Thy Ngọc là một trong số hiếm hoi những nhà văn đã dành hơn 70 năm cho văn học thiếu nhi.
Nhà thơ Thy Ngọc Ảnh: VnExpress.net |
Trọn đời mình, dù làm thơ, viết truyện hay vẽ minh họa bìa sách, nhà văn Thy Ngọc luôn có mối quan tâm đầu tiên và sau cùng là trẻ em. Nhà văn Cao Xuân Sơn cho rằng, Thy Ngọc là nhân chứng sống của văn học thiếu nhi. Cuốn sách đầu tiên của Thy Ngọc ra đời cách đây hơn 70 năm. Ông cũng là một trong số 12 thành viên sáng lập NXB Kim Đồng vào năm 1957.
Con người cẩn trọng
Với những lớp nhà văn kế cận viết cho con trẻ, Thy Ngọc như cây đại thụ tỏa bóng mát dịu dàng. Ông từng tâm niệm, ước mong của cuộc đời ông là được chết trên những trang sách viết cho các em.
Một trong những đức tính nổi bật của ông khiến nhiều người nhớ là sự cẩn trọng trong đời sống cũng như trong văn chương.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh còn nhớ, sau khi nghỉ hưu ở NXB Kim Đồng (trụ sở ở đường Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Hồ Chí Minh), Thy Ngọc làm Thư ký tòa soạn cho báo Khăn quàng đỏ (trên đường Phạm Ngọc Thạch). Vì sợ xe quệt, ông không bao giờ băng ngang đường mà luôn đi đường bên phải theo đường vòng. Vì vậy, quãng đường từ Nguyễn Đình Chiểu sang Phạm Ngọc Thạch của ông luôn dài hơn nhiều với lộ trình Cách mạng tháng Tám - Điện Biên Phủ - Hai Bà Trưng - Võ Văn Tần - Phạm Ngọc Thạch, và ngược lại.
Câu chuyện “luôn chọn đi lề phải” của nhà văn Thy Ngọc có lẽ không chỉ đúng theo nghĩa đen và chỉ trong việc đi đường.
Sự cẩn trọng trong đời sống là vậy, sự cẩn trọng trong văn chương của Thy Ngọc cũng để lại ấn tượng. Nhà thơ Trần Quốc Toàn không bao giờ quên lời nhắc nhở của Thy Ngọc khi ông viết thiếu một chữ “s” trong tên của nhà thơ nước ngoài ở bài thơ đăng báo. Còn nhà thơ Vũ Duy Chu vẫn giữ hai trang giấy khổ A4 có chữ viết tay rất nắn nót, nghiêm ngắn của Thy Ngọc nhận xét về bản thảo thơ ông cách đây vài chục năm.
Vì sự hồn nhiên, trong sáng của trẻ thơ
Thy Ngọc có lẽ là một trong số không nhiều tác giả được nhiều người trong và ngoài giới văn chương kính trọng bởi sự thống nhất giữa nhân cách sống và nội dung văn chương. Về điểm này, ông có sự gặp gỡ với các tên tuổi lớn khác của nền văn học viết cho thiếu nhi như: Phạm Hổ, Trần Hoài Dương. Sự thống nhất cao đẹp tới mức hiếm hoi mà nhà thơ Lê Minh Quốc cho rằng, hình như thời nay, mẫu hình nhà văn đó đang sắp “tuyệt chủng”.
Cuộc đời riêng của nhà văn Thy Ngọc, theo bạn bè gần gũi trong giới, cũng không ít trắc trở, gian nan. Nhưng ông dồn nén mọi nỗi buồn bằng cái tâm rộng lớn, bao dung và thiết tha với con trẻ. Có cảm tưởng khi ngồi trước trang giấy, ông quên mọi cay đắng, muộn phiền để chắt lọc từng giọt trong vắt, tinh khiết, thơm tho cho ánh mắt và nụ cười trẻ thơ. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho rằng, đây quả là bài học quý giá và hữu ích với những người cầm bút, đặc biệt các tác giả viết cho thiếu nhi.
Văn của Thy Ngọc trong sáng, hồn nhiên, mơ mộng. Nó là kết quả của tài năng quan sát tinh tế, trí nhớ đặc biệt và óc hài hước, hóm hỉnh độc đáo. Tất cả được dồn lại ở ngòi bút nặng lòng vì con trẻ. Trong cảm nhận của nhà văn Lê Quang Trang, ở điểm này, ông thấy Thy Ngọc thật gần với Nguyễn Thi. Nghĩa là, ông giấu tất cả buồn tủi, khổ đau để đem tới các em tiếng cười và sự hồn nhiên, trong sáng.
Nhà văn Nguyễn Huy Thắng, Giám đốc NXB Kim Đồng, còn nhớ mãi bức thư nhà văn Thy Ngọc gửi cho cha ông, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Trong thư có đoạn: “Muốn mua một cái bánh Trung thu cho chú bé Thắng mà không có tiền”. Bức thư đã ngả màu đó tới giờ ông Thắng vẫn giữ.
Trong cảm nhận của ông Nguyễn Huy Thắng, thời hiện tại, cuộc sống đã không còn khó khăn đến mức người ta muốn mua cái bánh cho con bạn mà đành bất lực như thời Thy Ngọc, nhưng cái tình nghĩa đối đãi với nhau hình như đã “nghèo” hơn xưa rất nhiều. Câu chuyện nhỏ “rất đời” ấy đã làm người ta mến và trọng hơn một Thy Ngọc “rất văn chương” trong trang viết.
Cần sự ghi nhận xứng đáng
Nhà văn Thy Ngọc đã sống gần 90 năm trên dương thế, đi cùng với văn học nói chung và văn học thiếu nhi nói riêng hơn 7 thập niên. Chừng ấy năm, không tính hết số sách ông biên tập, chỉ nói riêng trong lĩnh vực minh họa, họa sĩ Quang Toàn đã thống kê được hơn 300 bìa sách. Về sáng tác, ông có 19 tập thơ và truyện được in suốt từ năm 1943-2009 với cuốn truyện đầu tay Vỡ đê (NXB Cộng Lực ở Hà Nội) và cuốn cuối cùng là hồi ký Lời hứa với ngày mai (NXB Kim Đồng ấn hành năm 2009).
Thy Ngọc là nhà văn dành trọn đời mình cho văn học thiếu nhi và để lại nhiều thành tựu lớn. Song, theo ý kiến của đông đảo giới cầm bút, những ghi nhận cống hiến đó của ông vẫn chưa thỏa đáng. Thực tế đến nay, Thy Ngọc chưa từng được xét tặng danh hiệu, hay giải thưởng nào cấp Nhà nước.
Một năm sau ngày mất của Thy Ngọc (ông mất ngày 23-12-2012), các bạn văn, đồng nghiệp và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan cũng băn khoăn về điều đó. Tại buổi tưởng niệm nhà văn Thy Ngọc nhân giỗ đầu tại trụ sở chi nhánh NXB Kim Đồng ở thành phố Hồ Chí Minh, sau khi nghe ý kiến đề xuất của các nhà văn, nhà thơ như Lê Minh Quốc, Trần Quốc Toàn, Cao Xuân Sơn, nhà văn Lê Quang Trang - Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh chính thức nhận lời sẽ cùng ban lãnh đạo NXB Kim Đồng sớm giải quyết vấn đề này.
Hẳn nhiên nếu Thy Ngọc đã từng sống và viết, từng đi giữa trần thế này với những trang văn trong trẻo, hồn nhiên, vô tư nhất, thì hà cớ gì khi đã nhắm mắt xuôi tay, ông lại cần thêm một chút danh hiệu được tấn phong. Nhưng sự ghi nhận và tôn vinh xứng đáng với những tâm huyết mà ông đã dành trọn đời cho thiếu nhi là điều thật cần thiết. Thực ra việc đó không chỉ vì một nhà văn đáng quý như Thy Ngọc, mà còn là sự động viên rất lớn với những nhà văn đã và đang miệt mài, nỗ lực sáng tạo nghệ thuật vì thế hệ tương lai của đất nước.
Tác phẩm chính của Thy Ngọc: Tuổi ngây thơ (truyện, 1943), Hai lần thoát xác (truyện, 1944), Cu Tý (truyện, 1954), Khúc ca thơ ấu (thơ, 1954), Lớp học của anh Bồ Câu Trắng (truyện, 1957), Tiếng hát chim non (thơ, 1962), Cô bé mê truyện (truyện, 1963), Chiếc nhãn vở in tay (truyện, 1969), Tên lửa bút chì (thơ, 1972), Ðôi cánh của ngựa trắng (truyện, 1976), Bài ca trong hẻm (truyện, 1986), Có một khoảng trời (truyện, 1991), Thơ tặng cháu (thơ, 1994), Trang viết tuổi thơ (tuyển tập, 1995), Học dưới trời xanh (thơ, 1995), Chuyện trò với cháu (thơ, 2007), Nhà không người lớn (2005), Trăm tay ngàn mắt (2008), Lời hứa với ngày mai (2009). |
DƯƠNG QUANG