.

Sẵn sàng cho Lễ hội Quán Thế Âm 2014

.

(ĐNĐT) - Lễ hội Quán thế âm năm nay sẽ có đoàn sư sãi, cao tăng Thái Lan cùng tham gia nhằm nâng tầm lễ hội lên thành di sản Phật giáo thế giới. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị triển khai kế hoạch tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm 2014, hôm 14-2.

Lễ vía chính thức Bồ Tát Quán Thế Âm sẽ diễn ra vào ngày 19-2 âm lịch.
Lễ vía chính thức Bồ Tát Quán Thế Âm. Ảnh: KHANG HUY

Lễ hội Quán Thế Âm 2014 sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 17-3 đến 19-3 (nhằm ngày 17, 18 và 19 tháng 2 năm Giáp Ngọ) tại địa điểm chính là khuôn viên chùa Quán thế âm (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) và địa điểm phụ là Ban quản lý khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, các tuyến đường Sư Vạn Hạnh, Lê Văn Hiến…

Theo Ban tổ chức, năm nay, bên cạnh Lễ vía Đức Bồ Tát Quán Thế Âm (lễ chính thức) diễn ra vào 7 giờ ngày 19-3 (nhằm 19-2 âm lịch) tại lễ đài chùa Quán Thế Âm, sẽ có các Lễ tế xuân cầu quốc thái dân an (vào 18 giờ ngày 17-3); Pháp đàn, đọc kinh cầu nguyện theo Phật giáo Nam tông (vào lúc 7 giờ ngày 18-3); Lễ gia trì về ý nghĩa xá lợi Phật (vào lúc 14 giờ ngày 18-3). Ngoài phần lễ, trong 3 ngày diễn ra lễ hội sẽ có các hoạt động, hội thi sôi nổi phục vụ người dân và du khách như: hội hoa đăng, hội đua thuyền truyền thống, triển lãm thư pháp, chơi hô hát bài chòi, hội thi thể thao, kéo co, đẩy gậy, biểu diễn võ thuật truyền thống…

Đặc biệt, năm nay, đoàn sư sãi, cao tăng của Vương quốc Thái Lan và phật tử sẽ tham gia lễ hội và dự Lễ gia trì về ý nghĩa ngọc xá lợi mà chùa Quán Thế Âm được Đức Tăng thống Thượng phụ Vua Sãi Hoàng gia Thái Lan ban tặng. Ngoài ra, đoàn sư Thái Lan còn tham gia Lễ pháp đàn cầu nguyện theo Phật giáo Nam Tông và thiền tọa, hoa đăng. Theo Thượng tọa Thích Huệ Vinh, trụ trì chùa Quán Thế Âm, sự tham dự của đoàn sư Thái Lan không chỉ đơn thuần là hoạt động giao lưu văn hóa Phật giáo mà còn là cơ hội để quảng bá, nâng tầm Lễ hội Quán Thế Âm lên thành di sản Phật giáo thế giới.

Lễ hội Quán Thế Âm là lễ hội lâu đời ở Đà Nẵng và là một trong 15 lễ hội lớn nhất nước. Đây là nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng rộng lớn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần, tín ngưỡng tôn giáo của người dân, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc. Đồng thời là dịp để quảng bá sâu rộng hình ảnh và sản phẩm du lịch của thành phố đến du khách trong và ngoài nước.

Ngọc Hà

;
.
.
.
.
.