Về rừng dừa bảy mẫu xã Cẩm Thanh (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam), hỏi ông Ba Đúng thì ai ai cũng biết. Ông nổi tiếng không chỉ vì tài hát hò khoan, hát kiến tại mà còn vì niềm đam mê hát bả trạo.
Nói về hát bả trạo thì ông Phạm Đúng dường như quên mọi thứ xung quanh, rồi ngẫu hứng hát liên tù tì một vài đoạn. |
Đội bả trạo của ông Ba Đúng được mời đi biểu diễn tại nhiều lễ hội cầu ngư khắp vùng biển Quảng Nam, Đà Nẵng.
Đam mê bả trạo
Ông Phạm Đúng sinh ra ở làng biển xã Cẩm Thanh, lớn lên cùng sông nước và lễ cúng cá Ông đặc trưng của làng chài. Vì vậy, những câu hát bả trạo ngấm dần trong ông Đúng (người ta vẫn quen gọi là Ba Đúng). Sẵn chất giọng cao, khỏe nên từ hồi còn thanh niên, ngoài công việc chính là đi biển với gia đình, thời gian biển động hoặc vào dịp lễ của làng, Ba Đúng theo bô lão trong làng học hát bả trạo. Ban đầu, Ba Đúng chỉ được làm con trạo - có nhiệm vụ diễn cảnh chèo thuyền, hát những câu đơn giản bằng làn điệu dân ca, hò khoan. Dần dà, Ba Đúng được giao vị trí quan trọng hơn là tổng thương, tổng lái hoặc tổng chèo.
Ngót nghét đã mấy chục năm trôi qua, Ba Đúng giờ không còn sức khỏe để bám biển nữa nên chuyển hẳn sang đi hát bả trạo trong những dịp lễ, hát hò khoan biểu diễn cho khách du lịch xem. Bây giờ đã thành lão ngư ngoài 60 tuổi nhưng giọng hát của Ba Đúng vẫn rất khỏe. Mỗi lần nói về hát bả trạo, ông dường như quên mọi thứ xung quanh, rồi ngẫu hứng hát liên tù tì một vài đoạn. Khi chúng tôi hỏi chuyện về nội dung lời hát bả trạo trên 100 năm tuổi, mà ông “khoe” trong lần gặp ở lễ hội cầu ngư quận Thanh Khê tổ chức vào rằm tháng Giêng vừa rồi, ông lật đật đi tìm rồi khệ nệ xách ra chiếc cặp, bên trong chỉ có vài cuốn tài liệu, vài bài báo viết về tài hát hò khoan, hát kiến tại của ông và một bộ đồ đi diễn bả trạo. “Rứa mà ổng quý chiếc cặp đó lắm, nhà ni không ai được đụng vào hay xê dịch chỗ khác, ổng mà biết là chết với ổng”, vợ Ba Đúng thật thà nói.
Lấy ra cuốn vở đã vàng ố, bên trong chi chít chữ và có hẳn đóng dấu cấp phép hát biểu diễn của Phòng Văn hóa Thông tin - Thể thao Hội An vào năm 1998, Ba Đúng giải thích: “Cái bản ni là tui ghi chép lại lời hát mà các bô lão trong làng chài truyền từ đời này qua đời khác. Nghe đâu họ cũng lấy lại từ làng biển An Dương, xã Duy Nghĩa - nay là thôn 4, xã Duy Hải (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam)”. Nếu đem so sánh với kịch bản hát bả trạo cổ, được viết bằng Hán - Nôm (bản đã dịch), cách đây đã hơn 130 năm mà nhạc sĩ Xa Văn Hùng (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) tìm ra vào năm 2010 thì chỉ sai lệch từ 1-2%.
Ba Đúng (người thứ hai, hàng giữa) và đội bả trạo của ông biểu diễn tại Lễ hội cầu ngư quận Thanh Khê tổ chức vào rằm tháng Giêng năm Giáp Ngọ. |
Mong có lớp người kế tục
Theo ông Ba Đúng, trước đây đội bả trạo làng chài Cẩm Thanh gồm 17 người: tổng mũi - điều khiển múa hát, trên tay cầm cặp sênh; tổng thương (còn được gọi là tổng khoang) - phối hợp với tổng mũi để trình diễn; tổng lái cầm chèo dài để lèo lái con thuyền; tổng khậu - đưa mồi câu cá (câu đến 100 loại cá) và thỉnh thoảng cầm gàu múc nước tát ra khỏi khoang thuyền, một người nhắc tuồng và 12 con trạo. Nhưng hiện nay vì lý do rút ngắn thời gian biểu diễn và kinh phí, đội hình theo đó chỉ cần 14 người (con trạo ít hơn 2 người và không có tổng khậu, nhiệm vụ cầm gàu múc nước giao cho tổng thương đảm nhiệm).
Hát bả trạo không chỉ là phần lễ trong lễ hội cầu ngư mà còn là loại hình văn hóa phi vật thể thu hút người xem. Do đó, người biểu diễn phải tìm tòi, sáng tạo cho phù hợp với thời đại, gần gũi với đời sống hằng ngày. “Hát bả trạo hay lắm, là nghệ thuật độc đáo bởi dùng các hình thức nói lối, lối hát: Nam, Thán, Phú… trong nghệ thuật sân khấu tuồng truyền thống; các kiểu: hò kéo neo, lý… của dân ca Quảng Nam; cũng như sử dụng các làn điệu: Tán, Kệ… trong âm nhạc Phật giáo. Ngày xưa chỉ có hát và vài ba động tác biểu diễn. Vì thế, tôi đã học hỏi, bổ sung thêm thần thái biểu diễn như nét mặt, cử chỉ, động tác… sao cho thuần thục, biểu cảm và dùng các đồ vật như mái chèo, gàu tát nước... để tạo nên màn biểu diễn hay, hấp dẫn không chỉ người già mà cả lớp trẻ đến xem”, ông Đúng chia sẻ.
Nội dung dàn trải suốt quá trình hát bả trạo là ca ngợi công đức cá Ông, tỏ lòng thương tiếc đối với người quá cố. Bên cạnh đó, lời hát còn thể hiện quá trình đấu tranh của con người trước sóng gió, tinh thần dũng cảm, lạc quan, tinh thần đoàn kết cùng công việc lao động của cư dân vùng biển.
Hiện nay, mặc dù hát bả trạo đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhưng những người quan tâm đến bả trạo như ông Đúng vẫn lo sợ bả trạo sẽ bị lớp trẻ “quay lưng” như những loại hình văn hóa dân gian truyền thống khác. Ông Đúng tâm sự: “Trời phú cho tôi giọng hát. Tôi hát để thỏa thú vui. Tôi hát vì niềm đam mê. Tôi chỉ lo rằng mai này nằm xuống thì không biết gửi lại những câu hát này cho ai!”. Bà Đặng Thị Liên, vợ ông Đúng tiếp lời: “Ổng hát như trong ruột khiến ra vậy. Con cái không đứa mô thừa hưởng được hết”. Con cái không nối nghiệp cha, thanh niên trong làng thì không đam mê nghề này, ông Đúng phải về các làng biển vùng lân cận như thôn Vạn Lăng, thôn Tân An, xã Bình Minh (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) để đào tạo cho đội bả trạo của các thôn này, với mong mỏi truyền lại văn hóa truyền thống của cha ông, truyền những kinh nghiệm, hiểu biết của mình và cũng để thỏa mãn niềm đam mê.
NGỌC HÀ