.

Trẩy hội Quán Thế Âm

.

Tối 17-3, sau khi lễ hội Quán Thế Âm chính thức khai mạc, dòng người từ khắp nơi nô nức kéo về đây trẩy hội. Từ sáng sớm 18-3, các ngả đường dẫn về nơi tổ chức lễ hội chật kín khách tham quan, lễ Phật… Dù lượng khách khá đông đúc, nhưng công tác an ninh trật tự vẫn được bảo đảm tốt…

Cầu quốc thái dân an là một nét văn hóa đẹp trong lễ hội Quán Thế Âm. Ảnh: ĐẮC MẠNH
Cầu quốc thái dân an là một nét văn hóa đẹp trong lễ hội Quán Thế Âm. Ảnh: ĐẮC MẠNH

Dòng người đổ về Ngũ Hành Sơn

Lễ hội Quán Thế Âm diễn ra trong thời gian 3 ngày, từ ngày 17-3 đến ngày 19-3 (nhằm các ngày 17, 18 và 19 tháng 2 năm Giáp Ngọ) tại địa điểm chính là khuôn viên chùa Quán Thế Âm (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn).

Sáng 18-3, dọc theo đường Sư Vạn Hạnh, người dân nườm nượp kéo về tham gia lễ hội. Từng tốp người nối nhau vào tham quan khu triển lãm tranh, ảnh về du lịch và thắng cảnh Ngũ Hành Sơn. Một nhóm khách du lịch người Thái, người Nhật thích thú ngắm bức tượng Phật, bên trên được trang trí bởi Đài sen có 7 đầu rắn chầu Phật (NAGA) bằng lá cây tinh xảo, đẹp mắt. Khi nghe hướng dẫn viên giới thiệu do đoàn sư Thái Lan thực hiện, họ ồ lên ngạc nhiên, thú vị. Tại khu vực triển lãm thư pháp - thiền trà, nhiều bạn trẻ tụ tập khá đông để xem viết thư pháp.

Khách về dự hội không chỉ người dân địa phương mà còn từ khắp mọi miền đất nước. Du khách Phạm Ngọc Quế (quê Quảng Ngãi) cho biết: “Dù ở xa nhưng mỗi năm, tới ngày vía  Phật bà Quán Thế Âm, tôi cùng các bạn hữu lại tìm về đây để cầu nguyện bình an, may mắn. Mấy năm trước đi trúng vào ngày lễ chính, không có chỗ chen chân nên năm nay tôi tranh thủ đi sớm một ngày, được bố trí ở chùa Hương Sơn”. Các đoàn phật tử từ các nơi khác như thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa cũng được bố trí nơi ở miễn phí tại chùa Hương Sơn này.

Nhận xét về lễ hội Quán Thế Âm, ông Trần Văn Thanh (du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh) nói: “Đây là một lễ hội lớn của miền Trung, tôi chỉ biết qua báo chí, nhưng năm nay mới có dịp được tận mắt chứng kiến. Đến đây, không chỉ hòa vào không gian của phật pháp mà còn là dịp để khám phá, tham quan nhiều cảnh đẹp khác của Ngũ Hành Sơn. Một điểm đáng ghi nhận nữa là các quầy hàng ăn uống trong khuôn viên chùa khá sạch sẽ, giá cả phải chăng…”.

An ninh trật tự được bảo đảm

Nhằm bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực diễn ra lễ hội, ban tổ chức đã bố trí lực lượng khoảng hơn 200 người, được chia thành 14 tổ, cắm tại các chốt chính. Cụ thể, 11 tổ cắm chốt tại các ngã ba, ngã tư giao thông nơi dẫn vào lễ hội; 1 tổ cơ động giải quyết các vấn đề vỉa hè, hàng rong, xin ăn…; các tổ còn lại phụ trách giao thông cơ động, lái xe, ca-nô, cứu hỏa…

Ông Nguyễn Đình Thư, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, Phó BTC lễ hội cho biết: “Ngày 19-3 mới là lễ chính, dòng người đổ về sẽ đông đúc hơn nên tình hình cũng sẽ phức tạp hơn. Tuy nhiên, chúng tôi đã lên các phương án cụ thể nhằm ngăn chặn các tình huống xảy ra. Hiện tại, công trình xây dựng chùa Quán Thế Âm vẫn chưa hoàn tất, cơ sở hạ tầng chưa tốt và quy hoạch khuôn viên cũng chưa ổn nên còn nhiều bất cập trong việc xử lý lấn chiếm vỉa hè. Hiện tại, các hoạt động buôn bán ở đây vẫn trong vòng kiểm soát”.

Đề cập về việc một số bãi giữ xe ở phía bờ sông Cổ Cò có hiện tượng hét giá cao so với quy định, ông Nguyễn Đình Thư cho biết chưa nghe người dân phản ánh điều này. Hai tuần trước khi diễn ra lễ hội, BTC đã họp bàn, hướng dẫn các hộ dân về quy định giữ xe, chỉ thu phí 5.000 đồng/chiếc. Vì thế nếu phát hiện được hộ nào thu phí cao sẽ xử phạt nghiêm khắc. “Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có tình trạng mất an ninh trật tự xảy ra trong khu vực lễ hội. Chúng tôi kiên quyết thực hiện các mục tiêu: không mê tín, không phóng sinh, không đốt giấy tờ vàng bạc, không lấn chiếm vỉa hè, không lang thang cơ nhỡ, không có móc túi… Nếu phát hiện sẽ xử lý ngay”, ông Thư nhấn mạnh.

NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.