.

Giữ đình, giữ làng

.

Khi cây đa, giếng nước từ từ rời bỏ những ngôi làng Việt, thì đình chùa là “vật thiêng” cần phải được gìn giữ bằng những thiết chế văn hóa, cao hơn là luật pháp. Nhưng có lẽ quan trọng trước nhất là sự quản lý có trách nhiệm của cộng đồng dân cư sống quanh ngôi đình đó.

Mái đình làng Việt. Ảnh: H.T.P
Mái đình làng Việt. Ảnh: H.T.P

Tiếc thay, điều này đang ngày một bị xao nhãng khiến chúng ta vẫn phải chứng kiến sự xuống cấp, thậm chí hủy hoại đình chùa bởi sự quản lý tắc trách và sự thiếu hiểu biết. Câu chuyện tháo dỡ mái đình để bán gỗ sưa vừa xảy ra ở đình Cựu Quán một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo để gìn giữ di sản làng Việt.

1. So với những ngôi đình xứ Bắc, đình Cựu Quán (Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội) không nổi tiếng bởi sự bề thế hay kiến trúc đẹp. Tuy nhiên, các cụ cao tuổi trong làng kể, ngôi đình được xây dựng từ thế kỷ 17 thờ 6 vị đỗ tiến sĩ của làng. Vì thế, đây được coi là nơi linh thiêng của làng, tổ chức các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, cầu được bình an, sung túc, con cháu học hành thi cử đỗ đạt…

Dù vậy, theo Sở VH-TT&DL Hà Nội, thành phố này chưa có dự án tu bổ đình Cựu Quán. Phó Giám đốc Sở Trương Minh Tiến tiết lộ với báo chí: “Đình Cựu Quán từng chuẩn bị hồ sơ để xếp hạng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa hoàn tất. Dù vậy, đình Cựu Quán vẫn nằm trong danh mục kiểm kê để bảo vệ và nó vẫn phải tuân theo luật di sản”.

Theo người dân Đức Thượng, dưới danh nghĩa trùng tu, sửa chữa lại đình, Bí thư Chi bộ, trưởng thôn cùng Trưởng, Phó ban Khánh tiết và Từ đình Cựu Quán đã “thống nhất cao” để đồng lòng cho tháo bốn vì kèo bằng gỗ sưa ở mái đình (tổng cộng 127,5kg) bán lấy 1,2 tỷ đồng. “Cái lý” của những người này đưa ra vẻ như rất hợp lý: bán để sửa chữa đình. Và thực tế, số tiền đó một phần đã gửi vào ngân hàng, phần còn lại được cho là đã mua ruộng gần chùa làng và mua đồ gỗ sửa lại mái vảy của Đình Quán. Tuy nhiên, họ phớt lờ Nghị định 92 của Chính phủ đã xếp gỗ sưa là loại thuộc nhóm IA - cấm khai thác và sử dụng vào mục đích thương mại.

Đến nay cả 6 vị tham gia vụ “phá đình” bán gỗ đã xin lỗi trước Đảng ủy thôn, 2 trong số đó đã công khai xin lỗi dân trong cuộc họp ngày 7-3. Tuy nhiên, xin lỗi thôi thì không đủ, bởi cả 4 tấm gỗ sưa kia đã “cao chạy xa bay” khỏi làng Đức Thượng. Cư dân gắn bó với ngôi đình hoàn toàn có khả năng đóng góp số tiền sửa chữa đình làng, chỉ mong tìm lại được 4 tấm gỗ sưa để hoàn về vị trí cũ.

Lễ rước ở đình Cả (Bắc Ninh).Ảnh: HOÀNG THU PHỐ
Lễ rước ở đình Cả (Bắc Ninh). Ảnh: HOÀNG THU PHỐ

2. Sự tham gia giám sát của cộng đồng dân cư bao giờ cũng đóng vai trò quan trọng và tiên quyết trong việc bảo vệ những di sản của làng. Đúng như PGS,TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Tôn giáo nói: “Ai lại làm việc dỡ đình làng đem bán được chứ”. Bởi trong tâm thức của cộng đồng làng Việt, đình làng là nơi vô cùng quan trọng. Đình làng là nơi những đứa con đi xa lâu ngày về phải cúi đầu “tâu trình”, nơi các liền anh liền chị quan họ phải “hát trình” trước khi xuống thuyền rồng hát phục vụ dân chúng. Theo PGS,TS Nguyễn Quốc Tuấn, “đình làng là nơi tập trung sức mạnh cộng đồng làng. Nó còn là nơi thờ tự, tế lễ của làng. Như thế nó là trung tâm của làng còn gì. Ít nhất là từ thế kỷ 15 về đây, nó không chỉ là trung tâm hành chính mà còn là nơi thờ tự của làng”.

Còn với lão nhà văn Tô Hoài thì “cái đình là trung tâm của làng. Làng nào cũng có đền thờ ông thần hoàng. Đình được cất cao ráo khang trang, thế tất theo phong thủy, nơi phong quang nhất làng”. Trong cuốn Chuyện cũ Hà Nội, Tô Hoài cũng viết: “Ở đình... có ngai thờ ông thần hoàng thiêng liêng, uy nghi. Ông thần trông coi làng sáng soi trên đầu mọi người. Thần hoàng đã xuất hiện từ nghìn xưa, mọi triều đại thay đổi, nhưng vua đời nào cũng phong sắc cho thần hoàng làng. Các vị thượng đẳng phúc thần được tế lễ thờ phụng là nhân vật tiền sử như Thánh Gióng, có khi là những anh hùng có thật. Lý Thường Kiệt, đức thánh Trần, Phạm Ngũ Lão, bà Ỷ Lan. Có khi là người vô danh chết vào giờ linh được hiển thánh...”.

Không chỉ là nơi thờ tự, đình làng còn là không gian sống của người dân trong làng. Theo các nhà nghiên cứu, đình làng là biểu tượng thể hiện thẩm mỹ và hồn cốt của người Việt. Đình làng không những có giá trị về mặt kiến trúc, điêu khắc dân gian thuần Việt, mà còn là kho tàng về di sản văn hóa Việt như diễn xướng, lễ hội, huyền thoại, thần tích, truyền thuyết về các vị thành hoàng làng, anh hùng chống giặc ngoại xâm, người có công mở đất dựng làng, vị tổ nghề… Là trung tâm tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa của làng xã, đình làng quy tụ và gắn kết mọi thành phần trong cộng đồng.

3. Nói chuyện về cái đình làng cũng chính là để nói chuyện về việc giữ gìn không gian sống của làng Việt. Đừng để làng biến mất. Cũng đừng làm làng quê méo mó biến dạng, phố không ra phố mà làng cũng chẳng còn làng. Hãy để mỗi cái cây ở làng Việt như những biểu tượng sống trường tồn nhiều thế hệ. Hãy để mỗi con người sống ở làng đều chất chứa những câu chuyện thấm đẫm hồn cốt làng quê.

Thời gian qua, chúng ta không khỏi nhói lòng khi chứng kiến sự ứng xử thô bạo với di sản cha ông để lại, với hàng loạt câu chuyện về trùng tu, tôn tạo đình chùa. Từ vụ sửa chữa đình Mông Phụ, chùa Trăm Gian, đến chuyện đưa tượng mới vào chùa Dâu, chùa Chân Long, chùa Bà Đá… Gần đây nhất là dựng bình phong “quái thú” trước cửa lăng Ngô Quyền. Không thể nói đó là những dấu ấn đáng tự hào. Đó là sự cách tân đáng xấu hổ. Cái lối hành xử với không gian làng Việt, từ đình chùa cho tới những không gian sống khác chẳng khác nào chúng ta “bắn đại bác” vào quá khứ. Vì thế, việc chính ban khánh tiết đình Cựu Quán thống nhất phá đình lấy gỗ sưa để bán là sự trả giá tất yếu.

Đình làng Việt Nam ra đời từ rất sớm. Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, năm Nhâm Dần (1242), nhà Trần muốn thi hành chính sách cận dân và thân dân, vua và các quan lại triều đình thấy cần phải có nơi tiếp xúc với dân chúng. Trần Thủ Độ đứng ra thi hành công việc đó. Ông tổ chức mỗi làng thành một đơn vị hành chính nhỏ để tiện việc kiểm soát dân. Mỗi làng có quan của triều đình bổ nhiệm về cai trị, bởi vậy phải xây dựng công đường cho rộng rãi để các quan làm việc. Mỗi làng cho xây một ngôi đình. Đình phải lập ở bên các quan lộ và chia ra 2 loại đình: đoản đình (5 dặm đường mới có một cái) và trường đình (10 dặm đường mới có một cái). Tất cả xây theo hình vuông, nóc có 4 mái uốn cong, còn tường xây bằng gạch, có dân sở tại cắt cử đến phục dịch.

Những khi có quan lại của triều đình về địa phương hay khách vãng lai đều có thể lưu trú tại đình, có người đứng ra tiếp đón và trông nom chuyện ăn ngủ…

HOÀNG THU PHỐ

 

;
.
.
.
.
.