Ngày 22-2 vừa qua, lễ tưởng niệm 119 năm ngày sinh và 31 năm ngày mất cụ Á Nam Trần Tuấn Khải được tổ chức tại từ đường của gia đình ở phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh).
Đã thành thông lệ, hơn 10 năm nay, cứ vào dịp cuối tháng 2, đầu tháng 3 dương lịch hằng năm, nhà thơ Trần Thị Lan (tức Lan Hinh) - con gái thi sĩ Á Nam Trần Tuấn Khải - lại tổ chức lễ tưởng nhớ cụ thân sinh tại nhà tưởng niệm của gia đình. Buổi lễ cũng là dịp để họ hàng, bà con và bạn bè thân hữu gặp nhau chuyện trò, thăm hỏi đầu năm.
Nhà Nho yêu nước
Ngày tưởng niệm năm nay, như thường lệ, người ta lại thấy nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý ngồi ở vị trí trang trọng nhất, trong tư cách người anh cả, cùng nhà thơ Lan Hinh đại diện cho phía gia đình cụ Á Nam Trần Tuấn Khải.
Nhờ duyên hội ngộ của cuộc đời và văn chương, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã được vợ chồng cụ Á Nam lúc sinh thời coi như con trai. Cụ Á Nam có phong cách của một nhà Nho, lại là nhà Nho đất Bắc nên ở nhiều phương diện nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cảm thấy mình như người ruột thịt trong gia đình.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý nhớ lại: “Ngày xưa khi hai cụ còn sống, tôi nhớ nhất một buổi, bà cụ gọi tôi đến bên giường, kêu hai cô con gái lại rồi bảo, nhà này không có con trai, mẹ coi anh Tý là con, nên anh nói gì các con phải nghe”. Vài thập niên trôi qua, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vẫn không quên lời dặn ấy.
Với riêng nhà văn Sỹ Ẩn, kỷ niệm về cụ Á Nam lại bắt đầu bằng câu chuyện mẹ ông kể cho nghe về ngày bà tiễn chân chồng xuống tàu từ Nam Định vào Nam năm 1938. Hồi đó, mẹ nhà văn đã dùng những lời trong bài thơ của cụ Á Nam để tiễn chồng lên đường: “Anh Khóa ơi! Em tiễn chân anh xuống tận bến tàu - Đôi tay em đỡ cái khăn trầu, em lấy đưa anh… Anh khóa ơi ! Còi tu tu tàu sắp kéo cầu - Đường trần em sắp sửa gánh sầu từ đây”.
Cũng theo nhà văn Sỹ Ẩn, có lần sau năm 1975, khi Huy Cận vào công tác miền Nam, biết tin cụ Á Nam ốm phải nằm viện, có nhờ ông đưa tới thăm. Trên đường đi, Huy Cận cứ băn khoăn mãi chưa biết xưng hô thế nào cho phải. Lúc tới nơi, thấy cụ, Huy Cận bước tới ôm chầm và đột nhiên bật ra tiếng gọi “anh Khóa ơi”. Thế là hai người cảm động ôm nhau sau hàng chục năm xa cách. Câu chuyện này nhà văn Sỹ Ẩn được nghe Huy Cận kể lại sau này.
Liên hệ tới những giá trị còn rất thời sự trong thơ ca yêu nước của cụ, TS sử học Nguyễn Nhã cho rằng, thơ ca yêu nước của cụ Á Nam Trần Tuấn Khải đã có tác động sâu sắc tới quần chúng nhân dân và phong trào đấu tranh vệ quốc giai đoạn đầu thế kỷ 20. Theo TS Nguyễn Nhã, hơn lúc nào hết, giới trẻ ngày nay nên đọc lại những vần thơ của cụ Á Nam, cũng như bồi dưỡng lòng yêu nước trong thời kỳ hòa bình, xây dựng.
Nhà văn Vũ Hạnh từng có thời gian làm việc cùng cụ Á Nam Trần Tuấn Khải ở Lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc. Sau khi vào Nam công tác, cụ Á Nam là Chủ tịch danh dự của tổ chức này. Nhà văn Vũ Hạnh nói, ông chỉ có thể dùng hai chữ “tuyệt vời” để nói về con người và nhân cách cụ Á Nam.
Không chỉ bày tỏ lòng thán phục trước năng lực tự học của cụ Á Nam Trần Tuấn Khải, nhà giáo Nguyễn Quảng Tuân cho biết, trong quá trình nghiên cứu, ông đã chép tay và giữ lại được khoảng hơn 20 bản thảo các bài dịch thơ Đường của cụ Á Nam đăng trên Đông Dương tạp chí từ năm 1917.
Yêu mến cố thi sĩ Trần Tuấn Khải, nhà giáo Nguyễn Quảng Tuân cũng đã viết bài hát nói có tên Tấm gương tự học dành tặng cụ. Bài hát nói có những câu: “Mới mười hai đã đọc sách Hán văn - với phụ thân riêng cố gắng chuyên cần - thành học giả từ những năm tiền chiến - Hồn tự lập bao nhiêu sáng kiến - Bút quan hoài thực lắm công phu - Chống thực dân hết vào khám ra tù - Theo gương sáng Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng…”.
Chưa hề có một tuyển tập Á Nam
Về bản thảo, tới nay, số tác phẩm đã in của cụ Á Nam Trần Tuấn Khải đã bị thất lạc khá nhiều.
Theo trang web Wikipedia, các tác phẩm đã in của cụ Á Nam Trần Tuấn Khải về thơ gồm có: Duyên nợ phù sinh I (1921), Duyên nợ phù sinh II (1922), Bút quan hoài I (1924), Hồn tự lập I (1924), Bút quan hoài II (1927), Hồn tự lập II (1927), Với sơn hà I (1936), Với sơn hà II (1949), Hậu anh Khóa (1975). Về tiểu thuyết có: Gương bể dâu I (1922), Hồn hoa (1925) và Thiên thai lão hiệp (1935- 1936). Về kịch, cụ Á Nam có vở Mảnh gương đời (1925). Về dịch thuật, cụ đã dịch các tác phẩm: Thủy hử (1925), Hồng lâu mộng (1934) và Đông Chu liệt quốc (1934).
Tuy nhiên, cũng theo nhà thơ Lan Hinh, hiện tại, bà không còn giữ lại được bản in nào trong số các tác phẩm đã xuất bản đó của cha mình. Dù rất muốn có thể tái bản các tác phẩm của nghiêm thân, nhưng do tuổi cao, sức yếu, điều kiện tài chính hạn hẹp, bà Lan Hinh vẫn chưa thể thực hiện mong ước đó.
Nhà văn Sỹ Ẩn đề cập vấn đề bản thảo cuốn sách toàn tập Á Nam Trần Tuấn Khải. Theo ông, về việc này, trước đây ông đã trao đổi, bàn bạc với nhà thơ Hữu Thỉnh. Tuy nhiên, có lẽ do bận bịu quá nhiều việc, tới nay, Hội Nhà văn Việt Nam vẫn chưa thực hiện cuốn tuyển tập đó.
Trong tình hình này, bà Lan Hinh thật sự mong muốn các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương có những quan tâm và hành động cụ thể, thiết thực, để có thể cùng bà khôi phục lại di sản văn chương của cha mình. Ở tuổi ngoài 70, bà cảm thấy mình gần như lực bất tòng tâm trước ước nguyện này.
Còn đó những nỗi niềm
Ngoài tình cảm yêu quý, trân trọng về tài năng và nhân cách của thi sĩ Á Nam Trần Tuấn Khải, cũng tại buổi lễ tưởng niệm vừa qua, nhiều trí thức văn nghệ sĩ đã đề xuất những vấn đề liên quan tới nghĩa cử tri ân cố thi sĩ Trần Tuấn Khải vì đóng góp đáng kể trong thi ca.
Nhà văn Sỹ Ẩn cũng nhắc tới chuyện cần hợp thức hóa mảnh đất xây dựng khu tưởng niệm cụ ở quê hương Lộc Hà, Mỹ Lộc, Nam Định. Ông cho biết, khu đất huyện Mỹ Lộc, Nam Định cấp cho gia đình cụ Á Nam xây từ đường tới nay vẫn chưa được hợp pháp hóa trên giấy tờ, dù trong thực tế, chính quyền đã chấp thuận.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đồng thuận trong đề nghị các đơn vị chức năng cân nhắc tới việc truy tặng cụ một giải thưởng xứng đáng, như giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, vì những đóng góp đã có.
Hy vọng trong thời gian tới, Hội nhà văn Việt Nam cũng như các đơn vị chức năng liên quan sớm có phản hồi tới những người trong gia đình cụ Á Nam Trần Tuấn Khải.
Nhà thơ Trần Tuấn Khải (1895-1983) nổi danh từ thời tiền chiến. Các bút danh của ông là: Á Nam (thường dùng), Đông Minh, Đông Á Thị, Tiểu Hoa Nhân, Lâm Tuyền Khách, Giang Hồ Khách, Lôi Hoàng Cư Sĩ. Thi sĩ Xuân Diệu từng viết: “Tôi không quên lúc học lớp nhì, 14 tuổi, tôi mượn được quyển Bút quan hoài. Tôi chép vào quyển vở mới một số đoạn thơ thích nhất... Quyển vở thơ Trần Tuấn Khải quý báu của tôi, như là tiếng gọi của lương tâm!” (Thơ văn Á Nam Trần Tuấn Khải - NXB Văn học, Hà Nội, 1984). Nguồn: Wikipedia |
TRẦN ĐẮC LUÂN