.

Khai hội đền Trần

.

Sáng ngày 11-2 (tức ngày 12 tháng Giêng), hàng ngàn du khách thập phương trên cả nước về trẩy hội đền Trần, chiêm bái một phong tục đẹp đã thất truyền và đến hôm nay mới được phục dựng. Đó là nghi lễ rước Nước - tế Cá.

Làm lễ tế Cá.
Làm lễ tế Cá.

Năm nay, Ban quản lý di tích đền Trần khôi phục lại các nghi lễ rước Nước - tế Cá truyền thống vốn đã mai một hơn một thế kỷ qua và trở thành một trong những nội dung chính trong lễ hội. 

Để bảo tồn các nghi lễ truyền thống, đặc biệt là lễ hội đầu Xuân đền Trần theo đúng phong tục truyền thống, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Nam Định triển khai nghiên cứu khôi phục một số nghi thức truyền thống trong Lễ Khai ấn để bảo đảm “tính nguyên vẹn” của lễ hội. Và nghi thức rước Nước - tế Cá là nghi lễ quan trọng mang nhiều ý nghĩa nhân văn và lịch sử.

Từ nhiều tháng nay, kịch bản tái hiện nghi lễ truyền thống rước Nước - tế Cá tại Đền Trần đã được Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND Thành phố Nam Định và Ban quản lý Khu di tích triển khai xây dựng. Đoàn rước gần 300 người tái hiện các nghi lễ truyền thống vốn đã được thực hiện từ xa xưa tại đền Trần.

Ngay từ sáng sớm, dân làng đã tề tựu tại đền làm lễ. Người được cầm bình đi lấy nước thay mặt dân làng đưa bình ra kiệu rồi phủ một tấm vải đỏ  lên trên. Người này được dân làng chọn từ trước và phải là người khỏe mạnh, có đạo đức, con cháu đầy đủ, trong năm gia đình không có chuyện buồn. Khi được dân làng chọn cử, người sẽ thực hiện việc lấy nước phải ăn chay, lên đền ở hàng tuần trước ngày mở hội.

Đông đảo du khách tới chiêm bái một phong tục đẹp.
Đông đảo du khách tới chiêm bái một phong tục đẹp.

Tại lễ rước, đoàn rước nước gồm có cờ, biểu đi trước, chiêng trống, đội bát âm, kiệu thánh với đoàn tế và dân làng đi theo sau. Từ đền, đoàn rước tiến thẳng lên ngã ba sông Hồng ở đoạn Hữu Bị khoảng 3 km. Tại bến sông, chỗ lấy nước, dân làng đã bố trí các thuyền được trang trí cờ hoa. Khi đoàn rước ra tới nơi, thuyền nhổ neo đưa mọi người ra giữa sông rồi dừng lại làm lễ.

Theo nhịp trống chiêng, những gáo nước trong giữa dòng được múc lên, long trọng đổ vào bình qua lần vải. Khi bình đầy nước, chiếc bình được chuyển lên kiệu và đoàn rước nước theo đường cũ trở về đền. Nước được múc chuyển vào các bát đưa lên ban thờ và lúc này dân làng tổ chức tế.

Nhân dân phường Lộc Vượng sẽ tổ chức rước kiệu từ đền Cố Trạch ra giếng cổ, ao thả cá; thực hiện nghi thức lấy nước, đánh bắt cá, rước nước, rước cá về đền Thiên Trường và tổ chức nghi lễ dâng nước, tế cá tại đây. Sau đó, cá sẽ được đưa đi phóng sinh ở sông Hồng, tại khu vực phà Hữu Bị (thuộc địa bàn xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc).

Nghi lễ rước Nước - tế Cá có trong nhiều lễ hội ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Đây là nghi lễ khuyến nông, khuyến ngư, cầu mong mưa thuận gió hòa của cư dân nông nghiệp lúa nước. Nhưng đối với lễ hội đền Trần, ngoài ý nghĩa trên, ý nghĩa quan trọng nhất của nghi lễ rước Nước - tế Cá là tri ân tổ tiên nhà Trần, một Vương triều khởi nghiệp từ nghề chài lưới, gắn với sông nước.

SGGPO

 

;
.
.
.
.
.