Tại Đại hội Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố nhiệm kỳ 2013-2018, được tổ chức ngày 14-3 vừa qua, nhiều nghệ sĩ đã bày tỏ những trăn trở, lo lắng về nguy cơ mất dần khán giả của nghệ thuật sân khấu truyền thống.
Một tiết mục hát dân ca. Ảnh: V.T.LÊ |
Mất khán giả vì không đến gần khán giả
Theo NSƯT Cao Đình Liên, trong năm 2013, hoạt động sân khấu của thành phố khá vắng vẻ. 5 năm về trước, mỗi khi xuân về hay các dịp lễ của các đình làng trong thành phố thì lịch biểu diễn của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh dày kín, thậm chí có những ngày phải biểu diễn 2 - 3 suất mới đáp ứng nhu cầu của các địa phương. Thế nhưng năm vừa qua, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh không phục vụ quá 40 đêm diễn (ngoại trừ các buổi biểu diễn nhỏ lẻ phục vụ khách du lịch). Ngoài ra, các đoàn nghệ thuật khác cũng gần như vắng mặt trong dịp Tết Đoan Ngọ.
Riêng về mảng văn nghệ quần chúng, công tác tổ chức liên hoan tuồng (2 năm/lần), dân ca theo định kỳ và liên hoan sân khấu quần chúng (ít nhất 1 năm/lần) đã không còn nữa. Cũng trong năm qua, ngoài một số vở dân ca ngắn như Đội kịch chim chèo bẻo, Một mạng người do Hội Nghệ sĩ sân khấu (NSSK) thực hiện, một liên hoan hài kịch do Trung tâm Văn hóa nghệ thuật (VHNT) tổ chức cho các quận, huyện dự thi xong thì hoạt động của sân khấu thành phố lại trở về sự yên ắng, các anh chị em nghệ sĩ, diễn viên, đạo diễn phải chạy sô bên ngoài để kiếm sống.
Tuy nhiên, sự vắng vẻ của sân khấu truyền thống không phải do người dân quay lưng với nghệ thuật truyền thống như nhiều suy luận trước đây. NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, dẫn giải: Trong 5 năm qua, Nhà hát tuồng biểu diễn hơn 600 buổi, xây dựng hàng chục vở diễn truyền thống phục vụ hàng trăm ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến Đà Nẵng. Cá biệt có những đêm diễn ngoài trời, số tiền khán giả thưởng trực tiếp cho diễn viên gần ngang bằng số tiền địa phương trả theo hợp đồng với nhà hát. “Rõ ràng, khán giả không quan tâm đến nghệ thuật truyền thống vì họ không tìm thấy những gì họ muốn. Họ ít quan tâm vì ít được tiếp cận, ít tiếp cận thì ít hiểu, ít hiểu thì không yêu, đó là lẽ đương nhiên”, ông Tuấn suy luận.
NSƯT Cao Đình Liên cũng đồng quan điểm khi cho rằng nghệ thuật sân khấu truyền thống không hấp dẫn người xem vì dàn kịch mục của đơn vị chuyên nghiệp còn quá nghèo nàn, đơn điệu. “Một nhà hát tên tuổi như Nguyễn Hiển Dĩnh mà vài năm nay chưa có vở diễn mới nào ra đời, ngoại trừ một vở duy nhất tham gia hội diễn, thi xong bỏ vào kho. Vậy thì khán giả xem gì? Chẳng lẽ lúc nào cũng Thoại Khanh Châu Tuấn, Lục Vân Tiên, Lưu Kim Đính?”, ông Liên trăn trở.
Giải pháp khôi phục?
Tại Đại hội, các nghệ sĩ sân khấu cũng đã đề xuất một số giải pháp nhằm bảo lưu và phát triển nghệ thuật sân khấu truyền thống của thành phố, giải quyết một số vấn đề bất cập mà giới nghệ sĩ luôn trăn trở.
Thứ nhất, cần đầu tư kinh phí để xây dựng những kịch bản hay, những vở mới để đáp ứng nhu cầu thị hiếu, phục vụ khán giả. NSƯT Cao Đình Liên cho rằng, Hội NSSK thành phố là hội có lực lượng hội viên đông đảo tầm thứ 3 của toàn quốc, có một ban chấp hành và hội đồng nghệ thuật giàu kinh nghiệm nghề nghiệp; dàn nghệ sĩ, diễn viên có tâm huyết, tài năng nhưng vì không có kinh phí nên hạn chế khả năng sáng tạo, xây dựng vở mới. “Cũng vì vấn đề kinh phí, nên nhiều địa phương mặc dù muốn mời đoàn chuyên nghiệp về phục vụ nhưng không đủ tiền chi trả hợp đồng, họ đành phải mời một đoàn văn nghệ không chuyên biểu diễn. Vì thế, đề nghị lãnh đạo các cấp liên quan nghiên cứu hỗ trợ một khoản kinh phí để trợ cấp cho mỗi đêm diễn ngoài trời trong địa bàn thành phố, nhất là những địa phương có truyền thống xem tuồng như Thọ Quang, Hòa Minh, Mân Thái, Phước Mỹ, Cẩm Lệ, Túy Loan...”, NSƯT Cao Đình Liên kiến nghị.
Thứ hai, đổi mới công tác tuyển sinh, đào tạo tài năng sân khấu. NSƯT Trần Ngọc Tuấn cho rằng, với công tác tuyển sinh đào tạo như hiện nay, sân khấu nghệ thuật nói chung và sân khấu tuồng Đà Nẵng nói riêng sẽ rất khó khăn vì sẽ dẫn đến tình trạng thầy giỏi nhưng không tìm ra trò hay, không có diễn viên tâm huyết với nghề. “Có nhất thiết phải đào tạo ra những diễn viên đã tốt nghiệp cấp 3 hay không? Tôi nghĩ những em đã học xong lớp 12 họ sẽ không đi học nghệ thuật dân tộc, nếu có đi thì do không còn lựa chọn nào khác. Như vậy, làm sao họ tâm huyết với nghề, chưa nói đến năng khiếu nghệ thuật. Hơn nữa, khi đào tạo ra trường tuổi đời trên 20 rồi thì cống hiến cho nghề được bao lâu trong khi tuổi nghề của diễn viên rất ngắn. Vì thế, nên xem xét lại độ tuổi tuyển sinh diễn viên trẻ”, NSƯT Trần Ngọc Tuấn đề nghị.
Thứ ba, cần có chế độ đãi ngộ với những người làm nghệ thuật sân khấu truyền thống. Nhiều ý kiến tại đại hội cho rằng cần có những chính sách thỏa đáng, chế độ đãi ngộ phù hợp với tiến trình phát triển chung của nền kinh tế, xã hội để anh chị em nghệ sĩ có điều kiện sống được bằng nghề và yên tâm công tác.
Trước những băn khoăn, trăn trở của nhiều nghệ sĩ, ông Bùi Công Minh, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, ghi nhận những chia sẻ và hứa Liên hiệp hội sẽ ưu tiên hỗ trợ kinh phí cho Hội Nghệ sĩ sân khấu mạnh dạn đầu tư các công trình nghệ thuật lớn, nếu đó là công trình tốt, hiệu quả. Ngoài ra, Liên hiệp hội sẽ có kế hoạch trình lên UBND thành phố những đề xuất của Hội để cải thiện nền sân khấu thành phố, góp phần đưa nền văn hóa nghệ thuật xứng tầm với sự phát triển chung cả thành phố.
“Để động viên nghệ sĩ sân khấu cống hiến cho nghệ thuật truyền thống, từ năm 2010, Nhà hát chèo Vĩnh Phúc đã được UBND tỉnh dành cho nhiều ưu đãi. Theo đó, giao chỉ tiêu cho nhà hát thực hiện 60 đêm biểu diễn vùng sâu vùng xa, 20 đêm biểu diễn phục vụ chính trị; mỗi đêm sẽ được hỗ trợ 6,8 triệu đồng từ ngân sách của thành phố, tỉnh. Đối với diễn viên, nhạc công sẽ được hỗ trợ 2 lần mức lương tối thiểu/người/tháng; đối với công nhân kỹ thuật được hỗ trợ 1,5 lần mức lương tối thiểu/người/tháng. Đây là dấu hiệu đáng mừng đối với giới văn nghệ sĩ và hy vọng được áp dụng cho nhiều tỉnh, thành khác trong quá trình khôi phục nghệ thuật truyền thống”, NSƯT Trần Ngọc Tuấn cho biết. |
NGỌC HÀ