà Nẵng thì được minh oan là bắt lầm, liền vội trở ra Huế ngay lúc vở kịch đang diễn. Họ Đào lấy vé lặng lẽ vào rạp ngồi bên dưới xem. Vở diễn kết thúc, Đào Mộng Long đến vỗ vai Hoàng Như Mai: “Ông đóng hơn mình đấy. Ông đô con, giọng ông lớn, sang sảng, đóng hợp hơn mình”. Và họ Đào đề nghị họ Hoàng tiếp tục thủ diễn vai đó còn mình nhận vai khác. Vậy là từ một tình thế bất đắc dĩ, Hoàng Như Mai trở thành diễn viên kịch trên đường Nam tiến.
Cũng chính trên hành trình vào Nam, Hoàng Như Mai bắt đầu soạn nhiều vở kịch thấm đẫm tình yêu nước như Sát thát, Người tù binh… và đặc biệt là Tiếng trống Hà Hồi vang lừng, mượn đề tài Quang Trung đại phá quân Thanh để kích thích lòng yêu nước quân dân ta. Vở kịch này đã được công diễn từ Bắc chí Nam, mà trong công trình Miền Nam giữ vững thành đồng của GS. Trần Văn Giàu và giáo trình Lịch sử văn học do GS. Huỳnh Lý biên soạn đã ghi nhận sự tác động tích cực của nó trong hai cuộc kháng chiến.
Được mượn làm... hiệu trưởng và trở thành nhà giáo dục hàng đầu
Sau khi Đoàn kịch Độc Lập trải qua Huế, Đà Nẵng, Hội An… đến biểu diễn ở Phú Yên thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Đoàn kịch chia làm hai đội ở đây một thời gian rồi vượt Trường Sơn trở ra Bắc. Hoàng Như Mai về công tác văn nghệ ở quê vợ Hưng Yên. Tại Đại hội thành lập Hội Văn hóa kháng chiến tỉnh Hưng Yên tổ chức ở đình làng Đọ, Hoàng Như Mai được bầu làm Tổng thư ký (họa sĩ Lương Xuân Nhị làm hội trưởng, nhà thơ Vũ Đình Liên làm hội phó). Năm 1949, Hưng Yên bị quân Pháp chiếm. Hoàng Như Mai cùng các văn nghệ sĩ chuyển sang Thái Bình tiếp tục hoạt động văn hóa cứu quốc.
Năm 1948, Tỉnh bộ Việt Minh Thái Bình có quyết định thành lập Trường trung học chuyên khoa Phan Thanh (tên của một nhà hoạt động xã hội, giáo dục yêu nước nổi tiếng thời kỳ Mặt trận Bình dân). Trường quy tụ nhiều nhà giáo, học giả, văn nghệ sĩ có uy tín về giảng dạy như: Nguyễn Tường Phượng, Hoàng Công Khanh, Lương Ngọc Khuê, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Lê Đại Thanh, Tạ Tuyên… Theo hồi ức của GS. Hoàng Như Mai: “Khi mở một trường trung học chuyên khoa mà các giáo sư hầu hết là các nhà văn hóa, văn nghệ có danh tiếng nên ban sáng lập muốn tìm một người làm văn hóa, văn nghệ để có thể hòa hợp được với các giáo sư; đồng thời lại là người đã có quá trình dạy học làm hiệu trưởng. Ban sáng lập đã chọn tôi, vì tôi là người có tạm đủ hai tư cách ấy, và nói với tôi rằng trong lúc đầu chưa tìm được ai thích hợp nên mượn tôi tạm chuyển từ ngành văn hóa sang ngành giáo dục một thời gian. Tôi bằng lòng và không ngờ cái sự “tạm mượn” ấy khiến tôi trở thành cán bộ giáo dục cho đến nay, suốt cả đời người”.
Từ thời điểm được “tạm mượn” ấy cho tới khi GS Hoàng Như Mai mãi mãi ra đi vào ngày 27-9-2013 vừa qua là 65 năm, ông trải qua nhiều môi trường giáo dục khác nhau, từ trung học lên đại học, từ Bắc chí Nam, từ trong nước đến ngoài nước. Ở đâu ông cũng cống hiến hết mình, góp phần đào tạo nên nhiều thế hệ nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội, nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo... Ông còn là trung tâm đoàn kết các thành phần khác nhau, như nhận định của một người học trò thân thiết là GS, TS Huỳnh Như Phương: “Ngay cả khi đã về hưu, thầy vẫn là điểm tựa, là tâm điểm thu hút mọi người, vượt qua những cách biệt về nguồn đào tạo, về quan điểm học thuật, cùng ngồi lại bên nhau vì sự nghiệp ngữ văn. Khi mới vận động thành lập Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học, thầy đích thân đến mời Giáo sư Thanh Lãng tham gia ban chấp hành. Thầy giữ mối thâm tình tri kỷ với Giáo sư Giản Chi, ni sư Huỳnh Liên, nhà văn Võ Hồng, nhà báo Thượng Sỹ… Thầy quan tâm đến gia đình các nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng”.
Ngoài công việc giảng dạy, Hoàng Như Mai còn sáng tác thơ, nghiên cứu văn học nghệ thuật, cho ra đời nhiều công trình có giá trị như Trần Hữu Trang - soạn giả cải lương, Thơ một thời, Trí thức và nghệ sĩ, Hồi ức và suy nghĩ về văn hóa-giáo dục, Chân dung và tác phẩm....
Không chỉ có nhiều đóng góp cho văn hóa, giáo dục mà GS Hoàng Như Mai còn trở thành một nhân chứng sống quý báu của lịch sử dân tộc đầy thăng trầm gần suốt một thế kỷ qua. Bức tranh chân dung về ông có thể nói cũng là hình ảnh tiêu biểu của cả một thế hệ từ những ngày đầu lập quốc, xuất thân từ nhiều hoàn cảnh khác nhau, đã hòa nhập vào dòng thác cách mạng, đem hết tài năng và tâm huyết của mình phục vụ một cách vô tư và nhiệt thành cho Tổ quốc. Thế hệ ấy đã lần lượt về cõi vĩnh hằng, mà đối với riêng ngành văn học Hoàng Như Mai là bậc cao niên cuối cùng, như lời thơ da diết ông để lại:
“Từ độ nặng mang tình đất nước
miệt mài theo đuổi cuộc trường chinh
đường ngang ngõ tắt người lên trước
tụt lại đằng sau có một mình”
PHAN HOÀNG